• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,07 -0,04/0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:45:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,07   -0,04/0,00%  |   HNX-INDEX   221,90   -0,58/-0,26%  |   UPCOM-INDEX   92,65   -0,46/-0,50%  |   VN30   1.315,31   +1,83/+0,14%  |   HNX30   461,50   -0,69/-0,15%
20 Tháng Giêng 2025 2:46:51 CH - Mở cửa
Mười sự kiện tiêu biểu của ngành năng lượng Việt Nam năm 2023
Nguồn tin: Tạp chí Năng lượng VN | 05/01/2024 3:45:00 CH
Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức quốc tế; cũng như các tiêu chí bình chọn (tính đột phá, sự khác biệt, nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển) của các phân ngành năng lượng, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật trong năm 2023 của ngành năng lượng Việt Nam.
 
 
Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu năm 2023 của ngành Năng lượng Việt Nam được bình chọn:
 
1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII.
 
- Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 (Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia - thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn, hài hòa giữa các phân ngành: Dầu khí, than, điện, năng lượng mới và tái tạo. Quy hoạch phù hợp với xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước, cũng như xu thế phát triển của quốc tế.
 
- Sau hơn hai năm (với hàng chục dự thảo), Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Quy hoạch bao gồm các quy định về phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng).
 
2. Năm thứ hai tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm.
 
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là khoảng 5,05%, trong khi điện thương phẩm tăng 4,08%. Còn năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02% trong khi tăng trưởng điện thương phẩm đạt 7,53%.
 
Trong nhiều năm nay hệ số đàn hồi tăng trưởng điện trên GDP luôn cao, từ khoảng 1,8 lần giai đoạn trước năm 2015, giảm xuống khoảng 1,4 lần trong giai đoạn 2016 - 2020.
 
Các nước đang phát triển thường có hệ số đàn hồi điện/GDP lớn hơn 1, còn các nước phát triển là dưới 1.
 
Ở Việt Nam, trong Quy hoạch điện VIII dự kiến phải sau năm 2030 hệ số đàn hồi này mới giảm xuống xấp xỉ 1.
 
Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Năm 2022 và 2023 hệ số đàn hồi điện/GDP nhỏ hơn 1 (năm 2022: 0,94 và năm 2023: 0,81) đang đặt ra các câu hỏi: Phải chăng hiệu quả sử dụng điện đã tăng nhanh? Cơ cấu kinh tế theo hướng tiêu thụ ít nhiên liệu đã hình thành? Hay là nhiều doanh nghiệp công nghiệp gặp khó khăn lớn trong tăng trưởng sản xuất? Có lẽ lời giải nằm ở câu hỏi thứ ba!
 
3. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khánh thành và phát điện thương mại.
 
Ngày 27/4/2023, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư tại Mỹ Lộc, Thái Thụy, Thái Bình đã khánh thành và phát điện thương mại. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD này đã có thời gian dài dừng thi công vì các vướng mắc trong quá khứ, tưởng chừng khó có thể xử lý để xây dựng tiếp. Nhưng với quyết tâm cao, cũng như cách xử lý linh hoạt của PVN, dự án được tiếp tục được thi công và hoàn thiện mà không tăng thêm vốn đầu tư.
 
Với tổng công suất 1.200 MW - Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong các nhà máy có quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Đây là nguồn điện lớn, quan trọng, kịp thời cấp điện cho miền Bắc trong tình hình thiếu nguồn trầm trọng.
 
4. Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải và khánh thành dự án Kho cảng LNG Thị Vải (giai đoạn 1).
 
Sáng ngày 10/7/2023, hình ảnh con tàu Maran Gas Achilles neo đậu tại cầu cảng LNG Thị Vải đã trở thành một biểu tượng mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp khí Việt Nam.
 
Công trình kho LNG đầu tiên và hiện đại của Việt Nam do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư có bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT, bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000 m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm. Kho chứa LNG Thị Vải đã được chính thức khánh thành vào ngày 29/10/2023, trở thành hạ tầng kho LNG đầu tiên của Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
 
Với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, PV GAS sẽ chủ động hơn về nguồn cung khí đáp ứng nhu cầu năng lượng của các nhà máy điện, hộ tiêu dùng hiện hữu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
 
Thành công của công trình này sẽ là tiền đề quan trọng cho PV GAS triển khai giai đoạn 2 của dự án nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện và khách hàng công nghiệp trong khu vực từ năm 2027.
 
5. Ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn.
 
Ngày 30/10 tại Hà Nội, PVN cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, đánh dấu bước tiến quan trọng của Chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài, trễ hẹn gần 20 năm.
 
Trước đó (trước áp lực về thời gian và tiến độ) của Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp các nghiên cứu, đánh giá, phân tích và kiến nghị giải pháp thúc đẩy tiến độ Chuỗi dự án này gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 7027/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. (Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất của giới chuyên gia).
 
