• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.273,96 +5,75/+0,45%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.273,96   +5,75/+0,45%  |   HNX-INDEX   234,65   -0,31/-0,13%  |   UPCOM-INDEX   93,37   -0,10/-0,11%  |   VN30   1.315,39   +6,34/+0,48%  |   HNX30   511,90   -1,85/-0,36%
08 Tháng Chín 2024 10:02:00 SA - Mở cửa
Chuyện của người đầu tiên làm du lịch nông thôn ở Ninh Bình
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 03/01/2024 8:10:00 CH
Đó là ông Hà Huy Lợi, người cùng với cộng đồng bản địa xây dựng mô hình du lịch nông thôn cực kỳ độc đáo trên miền đất di sản.
 
 
Ông Hà Huy Lợi, chủ Khu du lịch sinh thái Động Thiên Hà. Ảnh: Hoàng Anh.
 
Với cộng đồng du lịch ở miền danh thắng Ninh Bình, ông Hà Huy Lợi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao là một quái kiệt. Nôm na ấy là người khai sinh ra nhiều thứ gắn bó với du lịch ở vùng đất di sản này, nhất là với những thứ mới mẻ như du lịch nông nghiệp. Thậm chí không ít người tôn xưng người đàn ông sinh năm 1961, gốc gác Hà Nội này chính là cha đẻ của mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đầu tiên ở tỉnh Ninh Bình, cũng rất có thể là người đầu tiên của cả Việt Nam.
 
Riêng Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh, khi giới thiệu chúng tôi gặp ông Lợi chỉ ngắn gọn mấy từ: Đấy là một người đặc biệt. 
 
1.
 
Mùa đông năm nay, từng đàn cò trắng lại về khắp những cánh đồng vùng chiêm trũng Nho Quan, Ninh Bình. Dường như nhịp điệu của chim trời bao đời nay vẫn luôn như thế, những cánh chim như vô vàn hạt gạo trắng muốt bay lượn giữa nền trời xanh, núi rừng cũng xanh và cả trên những cánh đồng vừa cày ải. Nắng thu chiếu rọi xuống vùng sông nước, đầm lầy, lấp loáng như thể muốn dát bạc lên từng vách núi đá vôi, tạo thành bức tranh non xanh thủy tú đẹp tuyệt sắc trên vùng đất phía Tây kinh thành đá Hoa Lư xưa.
 
Trong khuôn viên của quần thể du lịch Động Thiên Hà ở xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, “người đặc biệt” tiếp tôi bằng một đĩa khoai lang, một ấm chè mạn cùng với mấy quả thị cuối mùa phảng phất hương thơm. Một không gian khoáng đạt, yên bình thi thoảng lẫn vào tiếng nói cười rộn rã của du khách đến để trải nghiệm mô hình du lịch nông thôn độc đáo bậc nhất vùng đồng bằng Bắc bộ. Dân dã như một người bản địa, ông Lợi chậm rãi chia sẻ rằng, mình giống như người được chọn để thay đổi vùng đất, con người nơi đây, để cùng với họ biến những điều bình thường trở thành di sản.
 
 
Du lịch nông thôn ở Nho Quan, Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh. 
 
Năm 1998, sau nhiều năm tháng bôn ba ở một công ty dịch vụ lữ hành, ông quyết định về Ninh Bình đầu tư làm du lịch nông thôn. Là bởi vì thế hệ đó lớn lên khi đất nước bắt đầu mở cửa, thế hệ của những người giàu khát vọng, thừa quyết tâm để kiếm tiền bằng mọi giá, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn mang cốt cách văn hoá, biết sợ sự mất mát tưởng như vô hình, biết trân trọng những giá trị truyền thống. Làm du lịch muốn có những điều đó thì chỉ có du lịch nông thôn. Nhất là khi nghe một vị khách Tây nói “chúng mày ngồi trên mỏ vàng mà không biết cách khai thác”.
 
Người ta gọi ông Lợi là người đầu tiên làm du lịch nông thôn ở Ninh Bình là vì thời điểm đó thành phố Ninh Bình còn là thị xã nhỏ và ảm đạm đến mức nhiều người đọc chệch tên tỉnh thành Ninh Buồn. Khách sạn Hoa Lư lúc bấy giờ còn là nhà ở công vụ xập xệ dành cho các chuyên gia, thi thoảng mới có hơi người. Chùa Bái Đính của đại gia Xuân Trường chắc vẫn chưa có trong ý tưởng. Còn ông chủ của chuỗi khách sạn lớn bậc nhất Ninh Bình ngày nay đương còn là một anh bán phở bò, thỉnh thoảng còn phải bán kèm thêm cả sữa chua mới đủ sống.
 
