• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,15 +0,04/+0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 9:45:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,15   +0,04/+0,00%  |   HNX-INDEX   222,21   -0,27/-0,12%  |   UPCOM-INDEX   93,11   0,00/0,00%  |   VN30   1.312,76   -0,72/-0,05%  |   HNX30   462,68   +0,49/+0,11%
20 Tháng Giêng 2025 9:46:54 SA - Mở cửa
Tiền gửi tiết kiệm biến thành hợp đồng bảo hiểm: PVcombank cần giải thích thỏa đáng
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 19/07/2023 6:35:00 SA
Mục đích của ông Huệ là gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng PVcomBank nhưng lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Hiện vụ việc vẫn chưa được làm rõ.
 
Thời gian gần đây, tình trạng tiền gửi tiết kiệm của người dân bị biến thành bảo hiểm nhân thọ ngày càng gia tăng. Câu chuyện tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng PVcomBank và SCB bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm là những vụ việc điển hình đang được dư luận quan tâm.
 
Tiền gửi ngân hàng chuyển thành hợp đồng bảo hiểm
 
Do có khoản tiền nhàn rỗi, ông Nguyễn Đình Huệ (Yên Thành, Nghệ An) liên hệ với bà Cao Nguyễn Quỳnh Lê (cán bộ Ngân hàng PVcomBank Chi nhánh Nghệ An) để gửi số tiền hơn 3,3 tỷ đồng vào ngân hàng.
 
Ông Huệ cho biết, ngày 28/5/2021, bà Lê và ông Võ Trường Lâm đã đến trực tiếp gia đình ông Huệ để hướng dẫn khách hàng hoàn tất các thủ tục gửi tiền (sau này ông Huệ mới biết ông Lâm là nhân viên tư vấn bảo hiểm).
 
 
Ngân hàng PVcomBank Chi nhánh Nghệ An. 
 
Bà Lê tư vấn cho ông Huệ đầu tư sản phẩm rút tiền linh hoạt, với mức lãi suất hơn 10%. Khách hàng này không hiểu rõ thủ tục tín dụng nên đã làm theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng.
 
"Trước lúc tư vấn, tôi đã khẳng định không mua bảo hiểm mà chỉ có nhu cầu gửi tiền vào Ngân hàng PVcomBank. Tuy nhiên, bà Lê nói tôi nộp trước 200 triệu đồng để “chạy thử”, sau 21 ngày nếu không đồng ý với quỹ này thì có thể chuyển sang quỹ đầu tư khác để bảo toàn đồng vốn. Tôi chỉ biết làm theo chứ không biết và không hề được tư vấn gì về việc tham gia hợp đồng bảo hiểm”, ông Huệ cho biết.
 
Ông Huệ cho biết, vì tin tưởng ngân hàng, từ ngày 28/5 đến ngày 2/8, khách hàng đã nhiều lần nộp tiền vào ngân hàng với tổng số hơn 3,3 tỷ đồng. Sau mỗi lần nộp tiền, ông Huệ đều gọi điện cho bà Lê để xác nhận số tiền đã giao dịch.
 
“Nhân viên ngân hàng khẳng định tiền của tôi đã được đưa vào tài khoản ngân hàng. Tôi yên tâm và tin tưởng sau khi bà Lê cam kết như vậy”, ông Huệ chia sẻ.
 
 
Mục đích gửi tiền tiết kiệm của ông Huệ bỗng biến thành các hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: Quốc Toản.
 
Tháng 7/2022, ông Huệ nhận được điện thoại từ tổng đài của công ty bảo hiểm về nội dung đóng phí cho các hợp đồng bảo hiểm mà ông đã tham gia. Lúc này ông Huệ mới biết mục đích gửi tiền vào ngân hàng của mình đã chuyển thành tiền đóng bảo hiểm nhân thọ.
 
Sau khi phát hiện sự việc ông Huệ đã liên hệ với ngân hàng và bảo hiểm đề nghị dừng tất cả các giao dịch liên quan và rút khoản tiền đã nộp. Ông Huệ cho biết thêm, mặc dù khách hàng đã gặp trực tiếp lãnh đạo Ngân hàng PVcomBank Chi nhánh Nghệ An để làm rõ các thắc mắc có liên quan nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền mà ông Nguyễn Đình Huệ với mục đích gửi tiết kiệm tại Ngân hàng PVcomBank, Chi nhánh Nghệ An đã được chuyển thành bảo hiểm nhân thọ ở 3 hợp đồng.
 
Mỗi hợp đồng trị giá hơn 200 triệu đồng và thời gian kết thúc là năm 2062.
 
Bức xúc vì trước sự việc nêu trên, ông Huệ đã yêu cầu đơn vị có trách nhiệm hủy hợp đồng bảo hiểm. Tổng 2 lần, ông Huệ rút được hơn 2 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 1 tỷ đồng) đến nay chưa thể rút.
 
“Bản thân tôi là khách hàng quen thuộc của Ngân hàng PVcomBank Chi nhánh Nghệ An, vì quá tin tưởng vào nhân viên ngân hàng cho nên không coi hợp đồng, không biết mình bị cán bộ ngân hàng tự ý mua bảo hiểm, nên ngân hàng chỉ tôi ký vào đâu thì tôi ký vào đó”, ông Huệ cho biết.
 
