Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh, qua đó giúp huy động các dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán được coi là một ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Lương Hải Sinh cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh. Đồng thời, xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm với môi trường, xã hội; thực hiện quản trị xanh để nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ tài chính xanh ưu đãi từ thị trường tài chính xanh trong và ngoài nước.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thông qua việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh chính sách tài chính hướng tới sự bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty, công bố thông tin gắn với các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Thị trường vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng carbon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh. Tại Việt Nam, thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Việc chủ động xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho lĩnh vực chứng khoán trong giai đoạn mới là rất quan trọng và cần thiết. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của chiến lược quốc gia, tiến tới xây dựng một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị như các sở giao dịch chứng khoán, Viện các thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh.
Các sở giao dịch chứng khoán đang tích cực xây dựng các biện pháp để thực hiện hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam. Nhiều khóa đào tạo và hội thảo về công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững và hướng dẫn công bố thông tin đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các đối tác tổ chức kể từ năm 2011.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay: Từ năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện chuỗi đào tạo cho các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán về cách thức thu thập và báo cáo số liệu khí phát thải nhà kính. Các chương trình này nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp về nội dung, chất lượng đào tạo và quan trọng nhất là đáp ứng kịp thời các yêu cầu xây dựng báo cáo thống kê của các doanh nghiệp về khí phát thải nhà kính.
Về quy định pháp lý, Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là văn bản mang tính chất bắt buộc đầu tiên đối với các doanh nghiệp về công bố các thông tin phát triển bền vững. Cụ thể, khi các doanh nghiệp công bố Báo cáo thường niên sẽ phải công bố các tiêu chí ESG và chương trình chính liên quan trong ngắn hạn, trung hạn.
Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành thay thế Thông tư 155/2015/TT-BTC tiếp tục có những bước cải thiện hơn khi nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Cụ thể là yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp tại báo cáo thường niên.
Các thông tư này góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến một thị trường chứng khoán xanh và cũng đưa thêm một tiêu chí để các nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư, tạo điều kiện cho các sản phẩm chứng khoán xanh dễ dàng được lựa chọn hơn.
Cùng với các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tiếp tục ban hành hướng dẫn công bố thông tin về các yếu tố E&S (môi trường và xã hội), nhằm hướng dẫn các thành viên thị trường từng bước thực hiện báo cáo bền vững có chất lượng, đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhà đầu tư và của cơ quan quản lý.
Các sở giao dịch chứng khoán cũng triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, tiêu biểu như việc tổ chức thường niên Cuộc thi bình chọn Doanh nghiệp niêm yết kể từ năm 2013 và bắt đầu đưa các yếu tố bền vững vào Báo cáo bền vững. Từ đó, tạo tiền đề cho việc đưa các yếu tố bền vững trở thành một thông lệ cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2021, với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và nhóm Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững với mục tiêu hướng dẫn cho các tổ chức phát hành và các thành viên khác trên thị trường thực hiện việc phát hành các loại trái phiếu này.
Vào tháng 8 năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ra mắt Sổ tay Hướng dẫn Báo cáo phát thải khí nhà kính. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán cũng thường xuyên phối hợp với các đối tác tổ chức các chương trình đào tạo về phát triển bền vững và tài chính bền vững cho cán bộ cơ quan quản lý và nhà đầu tư có tổ chức.
“Nhờ có những hoạt động tích cực từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán, hoạt động công bố thông tin liên quan đến các yếu tố ESG cũng đã được cải thiện đáng kể”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Chí Dũng nói.
Theo ông Vũ Chí Dũng, các doanh nghiệp đã dần ý thức được việc cần thiết của việc công bố các thông tin bền vững, không chỉ đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý mà còn là một công cụ để thu hút các nhà đầu tư vào doanh nghiệp, nâng cao danh tiếng và khả năng của doanh nghiệp trên thị trường.
Văn Giáp (TTXVN)