 
Người đầu tiên làm du lịch nông thôn ở Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh. 
 
“Thành thử khi mình nói đầu tư làm du lịch nông nghiệp, nông thôn người ta ngơ ngác hết cả”, ông Lợi kể. Đầu tiên là xin khai thác đầm Vân Long, lúc đó còn là bãi sình lầy, hoang hóa, nhưng cực kỳ đẹp. Có mấy dịp đón đoàn khách Tây đến đều xuýt xoa trước vẻ đẹp đồng quê đồng bằng Bắc bộ, mỗi tội họ muốn trải nghiệm nhiều hơn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân nhưng mình chưa làm được.
 
Mang hồ sơ lên gặp Bí thư, Chủ tịch tỉnh các bác cũng gật gù nhưng ít nhiều dè dặt vì “mới quá cậu à”. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tìm hiểu xem thử các địa phương khác làm thế nào thì nhận được báo cáo, chưa thấy tỉnh nào làm cả. Lại tất tả đi xuống huyện, xuống xã vận động xin được đầu tư nhằm kéo khách du lịch về. Chủ tịch UBND xã chân đi dép tông loẹt quẹt quanh phòng, miệng liên tục ngờ vực, lạ nhỉ, khó đấy, chắc không làm được đâu, thế chưa có nơi nào làm để anh em đi học hỏi à? Thưa, chúng em là mô hình đầu tiên ạ, chưa thấy tỉnh nào làm thì biết học hỏi cái gì ạ.
 
May là cuối cùng chính quyền cũng tạo điều kiện cho làm thử một số mô hình. Tiếp đó lại thêm một hành trình thuyết phục người dân, những người từ trước tới nay rất ít khi tiếp xúc với người ngoài, giờ bảo đón người lạ, nhất là người nước ngoài vào cùng làm ruộng, lại ăn ở trong nhà mình thật khó. Vậy mà cũng xuôi, chỉ có điều những ngày đầu đón khách trải nghiệm cấy lúa, đi xe trâu, cùng ăn cùng ở cùng làm với nông dân, ban ngày không sao còn đêm đến ông chủ mô hình phải ngủ cùng công an xã ở trụ sở ủy ban hoặc trường học để đề phòng có chuyện gì. Mỗi khi có đoàn trên tỉnh xuống kiểm tra lại phải viết cam kết nếu xảy ra vấn đề gì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
 
 
Mô hình xe trâu độc đáo ở Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh. 
 
Gian nan là thế nhưng chỉ hơn một năm sau Vân Long trở thành mô hình điểm của cả nước về cách làm du lịch. Người Hội An ra học tập xong về xây dựng làng rau Trà Quế, người Lào Cai, Điện Biên xuống học tập cách làm du lịch cộng đồng. Rồi Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Vân Long lúc bấy giờ giống như địa chỉ đỏ mà bất cứ địa phương nào bắt tay làm du lịch nông thôn đều tìm đến. Mỗi tháng đón hàng chục ngàn lượt khách du lịch đến trải nghiệm, rất nhiều trong số đó cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân địa phương. Dịch vụ lưu trú, dẫn khách, buôn bán mọc lên, nhờ đó mà đời sống người dân trong vùng thay đổi hẳn.
 
Tiếc thay. Giọng ông Lợi chùng hẳn xuống. Con người ta lúc không có tiền thì ngoạn, có tiền cái là hư sự. Cũng giống như nhiều mô hình du lịch khác, việc phát triển nóng, tập trung kiếm lợi khiến Vân Long phát sinh nhiều vấn đề. Xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, chính quyền, quy hoạch bị phá vỡ, văn hoá bản sắc không còn được chú trọng, gìn giữ, phát huy… Thậm chí có thời điểm người ta còn có ý định rước một doanh nghiệp chuyên sản xuất xi măng vào xẻ thịt dãy núi đá vôi giữa vùng di sản ngày nay.
 
“Tôi luôn quan niệm, du lịch nông thôn muốn bền vững phải dựa vào văn hoá bản địa, thế nên khi nhìn thấy những dấu hiệu “chệch làn” ở Vân Long đã can ngăn cán bộ, thuyết phục người dân, nhưng không được nên đành dừng lại và chuyển toàn bộ mô hình sang xã Sơn Hà này”, ông chủ động Thiên Hà hiện nay chia sẻ.
 
