Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từng tạo ra bước ngoặt mới cho ngành lọc dầu Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Ngãi. Sau gần 15 năm, nhà máy này bước vào giai đoạn phát triển mới với nguồn đầu tư tỷ USD, kỳ vọng nâng vị thế cạnh tranh lên một tầm cao mới, đồng thời tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, nhà máy này đóng góp tới hơn nửa nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.
Hơn 1,2 tỷ USD nâng cấp, mở rộng nhà máy
Đầu tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (
BSR). Theo đó, dự án sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện hữu để nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO 5, tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ.
Tổng vốn cho dự án mở rộng, nâng cấp này khoảng 31.235 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư được thực hiện theo cơ cấu chủ sở hữu/vốn vay là 40/60. Nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn cho phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn, nhằm đem lại hiệu quả cao hơn. Dự án triển khai hợp đồng EPC dự kiến trong 37 tháng, quý I/2028 sẽ đưa nhà máy vào vận hành.
Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc với
BSR đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát huy kết quả hoạt động của nhà máy, đồng thời rút kinh nghiệm từ các dự án khác để khẩn trương triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo đảm đúng quy định, kịp thời, hiệu quả.
Trong thông điệp gửi cổ đông năm 2023, ban lãnh đạo
BSR nhấn mạnh quyết tâm giữ vị thế là đơn vị tiên phong của khâu hạ nguồn trong chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của ngành dầu khí. Đơn vị đã và đang giữ vững vị thế chủ lực trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam với sản lượng đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cho đất nước.
Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả nước, đặc biệt khu vực Trung Bộ. Đồng thời, dự án cũng sẽ góp phần trong việc tăng lượng sản phẩm xăng, dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thu hút thêm các nhà đầu tư trong việc phát triển lĩnh vực hoá dầu, các nguồn năng lượng phụ trợ…
Vì sao phải mở rộng, nâng cấp?
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT
BSR, cho biết việc mở rộng nhà máy là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả. Nâng cấp, mở rộng không phải là câu chuyện riêng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà tất cả các nhà máy lọc dầu trên thế giới từng làm cách đây hàng chục năm, trong đó có cả những nước có nền công nghiệp lọc hóa dầu phát triển như Nga, Nhật, Mỹ.
“Việc xây dựng và phát triển một nhà máy lọc dầu gồm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây dựng một nhà máy cơ sở, sau đó vận hành và đánh giá, từ đó có giai đoạn 2 nâng cấp, mở rộng. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ và giá xăng dầu thay đổi liên tục nên phải tính toán, nâng cấp, tối ưu hóa để nâng cao hiệu quả của các nhà máy lọc dầu”, ông Hội cho hay.
Đáng chú ý, khi thiết kế xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cả thế giới mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 2 nhưng đến nay đã là EURO 5. Vì vậy, nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới khi Việt Nam đã tham gia vào một số công ước quốc tế về môi trường.
Về sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội, sau khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, dự kiến các khoản thu ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 1.361 tỷ đồng/năm. Con số này cũng sẽ thay đổi tăng, giảm theo tình hình biến động thị trường dầu thô, sản phẩm xăng, dầu trong nước và thế giới.
Theo Chủ tịch HĐQT
BSR Nguyễn Văn Hội, trải qua 15 năm hoạt động,
BSR đã hoàn thành mắt xích cuối cùng trong hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ khai thác đến sản xuất sản phẩm.
“Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là chiến lược phát triển mang tính cấp thiết của
BSR nhằm đảm bảo phù hợp với xu hướng sử dụng nhiên liệu ngày càng sạch hơn để bảo vệ môi trường và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Chính phủ. Đồng thời, dự án cũng sẽ giúp
BSR giữ vững và duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng năng lực sản xuất sản phẩm xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung. Trong trung hạn và dài hạn, với tinh thần trở thành doanh nghiệp dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong lĩnh vực năng lực và lọc hóa dầu,
BSR sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam”, ông Hội nhấn mạnh.
Ông Hội cũng cho biết thêm, mục tiêu chiến lược của
BSR là xây dựng đơn vị trở thành một công ty lọc hóa dầu chủ động, năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả sản xuất - kinh doanh ở mức cao, gắn liền với bảo vệ môi trường, an toàn và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là bước ngoặt quan trọng để
BSR hiện thực hóa mục tiêu trên.