Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng mang lại lợi ích lớn cho Vương quốc Anh.
Vương quốc Anh đã tham gia một khu vực thương mại bao gồm 11 quốc gia chiếm 13% thu nhập của thế giới, với khoảng 500 triệu người: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Vương quốc Anh cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia hiệp định thương mại này và được dự đoán là nền kinh tế lớn thứ hai của hiệp định, sau Nhật Bản.
Hiện tại, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của các thành viên CPTPP sử dụng khoảng 400.000 lao động trên khắp Vương quốc Anh. Chính phủ Anh khẳng định rằng các công ty này có ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế: Mặc dù chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp ở Vương quốc Anh, nhưng họ tạo ra 6,1% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, trong khi cơ hội có thể là đáng kể trong dài hạn, thì ngay cả chính đánh giá của Chính phủ Anh cũng cho rằng lợi ích kinh tế sẽ là khá nhỏ: chỉ khoảng 0,08% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 10 năm. Theo một thước đo khác, các quốc gia CPTPP chiếm 8% xuất khẩu của Vương quốc Anh năm 2019 - ít hơn số lượng bán sang Đức.
Một vấn đề khác là không giống với Liên minh châu Âu (EU), CPTPP không phải là thị trường chung cũng không phải là một liên minh thuế quan. Điều đó có nghĩa là các quốc gia không bắt buộc phải có các tiêu chuẩn giống nhau. Đây là mối lo ngại đối với các công đoàn Vương quốc Anh, vốn nêu bật mối đe dọa đối với quyền của người lao động, dịch vụ công và các quyết định mang tính dân chủ. Họ cho rằng điều này có thể khiến nhiều việc làm ở Vương quốc Anh gặp rủi ro.
Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ “xanh” chỉ trích những mặt trái về môi trường. Ví dụ, Malaysia có thể thu lợi từ xuất khẩu dầu cọ phi thuế quan sang Vương quốc Anh, mặc dù nạn phá rừng ở đó đang làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Một vấn đề đau đầu khác đối với Thủ tướng Sunak, người đang tìm kiếm chiến thắng chính trị nhanh chóng trước cuộc tổng tuyển cử ở Vương quốc Anh dự kiến diễn ra vào năm 2024, là hiệp định hiện phải được các thành viên CPTPP xem xét kỹ lưỡng và phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Điều này có thể mất ít nhất một năm, khi đó ông có thể không còn là thủ tướng nữa.
Những cơ hội ngắn hạn
Khi Vương quốc Anh bắt đầu giao dịch theo các điều khoản của CPTPP, những cơ hội ngay lập tức và rõ ràng nhất sẽ dành riêng cho từng quốc gia và lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, Brunei và Malaysia - chiếm tổng cộng chưa đến 0,5% tổng thương mại của Vương quốc Anh - là hai quốc gia trong câu lạc bộ mà Vương quốc Anh hiện không có thỏa thuận thương mại.
Về mặt ngành, dự kiến các nhà sản xuất sữa sẽ có cơ hội xuất khẩu sang Canada, Chile, Nhật Bản và Mexico, trong khi các nhà sản xuất thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm sẽ tiếp cận tốt hơn thị trường Mexico.
CPTPP cũng giúp các nhà sản xuất các mặt hàng như máy móc và dược phẩm - nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Vương quốc Anh sang khối này - dễ dàng mở rộng chuỗi cung ứng của họ hơn sang các nước thành viên.
Điều này là do sản phẩm của họ có thể đủ điều kiện được hưởng ưu đãi theo quy định, chừng nào ít nhất 70% linh kiện của chúng có nguồn gốc từ bất kỳ nước thành viên CPTPP nào.
Phòng Thương mại Vương quốc Anh nhận thấy “tính xác đáng đặc biệt” đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này, với chi phí nhập khẩu linh kiện giảm từ các nước thành viên.
Bên cạnh thương mại, khi các nhà đầu tư từ các nước CPTPP đầu tư vào các dự án ở các quốc gia thành viên khác, họ sẽ được đối xử giống như các doanh nghiệp trong nước ở đó.
