Năm 2024, Cục Đường sắt Việt Nam được giao tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017; đồng thời, phối hợp với các cơ quan hoàn thiện hai đề án lớn, phức tạp là Đề án quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...
Cần xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt.
Ngày 10/1, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, cho biết năm 2023, toàn ngành giao thông vận tải đạt được rất nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực quản lý. Trong thành tích chung của ngành, Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt các Cục chuyên ngành trong đó có Cục Đường sắt Việt Nam.
Chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Bộ trưởng đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam cần ưu tiên tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017 và chuẩn bị đầy đủ các văn bản quy phạm như nghị định, thông tư để khi Luật được phê duyệt có thể ban hành, triển khai được ngay.
"Mỗi văn bản quy phạm pháp luật, mỗi chính sách sau khi sửa phải đánh giá kỹ tác động, tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo hiệu lực thực thi", Bộ trưởng lưu ý.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Cục xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đầu tư, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt.
Xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành đường sắt; tiếp tục tập trung hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền 4 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đường sắt; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt; phối hợp với các địa phương, cục chuyên ngành để triển khai các quy hoạch hiệu quả, đồng bộ, kết nối. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật, định mức lĩnh vực đường sắt.
Toàn cảnh hội nghị.
Cùng với đó, thúc đẩy đàm phán để ký Hiệp định vận tải đường sắt thay thế cho hiệp định đường sắt biên giới ký từ năm 1992; đàm phán phương án nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển xây dựng mới đường sắt tốc độ cao.
Xây dựng kế hoạch nguồn lực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng trong đầu tư, khai thác hạ tầng, trang thiết bị đường sắt để đáp ứng cam kết của Việt Nam chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân sự, quan tâm phát triển, đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực đường sắt. Công tác tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch cán bộ, nhân lực phải công khai, khách quan, chọn được người tài, có đạo đức công vụ, dám làm, dám chịu, không né tránh việc.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Huy Hiền, cho biết năm 2023 Cục Đường sắt Việt Nam đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành hầu hết các mặt công tác theo kế hoạch đề ra.
Nổi bật là công tác lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, phối hợp xây dựng đề án, dự án đảm bảo chất lượng. Cục Đường sắt Việt Nam đã xây dựng, Bộ Giao thông vận tải trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở quan trọng định hướng, huy động, sử dụng hợp lý nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường sắt đồng bộ, hiện đại.
Cùng với đó, lập điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết của Quốc hội và 4 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Ngoài ra, hoàn thành lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và ký bàn giao kết quả nghiên cứu;
Về hoạt động vận tải đường sắt, năm 2023 ghi nhận nhiều đổi mới tích cực, trong đó có sự chủ động phối hợp giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Giao thông vận tải đến Cục Đường sắt Việt Nam.
Nhờ đó, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đạt hơn 99%, đến đúng giờ đạt từ 91 - 93%; hành khách lên tàu tăng 135,62%; hành khách-Km tăng 135,94% so với năm 2022.
Cục cũng tham mưu Bộ Giao thông vận tải quyết định thiết lập Ga Kép là ga liên vận quốc tế mới, góp phần nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế khu công nghiệp Bắc Giang và các tỉnh phía Bắc.
Năm vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam cũng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt và của cơ quan được giao tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng quốc gia.
Cục hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia; quản lý hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công; tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về giao thông vận tải đường sắt. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, tổ chức cán bộ, cải cách hành chính cũng luôn được lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hoàn thành theo kế hoạch...
Anh Tú