Hệ thống ngân hàng là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng cao, nên vấn đề mua bán và sáp nhập (M&A) luôn “nóng”. Theo đó, ngân hàng đang thu hút hàng tỷ USD vốn ngoại thông qua các thương vụ M&A. Chính phủ cũng muốn đẩy mạnh M&A để tạo ra các ngân hàng lớn mạnh hơn và có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng toàn cầu.
Sôi động những thương vụ M&A tỷ đô
Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Đây là một trong những bước cuối cùng để nhà băng này hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC).
Với giá trị 1,5 tỷ USD, đây là thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng.
Không chỉ VPBank, giữa tháng 5/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Chính Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ Baht, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.
Thương vụ bán vốn của VPBank cho SMBC là thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, có giá trị 1,5 tỷ USD.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, SHB ghi nhận khoản thu đột biến hơn 675 tỷ đồng từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SHB đã thực nhận hơn 675 tỷ đồng tiền thu cổ tức và lợi nhuận từ các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn.
Ngoài thương vụ chuyển nhượng SHBFinance cho đối tác Krungsri, SHB đang tiếp tục triển khai việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài khác.
Theo đó, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển thông tin, SHB đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài và dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm sau, SHB sẽ có một "chàng rể ngoại".
Liên quan đến thương vụ này, Reuters vừa cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD.
Chính phủ muốn đẩy mạnh M&A để tạo ra các ngân hàng lớn mạnh hơn
Ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, FiinGroup thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị thị trường M&A tại Việt Nam đạt gần 2,7 tỷ USD, giảm 54%; số lượng giao dịch thành công giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có 10 giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng/giao dịch, với tổng giá trị 2,3 tỷ USD.
Theo ông Đồng, hệ thống tổ chức tín dụng là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng cao nên vấn đề M&A luôn “nóng” khi tính đến đầu tư dài hạn. Bối cảnh kinh tế hiện nay có những khó khăn, tác động đến hệ thống tổ chức tín dụng, đó là tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp gặp khó khăn nên nhu cầu vay vốn giảm, nợ xấu tăng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp và suy giảm do nợ xấu tăng…, nhưng đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn và là cơ hội tốt để các nhà đầu tư chiến lược dài hạn tham gia lĩnh vực này.
TS. Gregory Bournet - Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo mảng Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, PwC Malaysia và Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam dần trở nên an toàn, kiên cường và có sức chống chịu tốt hơn.
Tuy nhiên, TS. Bournet nhận định, một số ngân hàng vẫn còn yếu kém, thiếu vốn và không đạt chuẩn, trở thành mục tiêu tiềm năng cho các hoạt động tái cơ cấu và M&A. Một số thỏa thuận M&A liên quan đến các ngân hàng yếu kém chưa được công bố chính thức, nhưng đang được thực hiện như chuyển giao Ocean Bank cho MB, CBBank cho Vietcombank, DongA Bank cho HDBank, GP Bank cho VPBank.
“Hiện tại, Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại, Chính phủ muốn đẩy mạnh M&A để tạo ra các ngân hàng lớn mạnh hơn và có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng toàn cầu”, ông nói.
Ngoài ra, một hạn chế lớn đối với quyền sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng Việt Nam là hạn mức sở hữu: tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất tăng hạn mức sở hữu nước ngoài từ 30% lên 49% đối với một số ngân hàng đã mua lại tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.
Các ngân hàng nhỏ trong nước cũng đang xem xét tới việc M&A như một chiến lược để tăng cường sức khỏe tài chính và đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt.
Thêm vào đó, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển và ngành ngân hàng ngày càng trưởng thành hơn, các ngân hàng dù lớn hay nhỏ nhiều khả năng sẽ khám phá các cơ hội M&A, nhằm gia tăng thị phần và mức độ ảnh hưởng trên thị trường, cung cấp danh mục dịch vụ đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.
Thanh Hồng