 
Học sinh đến Nho Quan du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Hoàng Anh.
 
Đó là năm 2003. Trước khi ông Lợi đến, Nho Quan là huyện nghèo nhất tỉnh Ninh Bình, còn Sơn Hà lại là xã nghèo nhất huyện. Cái nghèo của mảnh đất này từng được minh chứng khi người Mường ở bản Thổ Hà đã không thể nào chịu nổi cảnh ruộng đồng chiêm khê mùa thối, phải dắt díu nhau lên lánh nạn ở vùng đồi cao của xã Quảng Lạc ngày nay. Từ đó về sau họ còn lập lời nguyền rằng con cháu muốn khá nhất định phải bỏ xứ mà đi. Đi ra Ninh Bình, đi lên Hà Nội, hay đi bất cứ đâu cũng được, miễn không đâm đầu quay về quê cũ. Xuống vùng chiêm trũng, sình lầy ấy là ăn bùn, là đi xuống nơi tăm tối không biết đến bao giờ mới có thể ngẩng mặt lên được, đời này qua đời khác người Mường Thổ Hà răn bảo nhau như thế.
 
Ông Hà Huy Lợi chính là người dám phá bỏ lời nguyền ấy, đã đâm đầu vào chốn bùn lầy. Để rồi chính từ trong đám sình lầy ấy, ông Lợi cùng với người dân xây dựng các mô hình Du khảo đồng quê, Một ngày làm nông dân… để đón khách du lịch. Đặc biệt, họ đã cùng nhau phát hiện ra động Thiên Hà, động Thiên Thanh, những di sản thiên nhiên nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An. Cùng với cộng đồng làm nên một miền di sản mang đậm màu sắc văn hoá bản địa như quần thể du lịch động Thiên Hà hôm nay. 
 
2.
 
Khởi điểm bằng những mô hình du lịch cộng đồng, hệ sinh thái du lịch nông thôn ở xã Sơn Hà bây giờ là một quần thể rộng hơn 70 ha, trong đó có hơn 40 ha nằm trong vùng lõi danh thắng Tràng An.
 
Nghe kể, để nạo vét sình lầy trong các hang động từ chỗ chỉ một người chui lọt đến không gian khu động rộng 12.000m2, ông Lợi phải chuyên gia nước ngoài khảo sát địa chất, kỳ công lau rửa từng nhũ đá trước khi đưa khu du lịch đi vào khai thác từ năm 2010.
 
Và giờ đây, họ đang cùng nhau kể câu chuyện về vùng đất Nho Quan, một vùng bán sơn địa có thể hình dung là trạm dừng nghỉ của tạo hóa, sau khi nhọc nhằn vun đắp núi đồi Tây Bắc đã thảnh thơi đôi chút tại nơi đây trước khi hoàn thành nốt công việc phía Nam vùng châu thổ sông Hồng. Kể về lịch sử người Việt mình, về văn minh lúa nước mà đời này qua đời khác cha ông đã tiếp nối cải tạo, vun đắp, khai khẩn làm nên những làng mạc, quê hương, hun đúc nên biết bao phong tục văn hoá tầng tầng lớp lớp.
 
 
Tái hiện hình ảnh Phật hoàng Trần Trân Tông dưới gốc thị Hoa Lư. Ảnh: Hà Huy Lợi. 
 
Ông Lợi nói, trong những hang động của dãy núi đá vôi mé rừng Cúc Phương, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích của người Việt cổ. Dưới những sình lầy của vùng đầm hoang là chỉ dấu xưa kia vua Quang Trung tập kết quân sĩ trước khi đại phá quân Thanh ở Ngọc Hồi. Xa xưa hơn nữa, nghe các cụ kể lại là Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đã từng đến nơi này để truyền đạo và dạy nhân dân trồng lúa nước. Sau những buổi miệt mài vi hành xem dân chúng sinh sống ra sao, ngài thường ngồi thiền dưới gốc một cây thị cổ có tán sum suê như tán cây bồ đề chở che Đức Phật tu hành đắc đạo.
 
