Ngày 28/10, Tập đoàn Vingroup công bố ra mắt Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản 150 triệu USD.
VinVentures được tài trợ bởi Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup. Tổng tài sản Quỹ đang quản lý là 150 triệu USD, trong đó 100 triệu USD là danh mục đã đầu tư kế thừa từ Vingroup và 50 triệu USD dự kiến giải ngân trong 3 - 5 năm tới.
Giám đốc Điều hành quỹ VinVentures là bà Lê Hàn Tuệ Lâm.
Trọng điểm đầu tư của VinVentures là Trí tuệ nhân tạo (AI), Chất bán dẫn (Semiconductor), Điện toán đám mây (Cloud) và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Ngoài ra, quỹ cũng mở ra cơ hội cho các startup ở các lĩnh vực khác nếu có tiềm năng tăng trưởng, có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng, không nhất thiết giới hạn ở những start-up liên quan đến Vingroup.
Phạm vi đầu tư của quỹ trước mắt là thị trường Việt Nam, hướng tới các startup với đội ngũ sáng lập nội địa ở giai đoạn đầu (giai đoạn hạt giống và giai đoạn Series A – giai đoạn 2 và 3/5 vòng gọi vốn startup). Trong tương lai, quỹ sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận tới những startup trong khu vực, đặc biệt là tại các thị trường có đặc điểm phát triển tương đồng với Việt Nam như Singapore, Indonesia và Philippines.
Theo thông báo, điều kiện để VinVentures đầu tư là các startup có tiềm năng phát triển bền vững, có tốc độ tăng trưởng tốt, các sản phẩm dịch vụ có khả năng thương mại hóa, ứng dụng thực tiễn cao và đội ngũ sáng lập có uy tín và kinh nghiệm. Các thương vụ sẽ được triển khai trên nguyên tắc đầu tư chuyên nghiệp, trong đó, VinVentures sẽ mua cổ phần và trở thành cổ đông công ty với kỳ vọng lợi nhuận cụ thể.
Được biết, Giám đốc Điều hành quỹ VinVentures là bà Lê Hàn Tuệ Lâm. Bà Lê Hàn Tuệ Lâm sinh năm 1994, được biết đến là "cá mập" trẻ tuổi nhất trong hội đồng đầu tư của Shark Tank Việt Nam mùa 6. Thời điểm đó, bà Lâm ngồi “ghế nóng” với vai trò Giám đốc đại diện tại Việt Nam của quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans, Hàn Quốc.
“Bên cạnh việc góp vốn, giá trị đặc biệt mà VinVentures mang lại là khả năng kết nối với các công ty trong hệ sinh thái của Vingroup ở cả hai vai trò: môi trường thẩm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho các startup trước khi ra thị trường và khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, với mạng lưới và nguồn lực, chúng tôi cũng sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ các startup kết nối với những đối tác lớn trên thị trường và là “bệ phóng” cho các startup tiềm năng trong tương lai”, bà Lê Hàn Tuệ Lâm nói về giá trị VinVentures mang lại cho các công ty khởi nghiệp.
Quyết định thành lập quỹ của Vingroup diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm nóng mới của dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ với sự tham gia của các quỹ lớn như a16z, Accel, Sequoia, Greylock Ventures, Founders Fund và Gradient Ventures (quỹ AI của Google).
Theo báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu (GESER 2023) của Startup Genome, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, với tác động kinh tế ước tính lên tới 5,22 tỷ USD. Số lượng startup ở Việt Nam cũng tăng mạnh, từ khoảng 1.600 vào thời điểm đại dịch COVID-19 lên hơn 3.800 trong thời điểm hiện tại, trong đó các startup về AI chiếm gần 10% tổng số lượng.
Còn công ty đầu tư mạo hiểm Ascend Vietnam Ventures ước tính, số lượng nhà đầu tư hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Việt Nam (tức là thực hiện ít nhất một giao dịch tại đây) đã tăng 150% từ năm 2018 đến năm 2022. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2021, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tài trợ trong nước đã vượt quá 1,4 tỷ USD, một bước nhảy vọt so với bốn năm trước đó.
“Với 97,4 triệu dân, trong đó 37% sống ở khu vực thành thị, Việt Nam cung cấp một lượng người tiêu dùng khổng lồ. Nhân khẩu học của Việt Nam khá thuận lợi, có lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao. Đây là một tài sản lớn cho các công ty muốn mở rộng”, bà Bà Hà Khánh Linh, nhà phân tích cấp cao của công ty đầu tư Quest Ventures nêu lý do chọn startup công nghệ Việt Nam là thị trường trọng điểm của quỹ.
Đỗ Kiều-Link gốc