Được biết, PVcombank Nghệ An đối tác phân phối của Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam.
 
Tại văn bản trả lời ông Huệ, Ngân hàng PVcomBank Nghệ An cho biết: “Với các tài liệu khách hàng cung cấp cũng như kết quả điều tra và thư phúc đáp của Prudential, PVcomBank và Prudential hiện chưa có đủ căn cứ để xác minh vi phạm của chuyên viên tư vấn bảo hiểm và cán bộ giới thiệu hợp đồng bảo hiểm”.
 
Phía PVcomBank Nghệ An cũng đề nghị khách hàng cung cấp thêm các bằng chứng xác thực để các bên tiếp tục tiến hành xác minh theo đúng quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định có liên quan.
 
Còn Công ty Bảo hiểm Prudential cho biết, chưa đủ cơ sở để xác định vi phạm của tư vấn viên trong quá trình tư vấn hợp đồng sau khi đã rà soát sự việc. Ông Võ Trường Lâm (chuyên viên tư vấn bảo hiểm) khẳng định, đã thực hiện tư vấn cho khách hàng sử dụng các sản phẩm bảo hiểm theo đúng quy định và không ép buộc.
 
Không đồng tình với giải thích của ngân hàng, và công ty bảo hiểm, ông Huệ đề nghị các bên có liên quan hoàn trả số tiền nợ còn lại và đền bù thiệt hại cho gia đình vì số tiền đã gửi bỗng dưng bị thiếu hụt. 
 
Không chỉ vụ việc ông Huệ, cách đây chưa lâu, khách hàng cũng phản ánh dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tiền khi gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB. Theo đó, người gửi tiết kiệm tại được nhân viên tư vấn là gửi gói tiết kiệm Tâm An Đầu Tư với lãi suất cao, nhưng không ngờ mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife.
 
Công an TP.HCM đã tiếp nhận 190 đơn tố cáo về cùng nội dung trên. Các nội dung tố cáo cho thấy, một số người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán đã được nhân viên của ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife.
 
Cần điều tra làm rõ
 
Về vấn đề này, Luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, tình trạng một số ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ tư vấn cho người dân để ký hợp đồng không còn là chuyện mới, trong đó có trường hợp người dân gửi tiền tiết kiệm bỗng chuyển thành hợp đồng bảo hiểm. Những bất cập này có cả lỗi từ phía khách hàng và phía ngân hàng.
 
"Tiền gửi tiết kiệm của khách bỗng dưng bị chuyển thành bảo hiểm nhân thọ là do người dân đặt quá nhiều niềm tin vào nhân viên tư vấn. Cũng có thể khách hàng chủ quan, không chủ động tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi đặt bút ký. 
 
Hợp đồng gửi tiết kiệm và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hai loại hợp đồng khác nhau hoàn toàn. Nếu hợp đồng tiết kiệm bị chuyển đổi thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho thấy dấu hiệu lừa dối của nhân viên ngân hàng trong việc tư vấn cho khách hàng khi tham gia giao dịch.
 
Trong trường hợp này, căn cứ Điểm h, Khoản 1, Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì các trường hợp hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối sẽ vô hiệu. Trường hợp nhân viên tư vấn một đường, nhưng làm một nẻo (gửi tiết kiệm nhưng bản chất lại tham gia bảo hiểm nhân thọ) thì có dấu hiệu hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Theo điều luật này, thủ đoạn gian dối là dấu hiệu cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Luật sư Vũ nhận định.
 
Cũng theo Luật sư Vũ, hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 đến 100 trang, đặc biệt là đối với dạng hợp đồng liên kết đầu tư thường có tính chất phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu nên sự thua thiệt chủ yếu thuộc về phía người mua. 
 
 
Luật sư Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC.
 
Luật sư Trần Hoàng Vũ cũng cho rằng, trong một số vụ việc nêu trên, đội ngũ tư vấn viên chính là mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp.
 
“Trong thực tế, không ít những tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, sai lệch về sản phẩm bảo hiểm khiến khách hàng hiểu sai về sản phẩm dẫn đến việc ký tên vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng lại lầm tưởng đó là hợp đồng tiết kiệm. Do đó, việc đẩy trách nhiệm về phía người mua (nếu có) là không hợp lý. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tìm ra câu trả lời cho việc liệu có hay không việc công ty bảo hiểm biết, nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng.
 
Để làm rõ vụ việc trên, tôi đề nghị thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an cần vào cuộc xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng trong vụ việc nêu trên hay không”, Luật sư Hoàng Vũ cho hay.
 
Cũng theo Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân có thể tố cáo tới cơ quan cảnh sát điều tra nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu hợp đồng bảo hiểm do bị lừa dối.
 
“Đơn cử như trong vụ việc của ông Nguyễn Đình Huệ, ngân hàng phải có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân theo hướng minh bạch, trung thực, tôn trọng khách hàng của mình. Mọi phản hồi của khách hàng đều phải được ghi nhận và xem xét kỹ lưỡng. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng”, Luật sư Hoàng Vũ cho biết.