• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 5:30:29 CH - Mở cửa
Ngành dược phẩm - y tế 2024: Đà tăng lợi nhuận chậm lại, cổ phiếu không còn rẻ
Nguồn tin: VietNam Finance | 27/02/2024 3:30:20 CH

 SSI cho rằng sự tăng trưởng trong năm 2023 của ngành dược phẩm - y tế sẽ khó lặp lại trong năm 2024. Cổ phiếu ngành này trong năm 2023 đã tăng 29%, cao hơn mức tăng 12% của chỉ số VN-Index và hiện tại mức định giá không còn thấp.

(Ảnh minh hoạ)

Ngành dược phẩm - y tế vừa trải qua một năm thắng lợi khi nhiều doanh nghiệp báo lãi kỷ lục, đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Sang năm 2024, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng tăng trưởng toàn ngành sẽ hạn chế, trong đó tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn ngành dự báo đạt 8,4%, thấp hơn mức tăng trưởng dự báo của VN-Index là 15,5%.

Theo đó, doanh thu mảng thuốc kê đơn và thiết bị y tế cho các bệnh viện công dự kiến sẽ trở về mức bình thường. Kênh này đã cho thấy một phần sự phục hồi trong năm 2023 sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2022 do những vướng mắc liên quan đến quy trình đấu thầu thuốc tại các bệnh viện công. Những vướng mắc này đã được khơi thông nhờ có các chính sách hỗ trợ trong năm 2023. SSI cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho bệnh viện và những công ty có hợp đồng lớn với bệnh viện trong năm 2024.

Đối với kênh bán lẻ, SSI cho rằng đã có sự sụt giảm từ các sản phẩm như thuốc OTC (thuốc bán tại quầy, không cần kê đơn) và thực phẩm chức năng vào cuối năm 2023 mặc dù số ca bệnh như cúm mùa, viêm hô hấp tăng lên vào dịp cuối năm. Sự sụt giảm dự kiến tiếp tục diễn ra trong năm 2024 khi người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn.

SSI ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng các công ty trong danh sách theo dõi lần lượt là 8% và 6% cho năm 2024. Mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dự kiến thấp hơn do chi phí nguyên liệu chính (API) tăng lên, thị trường bệnh viện/ETC có biên lợi nhuận gộp thấp hơn kênh bán lẻ/OTC. Trong khi đó năm 2023 là một năm tăng trưởng cao đối với các công ty trong ngành. SSI cho rằng sự tăng trưởng trong 2023 dự kiến khó lặp lại trong năm 2024.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) - doanh nghiệp sản xuất thuốc lớn nhất trong nước - mới đây đã công bố mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2024 lần lượt tăng 4% và giảm 4% so với mức thực hiện năm 2023.

Đối với kênh bán lẻ, SSI cho rằng người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn thông qua thương mại điện tử và chuỗi nhà thuốc. Việc quyết định lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi những điểm chạm mới này. Theo SSI, trong tương lai kênh bán lẻ sẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa so với kênh bệnh viện (kênh bán lẻ hiện chiếm khoảng 65% thị phần, theo số liệu quý III/2023 từ IQVIA). Do đó, SSI đánh giá các công ty dược phẩm lâu năm đang sở hữu nhiều thế mạnh tại kênh bán lẻ.

Theo SSI, chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược phẩm sản xuất trong nước trong năm 2024. Theo Quyết định 1165/QĐ-TTg năm 2023, Chính phủ đã đặt mục tiêu có những giải pháp hỗ trợ để thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được tới 80% về nhu cầu sử dụng và 70% về giá trị thị trường vào năm 2030 (hiện ở mức tương ứng là 60% và 45%).

Một chính sách quan trọng khác dự kiến được thông qua trong năm 2024 là việc sửa đổi Luật Dược, nhằm giúp giảm bớt thách thức và tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp trong nước theo đuổi các tiêu chuẩn cao (như EU-GMP hoặc tương đương). SSI kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước cải thiện thị phần so với sản phẩm nhập khẩu ở kênh bệnh viện. Tuy nhiên, tác động của những chính sách này sẽ được thấy rõ hơn vào những năm tiếp theo (2025-2026).