Chính ông Lợi là người phát hiện ra cây thị cổ đó trên đường khám phá hang động trong các dãy núi đá vôi và hiện đang được bảo tồn, đưa vào phục vụ khách tham quan. Mấy năm trước Đài Truyền hình Việt Nam làm phim về Vua Phật Trần Nhân Tông đã lấy bối cảnh núi non Tràng An và tái hiện hình ảnh đức vua ngồi dưới tán cây thị cổ. Gốc cây ấy giờ to lớn, thân sần sùi dễ đến mấy người ôm mới xuể, từng nhánh rễ đã ăn sâu vào đá, bám chặt lấy đá, các nhà khoa học xác định tuổi của cụ thị này chắc hẳn phải trên một nghìn năm. Từ bến thuyền nhà Lê, cây thị Hoa Lư cùng với động Thiên Hà, Thiên Thanh, Thiên Sơn, hang Bụt, mái Đá Ốc trở thành điểm đến xuyên cung du lịch sang Tam Cốc.
 
‘Căn cơ của du lịch nông thôn phải là văn hoá, muốn bền vững phải dựa vào văn hoá bản địa. Mà văn hoá bản địa chính là cộng đồng. Thành thử nếu làm du lịch mà chỉ muốn thu, không muốn xây dựng để cùng cộng đồng phát triển chắc chắn sẽ thất bại”, ông chủ động Thiên Hà chia sẻ. Từ triết lý lấy bản sắc văn hoá bản địa để cùng với cộng đồng phát triển nông thôn, ngay khi bắt đầu ông Lợi đã cùng với người dân Sơn Hà mở rộng khu du lịch thêm 20 ha và phát triển thêm các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Trên những vùng sình lầy ngày trước, giờ đây du khách khi đến Sơn Hà có thể tự tay trồng lúa, học đánh dậm, cùng nhau tát ao, bắt cá, nấu ăn, sinh hoạt văn hóa cùng người dân bản địa và tham gia nhiều các hoạt động nông nghiệp khác.
 
Họ cùng nhau cải tạo nhà làm nơi lưu trú phục vụ khách, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch, khôi phục lại các đội văn nghệ, cùng nhau học tập từ những thứ đơn giản nhất là nụ cười để đón du khách đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Với khoảng 60 hộ có người làm nghề chèo thuyền, dẫn du khách, 20 hộ có người cùng du khách trải nghiệm và 10 gia đình làm cơ sở đón du khách, ông Lợi nói, người Mường bản Thổ Hà đang xoá bỏ lời nguyền xưa, đang cùng nhau trở lại chốn ám ảnh một thời. Bản Mường Thổ Hà trở thành điểm du lịch nông thôn đặc sắc trên miền di sản.
 
 
Khách Tây du lịch trải nghiệm ở Thổ Hà. Ảnh: Hà Huy Lợi. 
 
Chỉ cách đây mấy tháng bản Mường Thổ Hà vinh dự đón ngài Đại sứ Thụy Sỹ cùng hơn 20 thành viên trong đoàn đến đây du lịch trải nghiệm nghề trồng lúa và trực tiếp đặt hàng để cùng với nông dân làm cốm. Trước đó nữa là đoàn Đại sứ Mỹ, Đại sứ Nhật Bản… đến trải nghiệm trang trại chăn nuôi, trồng trọt gia đình ông Hoàn Nghị xong rồi tắm nước giếng làng Me, sinh hoạt trong những gia đình tam tứ đại đồng đường, cùng vo gạo, thổi cơm, hay đơn giản chỉ nằm nghe tiếng gà gáy lúc trời hửng sáng. Họ biết đến Thổ Hà qua sách báo, tạp chí du lịch nước ngoài, như một điểm du lịch nông thôn đậm bản sắc ở đồng bằng Bắc bộ. Ấn tượng đến mức ngài Đại sứ Ấn Độ khi đến Thổ Hà đã mua cả chục nông cụ từ nơm, giỏ, đó, lưới bắt bắt cá đến gàu sòng tát nước mang về.
 
Khách du lịch đến đồng nghĩa những nụ cười ngày một nhiều hơn trên khuôn mặt mỗi người dân Thổ Hà. Theo tính toán của Công ty Ngôi Sao, doanh thu bình quân trên một khách tham gia mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp ở đây khoảng 10 USD, mỗi hộ tham gia mô hình du lịch trải nghiệm chỉ riêng tiền lưu trú có thể nhận được từ 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Giờ đây người Thổ Hà không chỉ liên kết dẫn khách trải nghiệm trong bản, trong xã mà còn kết hợp với cộng đồng khác để níu chân du khách ở lại lâu hơn với nơi này.
 
Nói cách khác, họ đang cùng nhau xây dựng triết lý làm du lịch nông thôn dựa trên văn hoá bản địa là cốt lõi, là sự khác biệt so với những vùng đất khác. Và tình yêu, sự hiểu biết của người dân về văn hoá quê mình cũng là sản phẩm du lịch đãi đằng du khách. Bản sắc văn hoá cộng đồng của mô hình du lịch nông thôn ở Nho Quan như muốn tỏa thêm nét lung linh trên chiếc vương miện di sản Tràng An.
 
