Cùng với các chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, tỉnh Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn từng địa phương, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm.
Riêng năm 2023, toàn tỉnh có trên 9000 hộ thoát nghèo, trong đó có hơn 8000 hộ dân tộc thiểu số, đưa công tác giảm nghèo ở tỉnh đạt kết quả cao hơn chỉ tiêu đề ra.
Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Trạm ở làng Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ là hộ nghèo. Năm 2018, gia đình chị Trạm được hỗ trợ vay vốn theo diện hộ nghèo với số tiền 47 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách- xã hội huyện Đak Pơ để trồng 2 ha keo. Từ số tiền tích góp và nỗ lực từ bản thân, đến nay, gia đình chị có 4 ha keo, 5 sào sắn và chăn nuôi thêm heo, bò. Đầu năm 2023, sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, vợ chồng chị Trạm đã xây được ngôi nhà mới và được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của làng Groi.
“Chồng thì đi làm xa, tôi thì ở nhà tích cóp được ít đồng, biết may quần áo, may thổ cẩm cùng với mấy chị em để thoát được nghèo”, chị Trạm nói.
Huyện Đak Pơ hiện còn gần 2000 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm khoảng 15% số hộ. Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, huyện Đăk Pơ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ theo hướng “trao cần câu hơn xâu cá” để người dân có tư liệu, công cụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến nay, 7/8 xã, thị trấn của huyện đã tổ chức đào tạo nghề nông thôn cho khoảng 1500 người, cấp trên 21 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số vùng II, III và người Kinh sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Huỳnh Văn Hơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ cho biết, cùng với thế mạnh về cây mía cây sắn thì hiện nay địa phương có thêm lợi thế xây dựng rau gắn với sản phẩm, xây dựng các sản phẩm Ocop để nâng cao thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo được bền vững.
“Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương trên cơ sở huy động các nguồn lực để tạo cơ sở vật chất nhằm cải thiện đời sống của bà con. Đồng thời qua các mô hình an sinh để hỗ trợ cho bà con trong lĩnh vực trồng trọt chăn nuôi, hướng dẫn bà con không ỷ lại, biết tổ chức sản xuất để cải thiện đời sống”, ông Hơn nói.
Chư Păh cũng là huyện có nhiều xã thuộc diện khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Với nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, tập huấn đến tăng cường các dự án đầu tư, năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn huyện giảm 3,82% so với năm 2021.
Ông Nay Kiên – Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết: “Từ các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu, từ các mô hình có hiệu quả để đưa vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc giảm nghèo được thể hiện rõ như là trước đây các chương trình tái canh cây cà phê, năng suất của giống mới, kỹ thuật, việc chuyển hướng đúng trong cơ cấu cây trồng của huyện, tập trung vào các cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đã tác động trực tiếp tới việc giảm nghèo”.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Gia Lai đã phân bổ trên 400 tỷ đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, Gia Lai cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án; Nhiều địa phương đã có cách làm hay, giải pháp thiết thực phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,09% năm 2021 đã giảm còn 8,11% vào cuối năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 25,58% năm 2021 xuống còn 17,05% vào cuối năm 2023, đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Ông Trường Trung Tuyến – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2024, tỉnh Gia Lai tiếp tục phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm ở mức 2%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
“HDND tỉnh đã họp và thông qua nghị quyết và giao chỉ tiêu cho các huyện, các sở ngành trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì việc triển khai tốt và hiệu quả chương trình này sẽ góp phần rất lớn cho việc giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại chúng tôi đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện chương trình.
Trong đó tập trung nguồn lực ưu tiên triển khai nội dung trong năm vừa rồi triển khai rất là tốt, những nguồn lực này sẽ giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi, giúp cho tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới giảm”, ông Tuyến nói.