• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:06:32 CH - Mở cửa
Bộ Công Thương đã và đang tích cực hỗ trợ cho Thanh Hoá thực hiện dự án điện khí LNG
Nguồn tin: Báo Công Thương | 03/07/2023 6:20:00 SA
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những hỗ trợ của Bộ Công Thương trong thực hiện dự án điện khí LNG.
 
Xin ông cho biết tình hình triển khai dự án điện khí LNG đến thời điểm này? Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã có những hỗ trợ cụ thể như thế nào?
 
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII). Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 01 dự án LNG Nghi Sơn công suất 1.500 MW, 01 dự án LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn 1.500MW sẽ được xem xét chính xác trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
 
Hiện nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
 
 
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
 
Bộ Công Thương cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện các dự án điện khí LNG đang triển khai trên địa bàn toàn quốc và giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi nhà đầu tư đủ hồ sơ dự án; trong đó, trước mắt việc thực hiện thủ tục chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh và việc triển khai dự án LNG Nghi Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành địa phương, đảm bảo dự án vào vận hành đúng tiến độ được duyệt trong Quy hoạch điện VIII.
 
Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với các địa phương có dự án điện khí để thống nhất phương pháp thực hiện. Ông đánh giá như thế nào về vai trò trách nhiệm đầu mối của Bộ Công Thương tại cuộc họp này nói riêng cũng như thực hiện Quy hoạch điện VIII nói chung?
 
Ngày 24/6/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trong Quy hoạch điện VIII.
 
Theo đó, Bộ trưởng đã khẳng định: việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế. Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.
 
Với vai trò trách nhiệm đầu mối, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nội dung sau:
 
Thứ nhất, đối với các dự án đã có chủ đầu tư: Các địa phương cần tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
 
Thứ hai, đối với các dự án chưa có chủ đầu tư: Cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của nhà máy, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong qúy III năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi nhà máy điện sử dụng LNG, phấn đấu hoàn thành trong quý IV năm 2023. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, vận hành dự án,… bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa tin tưởng, hy vọng các dự án LNG trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được triển khai thực hiện, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
 
 
Để đầu tư một dự án điện khí cần rất nhiều thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành, vậy ngoài những nỗ lực của Bộ Công Thương ông có kiến nghị gì với các bộ ngành khác?
 
Theo ý kiến của Bộ Công Thương, thời gian nhanh nhất từ chuẩn bị đầu tư đến đầu tư đưa dự án LNG vào vận hành cần rất nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều bộ, ngành, ước tính từ 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. Đồng thời, theo Bộ Công Thường, có một số địa phương cũng đã đề xuất, kiến nghị về những vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện…. Để giải quyết được những vấn đề này cần sự phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan. Do đó, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII, trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương đóng vai trò rất quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc sớm đưa dự án vào vận hành.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết. Bộ Công Thương sẽ lập các Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương.
 
Đồng thời, Bộ Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG để phát huy hiệu quả của dự án.
 
Vấn đề lo lắng nhất hiện nay trong thực hiện dự án là lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực (tài chính, kinh nghiệm, quản lý…). Vậy địa phương sẽ có giải pháp gì để thu hút, lựa chọn nhà đầu tư hiệu quả?
 
Việc lựa chọn được nhà đầu tư có tài chính, kinh nghiệm, quản lý thực hiện dự án là vấn đề mấu chốt trong việc sớm đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư, UBND tỉnh đang giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phối hợp với các ngành có liên quan để đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm để tham mưu cho UBND tỉnh.
 
Ngoài ra, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi nhà đầu tư đủ hồ sơ dự án.
 
Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa tin tưởng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, UBND tỉnh sẽ sớm tìm được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
 
Xin cảm ơn ông!