Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết chương trình “ví số” trị giá 500 tỷ baht (14,03 tỷ USD) khó có thể được thực hiện vào tháng 5 tới như dự kiến.
Đồng baht Thái Lan . Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 17/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết chương trình “ví số” trị giá 500 tỷ baht (14,03 tỷ USD) khó có thể được thực hiện vào tháng 5 tới như dự kiến, nhưng khẳng định chính phủ vẫn sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch này.
“Ví số” là chính sách quan trọng trong chiến dịch tranh cử của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) cầm quyền và được coi là biện pháp cốt lõi trong số các biện pháp kích thích mà Chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đã cam kết, bao gồm cả việc hoãn nợ cho nông dân và tăng lương tối thiểu.
Theo kế hoạch, Chính phủ Thái Lan sẽ phát không cho mỗi người dân trên 16 tuổi 10.000 baht (khoảng 285 USD) thông qua một ứng dụng di động để chi tiêu trong cộng đồng địa phương nơi họ cư trú. Tuy vậy, chương trình ví số vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt về cách thức để chính phủ có được nguồn tiền lên tới 500 tỷ baht để thực hiện chương trình. Trong một tuyên bố gần đây, Hội đồng Nhà nước - cơ quan tư vấn pháp lý cho chính phủ - cho rằng chính phủ có thẩm quyền ban hành dự luật vay tiền trong điều kiện kinh tế nước nhà bị khủng hoảng.
Lý giải về việc tiếp tục trì hoãn kế hoạch ban đầu được dự kiến triển khai trong tháng 2 và sau đó lùi sang tháng 5/2024, ông Julapun cho biết chính phủ muốn xem xét cẩn thận mọi thông tin, đặc biệt là ý kiến pháp lý của Hội đồng Nhà nước về kế hoạch của chính phủ ban hành dự luật cho phép vay 500 tỷ baht để tài trợ cho chương trình này.
Ông Pakorn Nilpraphan, Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, trước đó xác nhận rằng văn phòng của ông đã cung cấp cho chính phủ những hướng dẫn pháp lý mà nếu tuân thủ nghiêm ngặt có thể tránh được các vấn đề với hóa đơn vay nợ. Trong khi đó, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) của Thái Lan gần đây đã cảnh báo chính phủ về những hành vi bất hợp pháp có thể xảy ra trong kế hoạch phát hành ví số.
Kế hoạch tiếp tục bị trì hoãn trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Thái Lan (BoT) vẫn chưa thống nhất với nhau về cách thức phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, vốn đang tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Đầu tuần này, trong khi Thủ tướng Srettha và chính phủ của ông kêu gọi giảm chi phí đi vay, BoT cho biết việc điều chỉnh lãi suất không thể là “giải pháp nhanh chóng” cho nền kinh tế đang bị đè nặng bởi các yếu tố bên ngoài như nhu cầu xuất khẩu yếu. Nền kinh tế Thái Lan được dự báo chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm 2023, thấp hơn cả mức 2,6% trong năm 2022.
ĐỖ SINH