Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/8/2023, quy mô thị trường bảo hiểm ước đạt 876 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 147 nghìn tỷ đồng, giảm 6,08% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản thị trường bảo hiểm tính đến ngày 31/8/2023 ước đạt 875.852 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 756.981 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu toàn thị trường ước đạt 182.181 tỷ đồng, tăng 3,69% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 147.130 tỷ đồng, giảm 6,08% so với cùng kỳ năm trước. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 46.529 tỷ đồng, tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết tháng 8/2023, đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 733.814 tỷ đồng, tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 668.257 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 576.766 tỷ đồng, tăng 14,97% so với cùng kỳ năm 2022. Dự phòng nghiệp vụ tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng, trong khi con số này tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 542.843 tỷ đồng.
Mới đây, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có cuộc họp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về kết quả thực hiện các nội dung rà soát, chấn chỉnh do Cục Quản lý giám sát bảo hiểm chỉ định.
Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động rà soát và triển khai nhiều hoạt hướng tới bảo vệ lợi ích cho khách hàng, lấy lại niềm tin để ngành Bảo hiểm nhân thọ phát triển lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thực hiện các chiến lược hướng đến phát triển bền vững, minh bạch thông tin, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác "bảo hiểm minh bạch".