Vấn đề nan giải mà các tập đoàn dầu khí toàn cầu đang đối mặt là phải đẩy mạnh thăm dò và sản xuất nhằm tận dụng giá cầu cao theo yêu cầu cầu của cổ đông, nhưng đồng thời phải giảm phát thải khí carbon để chống biến đổi khí hậu trước áp lực của cộng đồng quốc tế.
Tại Đại hội Dầu mỏ thế giới (WPC) lần thứ 14 diễn ra ở Calgary, Canada từ ngày 17 đến 21-9, khoảng 500 diễn giả, bao gồm Darren Woods, CEO của ExxonMobil, Saudi Abdulaziz bin Salman Al Saud, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, sẽ thảo luận các chủ đề như khử carbon trong hoạt động sản xuất nhiên liệu hydrogen và sự tham gia của người dân bản địa vào nỗ lực đưa lượng phát thải ròng khí nhà kính về mức zero (Net Zero). Điều này phù hợp với chủ đề của đại hội là “Chuyển đổi năng lượng: Con đường dẫn tới Net Zero”. Nhưng chủ đề này lại đi ngược với lập trường mà nhiều CEO trong ngành dầu khí đang theo đuổi.
Đối với họ, an ninh nguồn cung năng lượng toàn cầu đã trở thành ưu tiên hàng đầu kể từ sau cuộc chiến của Nga với Ukraine. Trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao, các cổ đông ở những tập đoàn dầu khí toàn cầu cũng nhận thấy sức hấp dẫn mới trong hoạt động khoan thăm dò tìm nguồn dầu mới, vốn thường không được chú trọng. Wael Sawan, CEO của tập đoàn dầu khí Shell (Anh), đã nói với các cổ đông rằng tập đoàn sẽ phát huy thế mạnh bằng cách đặt trọng tâm vào sản xuất dầu khí.
Rich Kruger, CEO của Suncor Energy có trụ sở tại Calgary, thành phố đăng cai WPC, cho biết Suncor Energy sẽ loại bỏ “sự nhấn mạnh không cân đối” trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tập trung vào việc tạo ra giá trị từ tài sản cát dầu của công ty. Cát dầu là cát rời hoặc đá cát kết có chứa hỗn hợp tự nhiên gồm cát, đất sét, nước và bitumen, một dạng dầu mỏ đậm đặc và rất nhớt.
Richard Masson, Chủ tịch Hội đồng Dầu mỏ thế giới ở Canada, cho rằng mong muốn giữ năng lượng ở mức giá phải chăng và sự hài lòng của các cổ đông không nhất thiết phải trả giá bằng môi trường.
“Ngành công nghiệp dầu mỏ đang nỗ lực hết sức để đáp ứng các mục tiêu của xã hội. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta quản lý quá trình chuyển đổi mà không khiến mọi người rơi vào tình trạng nghèo năng lượng”, Masson nói trong một cuộc phỏng vấn.
Đối với ngành dầu khí, việc giảm lượng khí thải đủ để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm ngoái, hoạt động sản xuất và chế biến dầu khí chiếm khoảng 15% lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu.
IEA cho biết, lượng khí thải đó sẽ cần phải giảm 60% vào năm 2030. Theo IEA, mục tiêu đó có thể đạt được bằng cách đầu tư vào công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, mở rộng việc sử dụng hydrogen phát thải thấp và giảm lượng khí thải methane dự kiến tiêu tốn khoảng 600 tỉ đô la.
Các nhà sản xuất cát dầu của Canada đang chịu sức ép phải hạn chế khí thải. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm cả quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy, đã bán tháo cổ phiếu của Suncor, Canadian Natural Resources Ltd. và Cenovus Energy Inc., những công ty sản xuất cát dầu hàng đầu của Canada vì lo ngại về khí hậu.
Để xoa dịu lo ngại này, các công ty cát dầu Canada đã thành lập Liên minh Pathways Alliance nhằm vạch các giải pháp để giảm khí thải trong hoạt động sản xuất cát dầu của họ. Giải pháp trọng tâm là một hệ thống thu hồi carbon khổng lồ được tài trợ phần lớn bằng ngân sách của chính phủ Canada khoảng 9,1 tỉ đô la.
“Chúng tôi làm điều này vì thị trường đang thúc đẩy. Nếu chúng tôi không thể đi theo con đường khử carbon, thì việc đảm bảo tài chính và bảo hiểm cho các hoạt động sẽ ngày càng khó khăn hơn”, Kendall Dilling, Chủ tịch của Pathways Alliance, giải thích.
Theo Duncan Kenyon, giám đốc phụ trách hợp tác doanh nghiệp ở tổ chức Nhà đầu tư tuân thủ thỏa thuận khí hậu Paris (IPC), ngay cả khi chính phủ Canada tài trợ cho hệ thống thu giữ carbon từ hoạt động sản xuất cát dầu, ngành công nghiệp này vẫn đối mặt với các mối đe dọa trong một thế giới đang nỗ lực giảm 80% lượng khí thải đến từ việc tiêu thụ dầu, chứ không chỉ giảm 20% khí thải trong hoạt động sản xuất dầu.
“Thực sự có một rủi ro kinh doanh lớn hơn bao giờ hết đối với công ty cát dầu vì họ là nhà sản xuất có chi phí cao và họ phải lựa chọn xử lý carbon với chi phí cao hơn”, Kenyon nói.
Đối với Lisa Baiton, CEO của Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ Canada, WPC mang đến cho các công ty khoan dầu Canada cơ hội để trình bày những tiến bộ mà họ đã đạt được trong nỗ lực giảm khí thải.
“Đây thực sự là một dịp tuyệt vời để củng cố tầm nhìn của Canada với tư cách là một trong những quốc gia có năng lượng được sản xuất có trách nhiệm nhất trên thế giới và nắm bắt cơ hội cạnh tranh trên toàn cầu”, Baiton nói,