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng cho rằng việc khơi thông pháp lý sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành dược phẩm. Theo đó, từ đầu năm 2023, nhiều văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn của ngành dược đã được ban hành như Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư 06/2023/TT-BYT. Trong đó, Quyết định số 1165/QĐ-TTg ban hành hồi tháng 10/2023 đặt mục tiêu tự chủ các dòng thuốc generics nội địa, hạn chế nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.

MASVN cho biết đứng trước sự thay đổi lớn về bệnh tật cũng như mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, ngành dược phẩm được dự phóng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng kép CAGR 6% giai đoạn 2023 – 2028.

Giá trị ngành dược phẩm năm 2024 dự báo sẽ đạt 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC tăng trưởng mạnh hơn OTC nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ USD, tăng 9,4%.

Đồng thời, nếu hoàn tất cơ chế về tự chủ tài chính, bệnh viện công lập sẽ tăng cường chọn các dòng thuốc ưu tiên nội địa có chất lượng cao, thúc đẩy nhu cầu kênh thuốc ETC trong bệnh viện.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 250 nhà máy sản xuất thuốc và 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP trở lên (tiêu chuẩn mang tính toàn cầu, đo lường và đánh giá khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm được phân phối trên thị trường).

Tuy nhiên, chỉ có 16 công ty đạt tiêu chuẩn EU/GMP hoặc PIC/S-GMP (là hệ tiêu chuẩn được xây dựng và ban hành để kiểm soát các vấn đề và hoạt động trong cơ sở sản xuất dược phẩm nhằm đảm bảo sản xuất ra thuốc đạt chất lượng cao và đảm bảo an toàn cho người sử dụng).

Hiện tại cũng có rất ít công ty dược phẩm ở Việt Nam nghiên cứu các dòng thuốc đặc trị, do đó hầu hết vẫn chỉ đấu thầu thuốc được tối đa ở nhóm 2.

Trong số các doanh nghiệp niêm yết, chỉ có Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) và Công ty Cổ phần Pymepharco (PME) là hai công ty theo đuổi chiến lược đầu tư nhà máy EU-GMP từ trước năm 2015. Trong đó, IMP đã bắt đầu hái quả ngọt từ các nhà máy EU-GMP từ năm 2019. Hiện nay, Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (HoSE: DBD) đang chiếm khoảng 10% tổng giá trị trúng thầu nhóm 4, còn DHG đang xây dựng nhà máy Hậu Giang với tiêu chuẩn Japan – GMP.

Ngoài ra, DHG đang có khoảng 100 sản phẩm sản xuất trên dây chuyền Japan-GMP. Dựa trên thành quả của IMP, MASVN dự kiến sẽ có thêm 5 – 6 doanh nghiệp hoàn thành nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP, trong đó DHGDBD sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi tiếp theo.

Trong năm 2023, nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm - y tế tăng 29% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 12% của chỉ số VN-Index.

Cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá tốt nhất trong danh sách của SSIDBD (tăng 45%), do danh mục thuốc điều trị ung thư tăng trưởng tốt, trong khi thị trường đánh giá tích cực với tin tức với nhà máy mới (tiêu chuẩn EU-GMP). Ngược lại, cổ phiếu có diễn biến giá kém tích cực nhất là Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc Tế Thái Nguyên (HoSE: TNH, giảm 14%) do lo ngại lượt bệnh nhân đến khám ít hơn và mức chi tiêu bình quân ở bệnh viện cũng thấp hơn. IMP và TRA là hai cổ phiếu giữ mức giá tương đương so với đầu năm.

SSI cho rằng mức định giá hiện tại của cổ phiếu ngành dược phẩm - y tế không còn thấp. Các cổ phiếu trong danh sách của SSI đã có mức P/E cao hơn hoặc gần mức trung bình lịch sử. Công ty chứng khoán này khuyến nghị hạ tỷ trọng cho các cổ phiếu ngành dược phẩm - y tế.

Hải Đường