• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 6:16:24 CH - Mở cửa
Kế hoạch Đầu tư công 2025: Làm gì để gỡ ‘nút thắt’ vốn chờ dự án?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 05/11/2024 10:02:24 SA

Năm 2025, kế hoạch đầu tư công được Chính phủ dự kiến ở mức hơn 790.000 tỷ đồng, tăng hơn 120.000 tỷ đồng so với năm 2023. Bài toán đặt ra là làm sao để nguồn vốn khổng lồ này được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng "vốn chờ dự án" gây lãng phí và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Vốn đầu tư công lớn là cơ hội để tăng đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng đồng thời đặt ra áp lực trong thực hiện, giải ngân đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Nguồn lực lớn, áp lực cao

Giải ngân đầu tư công 10 tháng chưa đáp ứng kỳ vọng. Ảnh: VGP

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng đáng kể so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm nay. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 315.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 475.727 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là những dự kiến ban đầu, còn cần trình xin ý kiến của Quốc hội. Tuy vậy, các nguyên tắc chung về phân bổ vốn đã được xác định rõ. Theo đó, mức bố trí vốn cho từng dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025, bảo đảm có thể phân bổ, giao chi tiết cho dự án trước ngày 31/12/2024; chỉ thực hiện bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã hoàn thành thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.

Trong khi đó, tình hình giải ngân của năm nay lại đang chậm trễ. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10 của cả nước ước đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng này một lần nữa cho thấy những thách thức rất lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm nay, năm sau, cũng như kế hoạch trung hạn.

Tình hình giải ngân ở mỗi địa phương sẽ góp phần quyết định mức độ hoàn thành mục tiêu của cả nước. Đơn cử, TP. HCM năm 2024 cần giải ngân hơn 79.000 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 31/10 mới đạt 22,2%. Tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, vấn đề giải ngân đầu tư công đã được bàn thảo rất nhiều. Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp xuống từng dự án và nghe khó khăn, vướng mắc của các đơn vị. Từng chủ đầu tư, quận, huyện, TP Thủ Đức đã đưa ra giải pháp cụ thể, có quyết tâm, có lộ trình nhưng tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn chưa đạt như mong muốn. Do đó, thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trước đó, để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tỷ lệ giải ngân, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành văn bản triển khai đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ ngày 15/10 đến hết niên độ kế hoạch năm.

"Không lý do ngoại lệ" là thông điệp được nhấn mạnh. "Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP. HCM trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng theo đúng số liệu đã thống nhất, không có lý do ngoại lệ", văn bản nêu rõ.

Với các dự án, công trình trọng điểm, lãnh đạo TP. HCM yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với sở ngành liên quan, khẩn trương lập kế hoạch, tiến độ thực hiện từng nhiệm vụ, công việc cụ thể. Lãnh đạo UBND thành phố và các sở ngành là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo UBND thành phố ít nhất 2 lần/tuần.

Không riêng TP. HCM, các địa phương khác cũng đang gấp rút, dồn lực cho chặng đua nước rút giải ngân đầu tư công.

Cần khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án” 

Trong báo cáo gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nêu rõ, Kế hoạch Đầu tư công năm 2025 tiếp tục có nhiều đổi mới, khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án” và những hạn chế, tồn tại trong đầu tư công. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội…

“Tắc” giải phóng mặt bằng được nhận định là một trong những vấn đề vướng mắc nhất của các dự án đầu tư công. “Tại sao bao nhiêu quyết sách, nỗ lực nhưng năm 2024 lại giải ngân thấp hơn năm 2023? Có nhiều nguyên nhân nhưng có cái quan trọng là giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) mới đây.

Trao đổi với phóng viên Vnbusiness, TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ có rất nhiều công trình lớn ở Hà Nội, TP. HCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước, bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao.

“Chúng ta đang chuẩn bị chiến lược để bước vào giai đoạn mới, kế hoạch 5 năm mới. Đầu tư công sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa. Tôi nghĩ, nhờ đà tăng trưởng cùng chủ trương như hiện nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt đến 2 chữ số. Với sự quyết tâm của Chính phủ, chắc chắn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn, tỷ lệ giải ngân cao hơn và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng”, ông Khôi tin tưởng.

Trở lại với lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo Luật Đầu tư công đã đề xuất tách "giải phóng mặt bằng" thành dự án riêng độc lập đối với tất cả các nhóm dự án để giảm thời gian “delay”; vốn, dự án chờ mặt bằng. Theo Bộ trưởng, điều này sẽ tiết kiệm thời gian từ 6 - 8 tháng cho mỗi dự án. Ngoài ra, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi còn có một số đột phá khác, bao gồm việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương.

Sau khi lấy ý kiến, dự thảo sẽ được tiếp thu chỉnh lý, trước khi trình Quốc hội thông qua. Kỳ vọng nếu luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2025, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cũng như việc triển khai các dự án đầu tư công sẽ được gỡ bỏ các điểm nghẽn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đỗ Kiều-Link gốc