• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 3:32:15 CH - Mở cửa
Lãi suất giảm sâu nên 'cất' tiền vào đâu?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 26/09/2023 9:04:24 SA

Lãi suất tiết kiệm giảm “không kịp trở tay”, hiện kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lớn về dưới 6%/năm. Trong môi trường lãi suất thấp có thể dòng tiền sẽ tìm đến các thị trường có sức hấp dẫn hơn.

Thời gian gần đây, tâm trạng của người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng không vui khi các ngân hàng, dưới sự "dẫn dắt" của bốn ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, đã liên tục giảm dần lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Người gửi tiền băn khoăn về kênh "cất tiền"

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, nhiều ngân hàng lớn đã tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống dư thừa khi tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Từ đầu tháng 9, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã chính thức hạ mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống còn 5.5%/năm, ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn covid-19.

“Hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nên dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn”, MBS đánh giá.

Trong môi trường lãi suất thấp có thể dòng tiền sẽ được rút khỏi ngân hàng để tìm đến kênh đầu tư sinh lời.

Có thể thấy, so với đầu năm lãi suất huy động tại 4 nhà băng quốc doanh này đã giảm 1,5-2 điểm %/năm. Lãi suất tiết kiệm giảm khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh "cất" tiền. Với số tiền 1 tỷ đồng, không ít người cảm thấy thiệt thòi nếu gửi tiết kiệm. Bởi nếu đầu năm, số tiền 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng có thể sinh ra 74 triệu đồng tiền lãi, thậm chí gửi online được lãi tới 82 triệu đồng tại VietinBank, nhưng hiện còn 55 triệu đồng.

Xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm đã được hàng loạt công ty chứng khoán dự báo từ trước đó. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, ngân hàng khó tìm đầu ra cho vay và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 (tăng trưởng tín dụng đến ngày 15/9 mới chỉ đạt 5,56%). Trước tình hình đó, những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quay trở lại phát hành tín phiếu kể từ tháng 3 năm nay trên thị trường mở, với mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hiện đang cao hơn mức lãi suất bình quân liên ngân hàng.

Nhiều chuyên gia dự báo, sự phục hồi của nền kinh tế cộng với những dấu hiệu ấm lên từ thị trường bất động sản (BĐS) và nhất là thị trường chứng khoán đang có bước tăng trưởng sẽ kéo dòng vốn của nhà đầu tư. Trong môi trường lãi suất thấp có thể dòng tiền sẽ tìm đến các thị trường này.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng, hiện nay thị trường BĐS chỉ mới ở giai đoạn ấm lên chứ chưa thể tăng trưởng mạnh. Dòng tiền sẽ chỉ đổ vào những dự án BĐS nhà ở xã hội là phân khúc đang nhận được nhiều sự ưu tiên chính sách.

"Có 5 lớp tài sản chính, gồm 3 lớp tài sản phòng thủ (tiền gửi, trái phiếu, vàng) và 2 lớp tài sản tăng trưởng, có rủi ro cao hơn (cổ phiếu, bất động sản). Trong từng bối cảnh kinh tế, nhà đầu tư phải có sự lựa chọn khác nhau. Để có kế hoạch phân bổ vốn hiệu quả, đầu tiên, nhà đầu tư cần phải hiểu rất rõ khẩu vị rủi ro của chính mình, từ đó lựa chọn phân bổ các kênh đầu tư".

Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA)

Dù vậy, chuyên gia này nhận định, lãi suất ngân hàng tiếp tục xuống thấp cũng có khả năng nhà đầu tư sẽ quay lại vay vốn ngân hàng để đầu tư vào thị trường chứng khoán và BĐS. “Dòng tiền có thể đổ vào chứng khoán nhiều hơn, nhất là khi thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Huân nói.

Chuyên gia hướng dẫn cách "rót tiền" để sinh lời, an toàn

Lãi suất tiết kiệm giảm đã khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh đầu tư. Dù vậy, không phải tất cả người gửi tiền đều thay đổi quan điểm. Theo công bố mới đây của NHNN, lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng. Tính đến 31/8, huy động vốn tăng 5,36% so với cuối năm 2022 (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022). Lý do là nhiều khách hàng chọn kênh tiết kiệm do tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro.

Trao đổi với VnBusiness, nhiều người cho biết vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm với kỳ hạn chủ yếu từ 6 tháng trở lên cho khoản tiền nhàn rỗi, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không thật sự khởi sắc.

Thị trường vàng ảm đạm; lãi suất USD đang áp dụng 0%/năm; thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc. Chỉ riêng thị trường chứng khoán tăng mạnh gần đây nhưng đòi hỏi nhà đầu tư có sự tìm hiểu kỹ, có kiến thức nhất định, nên không phải ai cũng sẵn sàng chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang chứng khoán…

“Thời điểm năm 2021 khi lãi suất xuống thấp, tôi rút tiền trong ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán, song lúc được, lúc mất, tính chung đến thời điểm này vẫn chưa lấy lại được vốn. Trong khi đó, gửi tiền ngân hàng thì luôn có lãi. Vì vậy, với khoản tiền nhàn rỗi hiện nay tôi vẫn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn 3 - 6 tháng để linh hoạt nguồn vốn, chờ một cơ hội rót tiền vào chỗ khác", chị Nguyễn Thu Minh (Hà Nội) nói.

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Phan Minh Hùng cho rằng, thế giới vẫn có nhiều yếu tố bất định, đơn hàng giảm khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước rất khó khăn. Do đó lựa chọn quay về gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân, doanh nghiệp cũng là dễ hiểu nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai. Chính vì vậy lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục tăng mặc dù lãi suất giảm mạnh.

Ông Hùng đưa ra lời khuyên, trong quá trình đầu tư, mọi hoạt động đầu tư đều hàm chứa rủi ro. Việc phân bổ tài sản sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. "Nên trích ít nhất số tiền tương đương 6 tháng chi tiêu vào quỹ dự phòng. Quỹ này, bạn có thể gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 3 tháng, để danh mục của bạn cân bằng về thanh khoản và tối ưu về rủi ro", ông Hùng tư vấn.

Còn đối với kênh chứng khoán, từ đầu năm, thị trường có mức định giá rẻ so với lịch sử. "Việc đầu tư vào thị trường ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn nhưng về mặt dài hạn, thị trường vẫn còn hấp dẫn", vị này cho hay.

Với bất động sản, thị trường đang khó khăn, cộng thêm các yếu tố cộng hưởng như lãi suất cho vay vẫn còn cao, tính thanh khoản đang kém dẫn đến áp lực cho các nhà đầu tư. "Nhiều bất động sản có mức giá rẻ hơn so với thị trường có thể đến quý IV tới hoặc quý I/2024 mới xuất hiện", chuyên gia nhận định.

Huyền Anh