3.
 
Cũng chính từ nguồn cảm hứng của những mô hình độc đáo như ở Nho Quan mà du lịch nông thôn ở Ninh Bình hôm nay như ngọn gió mát lành lan tỏa đến khắp mọi miền quê. Nghị quyết về phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình xác định du lịch nông nghiệp, nông thôn là lợi thế và xây dựng chiến lược phát triển gắn với cộng đồng địa phương. Từ những vùng lõi như Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, các chính sách hỗ trợ du lịch nông thôn sẽ gắn với cộng đồng, phát huy bản sắc văn hoá, khi vùng lõi đã lớn mạnh sẽ dần lan tỏa theo kiểu vệt dầu loang, chiến lược từ trong ra ngoài…
 
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh nói vậy. Sâu xa hơn nữa, khởi đầu của ngành du lịch Ninh Bình chính là nông nghiệp. Tam Cốc, Bích Động, danh thắng Tràng An chẳng phải đều bắt đầu từ đồng lúa, hồ đầm, trải nghiệm văn hóa nông thôn đó hay sao? Cho nên dù hôm nay doanh thu đã đạt hơn 6.500 tỷ đồng năm 2023, thì giá trị cốt lõi vẫn phải gắn với cộng đồng. Có nhiều người hỏi tại sao Ninh Bình không đưa thuyền máy vào thay thế người lái đò, không phê chuẩn các dự án đầu tư du lịch cáp treo…, là bởi vì chiến lược phát triển du lịch của tỉnh chú trọng vào yếu tố cộng đồng, xoay quanh yếu tố con người, tất cả những sản phẩm du lịch của Ninh Bình bây giờ đều gắn với nông nghiệp, nông thôn.
 
 
Du lịch nông thôn là lợi thế của Ninh Bình. Ảnh: Hà Huy Lợi. 
 
Từ nông thôn mới nâng cao đến nông thôn mới kiểu mẫu cũng đều đưa phát triển du lịch nông thôn vào tiêu chí. Có thể hiểu du lịch là trục chính và mọi yếu tố khác như sản phẩm OCOP, làng nghề đều xoay quanh, bổ trợ du lịch, để du lịch thực sự là đòn bẩy đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Nghị quyết của tỉnh cũng lấy bản sắc văn hóa, xây dựng con người Ninh Bình, coi việc phục dựng các giá trị truyền thống là giải pháp phát triển du lịch nông thôn. Ví dụ chính sách hỗ trợ thành lập đội văn nghệ 50 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng homestay, phát triển sản phẩm mới…
 
Điển hình như làng gốm cổ Bồ Bát xưa ở Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô vốn là làng nghề nổi danh với nhiều sản phẩm gốm độc đáo và tinh tế, là gốc gác của gốm Bát Tràng. Nơi đây có loại đất sét Bồ Di còn gọi là đất non sương rất quý hiếm, nhưng qua thời gian có lúc đã biến mất trên bản đồ gốm Việt Nam. Có anh trai làng Phạm Văn Vang lên làm thuê ở Bát Tràng xong về quyết tâm khôi phục gốm Bồ Bát. Khát vọng ấy nhanh chóng được cả tỉnh chung tay vào o bế, đặt hàng sản phẩm và hỗ trợ quảng bá, giới thiệu. Nhờ đó mà xưởng gốm làng Bồ Bát đã có quy mô hơn 300m2, những sản phẩm chén, bát đĩa, lọ hoa, các sản phẩm mang các hoa văn, họa tiết và hình ảnh riêng có của đất Tràng An như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động… Sản phẩm gốm Bồ Bát cũng được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu quốc gia.
 
Rồi nghề dệt, nghề làm dược liệu, nghề chèo đò và những làn điệu chèo, điệu xẩm mang đậm văn hóa bản sắc Ninh Bình cũng được hỗ trợ phục dựng phát triển, để song hành và bổ trợ du lịch nông thôn, cho mục tiêu cùng nhau phát triển bền vững.
 
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình tự hào chia sẻ, ngày nay rất hiếm khi gặp người Ninh Bình phải xa xứ đi làm ô sin hay công nhân khu công nghiệp. Chính du lịch nông thôn đang giữ chân và giúp người Ninh Bình có một cuộc sống hạnh phúc trên chính quê hương mình.