Các mô hình thương mại trong tương lai
CPTPP sẽ đem lại lợi ích cho một số công ty. Chatham House - tổ chức tư vấn chiến lược của Vương quốc Anh - nhấn mạnh rằng lợi ích kinh tế của việc gia nhập là không đáng kể vì Vương quốc Anh đã có các thỏa thuận thương mại tự do với 9/11 nước. Hơn nữa, thỏa thuận sẽ không bù đắp được những mất mát của việc rời khỏi EU.
Tuy nhiên, những người lạc quan như Bộ trưởng Thương mại Kemi Badenoch lập luận rằng CPTPP giống như một sự khởi động, và các ước tính hiện nay không tính đến việc các thành viên như Việt Nam đang tăng nhanh tầm quan trọng như thế nào trong thương mại toàn cầu. Bà cũng đánh dấu lợi thế của việc tiếp cận nhiều hơn với tất cả các thị trường CPTPP, bao gồm cam kết loại bỏ hoặc giảm 95% phí hoặc thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, phần lớn lợi ích của việc tham gia dựa trên những lợi ích trong tương lai mà hiện không thể định lượng được. Câu hỏi đặt ra là liệu Vương quốc Anh có thể chuyển hướng mô hình thương mại của mình sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn được dự báo chiếm ít nhất 50% tăng trưởng toàn cầu từ nay đến năm 2035 hay không.
Một lợi ích lớn sẽ là nếu Mỹ đảo ngược quyết định không tham gia của cựu Tổng thống Donald Trump, vì Mỹ chiếm khoảng gấp đôi lượng hàng xuất khẩu của Vương quốc Anh so với các quốc gia CPTPP hiện nay cộng lại. Tuy nhiên, tư cách thành viên của Mỹ sẽ phải chờ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Joe Biden, hay thậm chí là tổng thống mới.
Bởi vậy, sự phô trương ầm ĩ xung quanh việc Vương quốc Anh tham gia CPTPP dựa trên nhiều suy đoán về tác động của nó trong tương lai và những quốc gia mới nào có thể tham gia.
Vương quốc Anh có những thế mạnh đáng gờm và liên tục với tư cách là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một số người ủng hộ Brexit đã quá lạc quan, trước cuộc trưng cầu dân ý, về một loạt thỏa thuận mới sẽ được đàm phán trong vài năm đầu tiên sau khi rời khỏi EU.
Thậm chí người ta còn nói về việc London sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của thương mại toàn cầu vào những năm 2020, bao gồm việc đàm phán nhanh chóng các thỏa thuận thương mại song phương rất thuận lợi với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Nhưng những tham vọng như vậy đã bị dập tắt bởi thực tế về sức mạnh đàm phán của Vương quốc Anh trong một thế giới được định hình bởi các siêu cường kinh tế toàn cầu.
Tại Hội nghị mùa Thu năm 2017 của đảng Bảo thủ, cựu Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế Liam Fox thậm chí đã chúc mừng các thành viên của đảng: “Chúng ta sẽ tái tạo 40 thỏa thuận thương mại tự do của EU đã tồn tại trước khi chúng ta rời EU, vì vậy, chúng ta sẽ không bị gián đoạn về thương mại”.
Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi Vương quốc Anh cuối cùng đã rời khỏi câu lạc bộ có trụ sở ở Brussels này vào tháng 1/2020 - sau nhiều lần trì hoãn - lời hứa của Fox vẫn chưa được thực hiện. Ngay cả một số thành công hậu Brexit, chẳng hạn như thỏa thuận thương mại Anh-Nhật Bản, cũng nhuốm màu mỉa mai.
CPTPP đem lại sự đặt cược dài hạn đáng kể cho Vương quốc Anh. Nhưng chỉ với tác động trong ngắn và trung hạn, sự thành công của nó sẽ phụ thuộc vào việc liệu các vấn đề như quyền của người lao động Anh có thể được bảo vệ hay không và vào mức độ các công ty của Anh có thể chuyển hướng các mô hình thương mại sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ trong những thập kỷ tới./.