Nhân dịp năm mới 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời Tạp chí Đầu tư Tài chính về triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm mới cũng như những giải pháp chính sách để tiếp tục lành mạnh hóa thị trường.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua và tiềm năng phát triển trong thời gian tới?
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, lạm phát toàn cầu tuy có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra và kéo dài ở các nước. Trong nước, một số thách thức nội tại như sản xuất công nghiệp mặc dù có cải thiện nhưng không chắc chắn; tăng trưởng xuất nhập khẩu tiếp tục suy giảm, khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giữ vững được đà tăng trưởng với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ngày 30/11/2023 đạt 5.754 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2022, tương đương 60,5% GDP ước tính năm 2022. Hoạt động huy động vốn trên thị trường vẫn được đảm bảo với tổng giá trị đăng ký phát hành cổ phiếu và trái phiếu qua UBCKNN tăng 59% so với mức đăng ký cùng kỳ năm 2022 (đạt 103.697 tỷ đồng). Đặc biệt, tổng giá trị thực tế phát hành tính đến 30/11/2023 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (đạt 77.362 tỷ đồng) cho thấy, TTCK dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index tính đến 30/11/2023 tăng 8,6% so với cuối năm 2022 ở mức 1.094,13 điểm với thanh khoản ngày càng được cải thiện. Giá trị giao dịch bình quân tháng 11/2023 tăng 20% so với bình quân tháng 10/2023. Hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch cũng có những chuyển biến tích cực với giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm khoảng 22% GDP ước tính năm 2022, tăng 5,5% so với cuối năm 2022.
Thị trường trái phiếu niêm yết cũng ghi nhận những kết quả khả quan khi giá trị trái phiếu niêm yết tính đến cuối tháng 11/2023 tăng 15% so với cuối năm 2022, chiếm 21,1% GDP ước tính năm 2022. Tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN đưa vào vận hành thị trường thứ cấp cho giao dịch các TPDN phát hành riêng lẻ trên SGDCK Hà Nội nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư dễ dàng giao dịch, chuyển nhượng các trái phiếu doanh nghiệp đã mua. Hiện nay, sàn giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia, tháo gỡ được khó khăn về tính thanh khoản của thị trường này.
Trong bối cảnh thị trường cơ sở có nhiều biến động, TTCK phái sinh tiếp tục phát huy vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư duy trì thanh khoản khá tốt, khối lượng giao dịch bình quân trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt trên 238 nghìn hợp đồng/phiên.
Có thể thấy, TTCK Việt Nam trong 2023 vẫn ghi nhận một số kết quả tích cực, tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Trong thời gian tới, dự báo nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, căng thẳng chính trị gia tăng, nền kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.
Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng các nỗ lực của Bộ Tài chính, UBCKNN trong việc tăng cường thanh tra, giám sát, hoàn thiện khung pháp lý trên TTCK và thúc đẩy các giải pháp nhằm sớm nâng hạng thị trường, TTCK Việt Nam được kỳ vọng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
- Minh bạch và hoạt động hiệu quả là từ khóa được thành viên thị trường quan tâm nhất trong năm vừa qua. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai những giải pháp gì để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu này?
Tăng cường minh bạch thông tin để thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động công bằng, hiệu quả luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính. Trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai các giải pháp để nâng cao tính minh bạch của TTCK. Trong đó:
Đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuân thủ quy định về công bố thông tin, đồng thời, phát hiện sớm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của công ty đại chúng và chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có). Trong 11 tháng đầu năm 2023, UBCKNN đã xử phạt 74 công ty đại chúng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên TTCK và đình chỉ tư cách của 5 tổ chức kiểm toán, 26 kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm tăng cường tính răn đe và minh bạch thị trường.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo UBCKNN thực hiện triển khai kết nối hệ thống công bố thông tin của Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh và Sở GDCK Hà Nội với hệ thống công bố thông tin của UBCKNN nhằm cho phép công ty đại chúng chỉ cần thực hiện công bố thông tin tại một đầu mối là Sở GDCK nơi công ty niêm yết/đăng ký giao dịch, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình công bố/tiếp cận thông tin.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN thực hiện các đoàn kiểm tra định kỳ các CTCK, CTQLQ và tiến hành xử lý vi phạm đối với 06 CTCK; đưa 01 CTCK thuộc tình trạng kiểm soát, 02 CTCK thuộc tình trạng cảnh báo. Hiện có 06 CTCK thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động và 01 CTCK bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo UBCKNN đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên TTCK với tổng cộng 67 đoàn thanh kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt thu được là 37,2 tỷ đồng, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng.
- Bộ Tài chính có kế hoạch gì để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới?
Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế, tài chính đất nước, góp phần tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ, gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan, trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng TTCK. Trong đó chúng tôi tập trung vào các giải pháp cốt lõi sau:
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với yêu cầu chuyển tiền và thanh toán sau giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thông lệ tại đa số TTCK các nước trên thế giới là nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ trước giao dịch mà chỉ thực hiện thanh toán khi giao dịch đã thành công trong khi TTCK Việt Nam yêu cầu mọi nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trên tài khoản trước giao dịch. Để xử lý vướng mắc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN phối hợp cùng Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) làm việc với các thành viên thị trường (các công ty chứng khoán) cùng tìm giải pháp tháo gỡ; đồng thời giao UBCKNN chủ động rà soát các văn bản pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán để thực hiện sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch mà không cần ký quỹ trước.
Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan rà soát tổng thể Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản liên quan để trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ vai trò trách nhiệm và mức độ tham gia của các ngân hàng thương mại khi trở thành thành viên bù trừ trên hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP)- hệ thống cho phép nhà đầu tư không cần ký quỹ toàn bộ trước giao dịch, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đối với vướng mắc về khả năng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN thực hiện cập nhật thường xuyên các thông tin về TTCK trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để tạo thuận lợi cho NĐTNN dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu; giao UBCKNN thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về công bố thông tin của các công ty đại chúng theo hướng yêu cầu các công ty niêm yết quy mô lớn (dự kiến là các công ty niêm yết trong rổ chỉ số VN100) bắt buộc thực hiện công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời triển khai thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại tất cả các công ty đại chúng để NĐTNN nắm bắt được thông tin về khả năng tham gia của NĐTNN tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tích cực và chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xử lý vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tự do hóa tài khoản vốn, quy định về quản lý ngoại hối. Có thể nói, để TTCK Việt Nam được nâng hạng, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp. Với vai trò đơn vị đầu mối, Bộ Tài chính đang khẩn trương và quyết liệt thực hiện các giải pháp và hy vọng TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng trong thời gian tới.
- Bộ trưởng nhận định như thế nào về tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam? Làm thế nào để phát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới tránh lặp lại vết xe đổ, phát huy hết vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế?
Thời gian qua, thị trường TPDN đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây. Chúng ta đã chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động. Tuy vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, thị trường TPDN đã phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5%GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng ta cơ bản đã xây dựng được khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển.
Tuy nhiên, so với quy mô thị trường TPDN so với GDP của một số quốc gia trong khu vực hiện nay như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 là tương đối lớn.
Hiện nay, quy mô thị trường TPDN chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130%GDP, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thị trường TPDN đã có những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn có nhiều rủi ro cao, cá biệt có một số trường hợp lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp khi thành lập hoạt động của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về công bố thông tin và sử dụng trái mục đích. Trong thời gian tới, để thị trường TPDN phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế cần có sự “chung tay góp sức” của tất các chủ thể tham gia trên thị trường.
Kỳ Thư