Hoạt động chế biến dầu thô kỷ lục và nhập khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc trong tháng 8 đã vẽ nên một bức tranh lạc quan về nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới, theo ông Clyde Russell, một tay viết về Chuyên mục Hàng hóa và Năng lượng châu Á tại Reuters.
Điều phần lớn bị bỏ qua là lượng dầu khổng lồ chảy vào kho dự trữ, ông nói.
Theo tính toán dựa trên dữ liệu chính thức, Trung Quốc đã bổ sung khoảng 1,32 triệu thùng mỗi ngày vào kho dự trữ dầu thô thương mại hoặc chiến lược trong tháng 8.
Điều này đã đảo ngược mức giảm tồn kho hiếm hoi trong tháng 7, khi các nhà máy lọc dầu xử lý nhiều hơn khoảng 510.000 thùng/ngày so với lượng sẵn có từ nhập khẩu và khai thác trong nước.
Tháng 7 là tháng đầu tiên trong 13 tháng gần đây Trung Quốc chuyển sang sử dụng dầu dự trữ và điều này đến vào thời điểm nhập khẩu giảm do giá dầu thô tăng.
Điều này đã bị đảo ngược trong tháng 8 do nhập khẩu dầu thô tăng mạnh và sản lượng trong nước ổn định, vượt xa công suất xử lý kỷ lục của các nhà máy lọc dầu.
Trung Quốc không tiết lộ khối lượng dầu thô chảy vào hoặc ra khỏi kho dự trữ chiến lược và thương mại, nhưng có thể ước tính bằng cách trừ đi lượng dầu thô đã qua chế biến từ tổng lượng dầu thô có sẵn từ nhập khẩu và sản lượng trong nước.
Theo dữ liệu công bố ngày 15/9 của Cục Thống kê Quốc gia, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã xử lý 64,69 triệu tấn trong tháng 8, tương đương 15,23 triệu thùng/ngày. Con số này tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022 và cũng mạnh hơn mức 14,87 triệu thùng/ngày của tháng 7.
Nhập khẩu dầu thô đạt 12,43 triệu thùng/ngày trong tháng trước, con số cao thứ ba từng được ghi nhận và tăng 20,9% so với tháng 7 và 30,9% so với tháng 8 năm ngoái. Sản lượng dầu trong nước là 4,11 triệu thùng/ngày trong tháng 8, nâng tổng nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu là 16,55 triệu thùng/ngày.
Trừ đi công suất ghi nhận là 15,23 triệu thùng/ngày, ta có được phần dư thừa 1,32 triệu thùng/ngày chảy vào các bể chứa.
Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã bổ sung khoảng 810.000 thùng/ngày vào kho dự trữ, tương đương tổng cộng khoảng 197 triệu thùng.
Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu khoảng 1,61 triệu thùng/ngày trong 4 tháng cuối năm 2023 và vẫn có tồn kho ở mức chính xác như vào cuối năm 2022.
Lựa chọn của Trung Quốc
Điều này không nhất thiết có nghĩa là Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu trong 4 tháng cuối năm, điều đó có nghĩa là các nhà lọc dầu đã có thêm các lựa chọn.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể duy trì tốc độ xử lý mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao xuất khẩu nhiên liệu nhằm đạt được tỷ suất lợi nhuận cao, đặc biệt là dầu diesel.
Họ có thể làm điều này trong khi giảm nhập khẩu, từ đó có thể gây áp lực giảm giá dầu thô, vốn đã đạt mức cao nhất trong 10 tháng vào ngày 15/9.
Giá dầu thô Brent toàn cầu đạt 94,63 USD/thùng vào ngày 15/9, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái và tăng 32% kể từ mức 71,57 USD/thùng vào ngày 28/6.
Sự phục hồi kể từ cuối tháng 6 phần lớn được thúc đẩy bởi quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày của Ả Rập Xê-út bên cạnh mức cắt giảm đã được Liên minh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đồng ý, trong đó Ả Rập Xê-út là nước xuất khẩu hàng đầu.
Câu hỏi đặt ra là các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước giá dầu thô cao hơn?
Lịch sử cho thấy họ có xu hướng giảm nhập khẩu nếu họ cho rằng giá đã tăng quá nhanh hoặc quá cao.
Ngược lại, họ có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn và đổ đầy các bể chứa khi giá thấp.
Do giá bắt đầu tăng mạnh từ tháng 7 trở đi, nếu các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu, việc này có thể sẽ chỉ bắt đầu từ tháng 9, hoặc nhiều khả năng là tháng 10, do có độ trễ giữa thời điểm hàng hóa được chuẩn bị và giao hàng thực tế.
Không có gì bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu trong quý IV, đặc biệt nếu các nhà máy lọc dầu có thể tiếp tục tiếp cận nguồn dầu giảm giá từ Iran, Nga và Venezuela.
Nhưng có nguy cơ là họ sẽ chuyển sang sử dụng nguồn dự trữ và đây là nguy cơ là thị trường dường như đang bỏ qua.