Theo số liệu cập nhật, sản lượng khai thác khí từ Lô B dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW - là nguồn điện quan trọng bổ sung cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
6. Khởi công một dự án thành phần của dự án đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến Phố Nối, tỉnh Hưng Yên).
 
Gói thầu dự án thành phần đường dây 500 kV mạch 3 (từ sân phân phối 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 đến Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp nhận chủ đầu tư ngày 24/10/2023 đã ngay lập tức đi vào xây dựng. Cung đoạn này có chiều dài 74,4 km gồm 2 mạch, đi qua địa bàn 3 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. Đây là 1 trong 5 dự án thành phần của dự án đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến Phố Nối, tỉnh Hưng Yên).
 
Trong những ngày cuối tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án thành phần tiếp theo (cung đoạn đường dây 500 kV từ Quảng Trạch đến Quỳnh Lưu và đoạn từ Quỳnh Lưu đến Thanh Hóa).
 
Do một số dự án nguồn điện lớn ở miền Bắc chậm tiến độ, đường dây 500 kV mạch 3 này có vai trò rất quan trọng, cấp bách, nhằm tăng cường truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc để tránh nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc trong các năm 2025 - 2026 và sau đó.
 
7. Ngành than lập kỷ lục với lỗ khoan có chiều sâu 1.320 mét - độ sâu kỷ lục của ngành than Việt Nam từ trước đến nay và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu khai thác, cung cấp than cho nền kinh tế.
 
- Theo đánh giá, chính công nghệ khai thác hiện đại là chìa khóa đổi mới diện mạo của ngành than. Với các thiết bị và công nghệ tiên tiến, năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã để lại dấu ấn với lỗ khoan MK1227 có chiều sâu 1.320 mét - độ sâu kỷ lục của ngành than Việt Nam từ trước đến nay.
 
- Năm 2023, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã hoàn thành các chỉ tiêu toàn diện cả về kinh tế, kỹ thuật, an toàn mỏ, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ được trung ương và tỉnh Quảng Ninh giao. Đặc biệt, sản lượng than khai thác ước đạt 43,5 triệu tấn; sản lượng than tiêu thụ đạt 58,9 triệu tấn; than cung cấp cho sản xuất điện (riêng TKV) đạt 40,1 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2022 và nộp ngân sách tại Quảng Ninh 20.900 tỷ đồng.
 
8. Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và lớn thứ hai thế giới (sau Nhà máy điện rác Dubai của UAE) đã đi vào vận hành cả 3 giai đoạn.
 
Nhà máy điện rác Sóc Sơn được xây dựng trên diện tích 17,5 ha, thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội), với 5 lò đốt có công suất đốt 800 tấn rác/lò/ngày, lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 5.000 tấn/ngày và 3 tổ máy phát điện, có tổng công suất 90 MW (Nhà máy điện rác Dubai có tổng công suất 185 MW).
 
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được khởi công xây dựng vào tháng 8/2019, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
 
Nhà máy thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt có thu hồi năng lượng theo công nghệ lò đốt ghi cơ học kiểu Waterleau của Bỉ. Theo thiết kế, công suất phát điện cao nhất của Nhà máy là 90 MW, một phần điện thu được sẽ cung cấp cho nhu cầu của nhà máy, số còn lại sẽ được hòa vào lưới điện Quốc gia. Còn tro xỉ sau quá trình đốt cũng được tận dụng làm vật liệu xây dựng.
 
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, hiện mỗi ngày Thành phố có trung bình 6.000 tấn rác cần xử lý. Trước đây, phần lớn khối lượng rác trên được chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Nhưng khi Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động đã xử lý hơn 2/3 số rác hàng ngày của toàn Thành phố, góp phần rất lớn trong việc giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực.
 
9. Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh vào Top 50 bảng xếp hạng lưới điện thông minh trên thế giới, đạt vị trí 47/94 và đứng vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
 
Vào đầu tháng 2/2023, Tập đoàn Điện lực Singapore (SP Group) công bố Bảng xếp hạng lưới điện thông minh theo bộ chỉ số SGI (Smart Grid Index). Kết quả đánh giá lưới điện thông minh lần này, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã đạt 71,4 điểm (bằng điểm với các công ty điện lực: Western Power (Úc), Duke Energy (Mỹ), Toronto Hydro (Canada) và TNB (Malaysia), với chỉ số nổi bật là giám sát và điều khiển, đạt vị trí 47/94 công ty điện lực tham gia đánh giá và đứng vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau SP Group với 75 điểm, xếp hạng 42/94).
 
Qua hơn 10 năm nghiên cứu, xây dựng và triển khai, đến nay, EVNHCMC đã phát triển được hệ thống lưới điện thông minh trên địa bàn Thành phố với đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn mực quốc tế gồm: Giám sát và điều khiển, phân tích dữ liệu, độ tin cậy cung cấp điện, tích hợp nguồn phân tán, năng lượng xanh, an ninh bảo mật, trao quyền cho khách hàng và đáp ứng sự hài lòng của khách hàng.
 
