Là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường nhưng cổ phiếu ngân hàng trong thời gian dài liên tục trở thành “tội đồ” gây ảnh hưởng tới đà tăng của VN-Index. Tuy nhiên, gần đây, “sắc xanh” đang trở lại với nhóm cổ phiếu này.
Theo quan sát, từ phiên cuối năm ngoái (29/12/2023), nhóm cổ phiếu nhà băng bắt đầu có tín hiệu tích cực, trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường, sau một thời gian dài “lặng sóng” dưới áp lực từ nợ xấu và nút thắt tăng trưởng tín dụng.
Thể hiện vai trò “đầu tàu”
Đáng chú ý, trong phiên 4/1, thị trường chứng khoán giao dịch bùng nổ với thanh khoản tăng vọt lên trên ngưỡng tỷ USD dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Riêng thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên HoSE tăng lên hơn 6.600 tỷ đồng. Con số này đóng góp đáng kể (1/4) vào giá trị giao dịch tỷ USD. Đồng thời, nhóm cổ phiếu nhà băng cũng "gánh” luôn điểm số cho thị trường khi đóng góp đến hơn 7 điểm trong khi VN-Index chỉ tăng 6,55 điểm.
Sau khoảng thời gian dài ảm đạm, “sắc xanh” đang trở lại với nhóm cổ phiếu vua. (Hình minh họa)
Trong phiên 4/1, có lúc MBB (MBBank) tăng thêm 7% lên 20.450 đồng/cp, trước khi đóng cửa ở mức 20.100 đồng/cp. Trước đó, MBB cũng có 4 phiên tăng liên tiếp. Trong 10 phiên gần nhất, MBB có 8 phiên tăng điểm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm nhẹ.
Cổ phiếu CTG (Vietinbank) cũng diễn biến sôi động, có lúc tăng trần lên 29.500 đồng/cp, trước khi đóng cửa ở mức 28.600 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ phiếu VCB (Vietcombank) tăng mạnh 1.400 đồng, lên 85.900 đồng/cp; cổ phiếu TCB (Techcombank) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng 500 đồng, lên 33.100 đồng/cp.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu vua còn được sự giúp sức của khối ngoại. Theo thống kê, các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất (tính theo giá trị) trên sàn chứng khoán phiên 4/1 đa phần đều trong nhóm ngân hàng như VCB, VPB (VPBank), MSB (MSB), CTG,…
Việc dòng tiền ồ ạt đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn ra sau khi thị trường đón nhận thông tin nóng hổi về chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo đó, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, mặc dù thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng không nhiều, và cũng đủ để tác động tích cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.
"Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ, mức tín dụng tăng thêm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nhiều yếu tố để kỳ vọng
Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập đơn vị Tư vấn đầu tư & Quản lý gia sản FIDT cho rằng các dữ liệu về tăng trưởng tín dụng và động thái giao room tín dụng ngay từ đầu năm của NHNN cho thấy rất rõ quyết tâm điều hành của Chính phủ tập trung cho mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sẽ quyết liệt hơn trong 2024.
Theo đó, mức tăng 13,5% trong năm 2023 cho thấy Chính phủ đã có các động thái rất mạnh trong tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là các tuần cuối năm. Số liệu này vượt dự phóng của hầu hết các bên, vốn chỉ kỳ vọng ở quanh mức 12,x%.
Ông Tuấn cho biết, phân tích kỹ hơn, chỉ trong tháng 12, tín dụng tăng 4,35% (bằng gần 1/3 số tăng cả năm), là mức tăng tín dụng tháng 12 cao nhất trong hơn thập kỷ qua. Động thái đẩy mạnh cả tiền tệ và tài khóa trong quý IV/2023 được xem là tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế trong 2024 và rõ nét hơn trong nửa sau của năm mới.
Hầu hết các chuyên gia đồng quan điểm lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng khả quan hơn trong năm 2024 nhờ các yếu tố tăng trưởng tín dụng phục hồi và biên lãi thuần (NIM) cải thiện.
Cùng với đó, với chủ trương gỡ khó, linh hoạt đối với cho vay bất động sản cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng chung trong năm 2024.
Chứng khoán VPBank dự báo NIM của các ngân hàng sẽ phục hồi trở lại mức 3,8% trong năm 2024 sau khi đã đi lùi trong cả ba quý của năm 2023.
Tương tự, Chứng khoán MB kỳ vọng NIM trong năm 2024 của hầu hết các ngân hàng sẽ tăng nhẹ so với năm 2023. Theo các chuyên gia, mức lãi suất huy động toàn hệ thống hiện nay đang thấp hơn so với đáy trong giai đoạn COVID-19 sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vốn của các nhà băng trong thời gian tới. Qua đó, giúp lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng lạc quan trong năm 2024, dự báo tăng trưởng ở mức 25,1%.
Dù vậy, công ty chứng khoán này vẫn đưa ra lưu ý, áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể.
“Áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn”, MBS nhấn mạnh.
Về giá cổ phiếu, các chuyên gia nhận định cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng thấp nhất trong 5 năm qua.
“Mặc dù khó khăn phía trước vẫn còn hiện hữu, nhưng giá cổ phiếu ngân hàng trở lại mức thấp hơn 1 độ lệch chuẩn cho thấy vẫn hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy một vài cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức tốt để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm đón đầu sự hồi phục”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị.
Theo phân tích từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng thấp nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước và ngành này được hưởng lợi nhiều nhất từ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Chung ý kiến, VCBS đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường. Cụ thể, định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 15% so với mức trung bình 5 năm. Do đó, nhóm cổ phiếu có thể xem xét đầu tư trong dài hạn là các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023, Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng do NHNN công bố, cơ quan này không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt là thông tin vui cho các cổ đông khi được nhận "tiền tươi thóc thật" từ lợi nhuận mà ngân hàng làm ra. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng, từ đó cũng tạo thêm sức hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng.
Hải Giang