Trước chủ trương cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp (DN) Nhà nước, có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang chuyển hướng sang tư bản chủ nghĩa dưới “vỏ bọc” của XHCN. Tuy nhiên, sự thật có phải như vậy?
Trong quá trình tái thiết, xây dựng đất nước, Việt Nam từng phải trả giá đắt khi nóng vội xây dựng CNXH trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội chưa phù hợp. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 10 năm thực hiện cơ chế tập trung, bao cấp là giai đoạn kinh tế trì trệ, đời sống người dân rất khó khăn, khiến đất nước bị “chậm nhịp” khá xa so với thế giới.
Đổi mới là yêu cầu, đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. Phát triển nền kinh tế thị trường cũng là đòi hỏi mang tính khách quan. Thực tiễn phát triển và lý luận kinh điển của Mác đều khẳng định tính tất yếu và phổ biến của kinh tế thị trường trong quá trình phát triển của mọi quốc gia, dân tộc. Kinh nghiệm 37 năm đổi mới cho thấy, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là hướng đi phù hợp với Việt Nam.
Với mô hình này, các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển, bởi đều có những vai trò, đóng góp riêng, tạo nên sức mạnh chung của nền kinh tế. Trong đó, Đảng, Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nhờ đó, thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Từ khi đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng từ 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập DN chiếm khoảng 34%...
Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng trong huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Thời gian qua, trên vài diễn đàn, mạng xã hội, xuất hiện một số ý kiến, luận điểm cho rằng, khi xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế nghĩa là Việt Nam đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa, còn định hướng XHCN chỉ là mị dân, hình thức. Lợi dụng chủ trương cổ phần hóa, cơ cấu lại DN Nhà nước, một số quan điểm cho rằng, chủ trương này thực chất là việc tiến hành “tư nhân hóa” nền kinh tế quốc dân, chuyển hướng tư bản chủ nghĩa.
Đây là ý kiến xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, cố tình lái dư luận hiểu sai bản chất vấn đề. Thực tế, trong thời kỳ quá độ, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế (kinh tế Nhà nước; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; kinh tế tư nhân; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm huy động tối đa sức mạnh của mọi thành phần kinh tế, mọi giai tầng xã hội vào phát triển kinh tế, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tốc độ tăng trưởng cao. Việc coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng không đồng nghĩa với việc “tư nhân hóa” nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, nhưng kinh tế Nhà nước mới là thành phần giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế theo định hướng XHCN, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Trong phát triển kinh tế Nhà nước, xuất hiện không ít DN Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cần cổ phần hóa, cấu trúc lại nhằm huy động vốn đầu tư từ chủ thể của các thành phần kinh tế khác, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của DN Nhà nước. Thực tế, hầu hết DN Nhà nước sau khi cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Điển hình như trường hợp của Vinamilk, sau khi cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, quy mô tài sản liên tục gia tăng, khả năng tự chủ tài chính được cải thiện. Tính đến hết năm 2020, Vinamilk xuất khẩu sang 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,4 tỷ USD. Hay việc tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, thay đổi toàn diện chiến lược kinh doanh là nhân tố chính giúp Sabeco trở thành một trong những công ty dẫn đầu ngành rượu, bia, nước giải khát tại thị trường Việt Nam và khu vực...
Trong chủ trương cổ phần hóa, cơ cấu lại DN Nhà nước, Việt Nam quy định rõ 13 ngành, lĩnh vực Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ; 7 ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên. Đây đều là những lĩnh vực then chốt, thiết yếu liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng - an ninh để giữ vững vai trò chủ đạo, định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường của kinh tế Nhà nước.
Mặc cho những thành tựu đổi mới và tư duy, lý luận rõ ràng về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, một số luận điểm xuyên tạc vẫn cho rằng, kinh tế thị trường và định hướng XHCN như “nước với lửa”, không thể kết hợp được với nhau, đồng thời lấy quan điểm “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và chủ trương cổ phần hóa, tái cơ cấu DN Nhà nước để bịa đặt câu chuyện Việt Nam “tư nhân hóa nền kinh tế”, “chuyển hướng” tư bản chủ nghĩa...
Những luận điệu phê phán, xuyên tạc này nhằm làm chệch hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm chệch quỹ đạo xây dựng CNXH ở nước ta. Do đó, cần hết sức tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai lầm, vô căn cứ này, tiếp tục giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng và Nhà nước ta đã định hướng, lựa chọn.