Lưới điện thông minh sẽ giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: Số lần mất điện bình quân của khách hàng (SAIFI) giảm từ 25,04 lần (năm 2011) xuống còn 0,47 lần (năm 2022); thời gian mất điện bình quân của khách hàng (SAIDI) giảm từ 3.433 phút (năm 2011) xuống còn 35 phút (năm 2022), ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và tương đương với chỉ số của một số thành phố hiện đại tại châu Âu, châu Mỹ.
 
Đặc biệt, lưới điện thông minh giúp giảm tổn thất điện năng của EVNHCMC trong năm 2022 xuống còn 2,93%, giảm sâu so với năm 2011 (5,76%), ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Vì thế, với chỉ tiêu tổn thất điện năng 2,93% thì có thể nói đây là chỉ tiêu tiệm cận với yếu tố kỹ thuật, một trong những cố gắng, nỗ lực hiệu quả của EVNHCMC.
 
10. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) bàn giao module điện phân đầu tiên cho dự án hydro xanh lớn nhất thế giới tại Saudi Arabia.
 
Ngày 5/12/2023, tại Nhà máy chế tạo và tổ hợp module hydro xanh Lilama (tại huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), Lilama đã làm lễ hoàn thành bàn giao chuyến hàng đầu tiên cho dự án hydro xanh Neom tại Saudi Arabia. Trước đó, các lực lượng thi công của Lilama đã hoàn tất công việc chế tạo, tổ hợp và nghiệm thu, đóng gói, sẵn sàng xuất khẩu 4 module điện phân đầu tiên (trên tổng số 110 module theo hợp đồng đã ký) sang Saudi Arabia, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD.
 
Tuy quy mô của dự án không lớn, nhưng đây là một trong những bước đi thành công trong chiến lược chuyển đổi định hướng kinh doanh của Lilama theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến các nguồn năng lượng xanh và bền vững, không phát thải CO2. Đồng thời khẳng định vị thế vững chắc của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu.
 
Mỗi module điện phân với chiều dài 55 mét, rộng 5 mét, cao 8 mét, trọng lượng khoảng 200 tấn với hàng nghìn thiết bị được kết nối với nhau, khi đưa vào vận hành sẽ tiêu thụ 20 MW điện từ năng lượng tái tạo để tạo ra trung bình hằng ngày khoảng 6 tấn hydro xanh.
 
Đây là dự án hợp tác thành công thứ hai giữa Lilama và doanh nghiệp phát triển công nghệ hydro xanh hàng đầu thế giới Thyssenkrupp Nucera của CHLB Đức.
 
Dự kiến, Lilama và Thyssenkrupp Nucera sẽ hoàn thành việc cung cấp các module điện phân cho dự án hydro xanh Neom vào quý 3/2025, đồng thời sẽ cùng nhau tiếp tục triển khai các dự án hydro xanh tiếp theo cho các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.
 
Cùng với 10 sự kiện được bình chọn:
 
Cùng với các sự kiện được bình chọn nêu trên, chúng ta còn rất nhiều thành tựu và chuyển biến quan trọng trong điều hành và sản xuất. Một quá trình chuyển dịch năng lượng với những bước chuẩn bị khởi đầu cho một thời kỳ mới đã được bắt đầu. Chương trình JETP (cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng) đã được khởi động với việc thành lập ban điều hành, công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) để thực hiện cũng là những sự kiện liên quan mật thiết với ngành năng lượng.
 
Việc điều hành giá năng lượng theo cơ chế thị trường cũng là sự kiện nổi bật trong năm, qua việc điều hành và điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện linh hoạt hơn.
 
Việc khởi động chuẩn bị cho sửa đổi các luật liên quan đến năng lượng (Luật Điện lực, Luật sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng) cũng là những sự kiện đáng nghi nhớ trong năm.
 
Dù đối mặt với không ít khó khăn, trì trệ, thậm chí có lúc ách tắc của khôi phục chậm chạp hậu Covid, cùng với những tác động to lớn, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, biến động giá cả thị trường vật tư, xuất nhập khẩu… ngành năng lượng Việt Nam đã chủ động, quyết liệt, linh hoạt vượt qua những thách thức, khó khăn, phát huy tối đa tiềm lực, ổn định sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu cho thị trường, bảo đảm cuộc sống người lao động.
 
Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá của ngành năng lượng được ghi nhận với những bước tiến mới về hạ tầng công nghệ, trình độ sản xuất, về trách nhiệm với địa phương, người dân trong công tác môi trường và an sinh xã hội, mục tiêu xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững và chuẩn bị nền tảng cho sự bứt phá chuyển dịch năng lượng trong tương lai tới./.