• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:12:42 CH - Mở cửa
Vận tải thủy - giải pháp hữu hiệu giảm chi phí logistics
Nguồn tin: Báo Hải quan | 09/08/2023 9:15:00 CH
Để giảm chi phí logistics, Chính phủ chỉ đạo đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức, tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải...
 
 
Chi phí vận chuyển rẻ
 
Theo các chuyên gia, để giảm chi phí logistics, giải pháp căn cơ là tăng cường vận chuyển đường thủy kết nối cảng nội địa gần với nhà máy, đồng thời phát triển các cảng cạn và kho chứa có kết nối đường thủy tại các khu kinh tế trọng điểm. Những ưu điểm của giải pháp này là tuyến sà lan ổn định, không bị hạn chế khi đi vào các khu vực làm hàng, lượng container chuyên chở lớn (từ 36-96 TEU), đội ngũ vận hành phương tiện ít (chỉ từ 3-4 nhân sự).
 
Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, theo tính toán, vận chuyển 1 container hàng 20 feet từ cảng nước sâu Lạch Huyện - Hải Phòng lên ICD Quế Võ - Bắc Ninh bằng sà lan tải trọng 96 TEU tốn khoảng 10 lít dầu, trong khi vận chuyển bằng xe đầu kéo mất khoảng 45 lít dầu. Với sản lượng 30.000 TEU trong năm 2022, việc vận chuyển bằng sà lan của công ty trên đường thủy góp phần giảm tới 80% lượng khí phát thải, chính vì thế, việc phát triển vận tải thủy góp phần phát triển vận tải xanh từ đó góp phần phát triển logistics xanh tại Việt Nam.
 
Ông Phan Văn Có, Công ty TNHH Vrice cho biết, đa số các công ty xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn tuyến vận chuyển bằng đường thủy nội địa thay cho đường bộ để tiết kiệm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa. Cụ thể, chi phí vận chuyển bằng sà lan qua tuyến đường thủy từ các cảng tại TPHCM về cảng Thốt Nốt là 5,3-5,5 triệu đồng/container. Trong khi đó, nếu đi bằng đường bộ, mức chi phí sẽ tốn gấp đôi, khiến hàng hóa không cạnh tranh được với nước ngoài. Tương tự, ông Trần Quốc Toản, Công ty TNHH MTV Thép VAS An Hưng Tường thông tin, để giảm chi phí, công ty lựa chọn đường thủy làm tuyến vận tải chính để chuyên chở hàng hóa nhập khẩu từ các cảng tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu về Bình Dương nhằm tiết kiệm chi phí. Bởi vì, khối lượng vận chuyển trung bình của mỗi chiếc sà lan tương đương 50 chiếc xe đi trên đường bộ, trong khi chi phí cho mỗi chuyến sà lan chỉ bằng khoảng 15 chuyến xe.
 
Là doanh nghiệp khai thác cảng và cung cấp dịch vụ Logistics hàng đầu Việt Nam, nhiều năm qua, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã triển khai rất nhiều dịch vụ kết nối đường thủy tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối dịch vụ vận tải thủy từ cụm cảng Cái Mép - TPHCM và Cần Thơ sang Campuchia với sự tham gia tích cực của các đơn vị trong hệ thống. “Hiện chúng tôi đang mở rộng và phát huy vận tải xanh bằng cách tăng cường vận tải thủy nội địa kết nối các cửa ngõ lớn, như cảng nước sâu Cái Mép – Bà Rịa- Vũng Tàu, cụm cảng Hải Phòng kết nối với các địa phương, các cụm công nghiệp bằng vận tải thủy. Với phương thức vận tải này không những giảm chi phí vận chuyển, mà góp phần giảm khí thải ra môi trường...”- ông Bùi Văn Quỳ chia sẻ.
 
Chú trọng phát triển vận tải thủy
 
Mới đây trả lời chất vấn một đại biểu Quốc hội tại Cà Mau về chi phí logistics, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt vào 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức tương đương 16,8 - 17% GDP và vẫn còn ở mức khá cao so với bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6%). Theo Phó Thủ tướng, chi phí này đã cơ bản tiệm cận mục tiêu của Chính phủ đề ra trong kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, với mục tiêu chi phí giảm tương đương 16 - 20% GDP.
 
Để giảm chi phí logistics, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức, tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải... phân cấp, phân quyền cho địa phương trong đầu tư, khai thác hạ tầng.
 
Về chi phí vận chuyển một container hàng từ Bắc vào Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ theo các số liệu điều tra, khảo sát hiện nay, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Bắc vào Nam như đại biểu đưa ra (2.000 USD) tương ứng với phương thức vận chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên, tùy theo mặt hàng chuyên chở, nhu cầu của chủ hàng về thời gian và điều kiện vận chuyển, các doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển với chi phí chỉ tương đương 50% - 70% của đường bộ (tùy thuộc vào điều kiện xếp dỡ). Ví dụ hiện giá cước vận tải biển chiều từ Hải Phòng - TPHCM đang dao động 9,2 - 9,5 triệu đồng/container loại 20 feet và khoảng 12 triệu đồng/container loại 40 feet. Ở chiều ngược lại TPHCM - Hải Phòng, mức cước khoảng 6 - 8 triệu đồng/container loại 20 feet và 9 - 10 triệu đồng/container loại 40 feet.
 
Như vậy, phương thức vận tải thủy tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ như hiện nay. Để thúc đẩy phát triển vận tải tại 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí, cuối năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch số 13197/KH-BGTVT phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ đẩy mạnh thị phần vận tải và lấy đường thủy là trọng tâm; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện thuỷ nội địa chở container; Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt và các cảng được điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics.