Mặt bằng lãi suất huy động đã về mức đáy, lãi suất cho vay cũng đang trên đà giảm và dự báo dư địa để giảm vẫn còn. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu vốn sẽ tăng cao, từ đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Với kỳ vọng như trên, tại mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2024 đang đến gần, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng tín dụng.
Lãi suất cho vay còn dư địa giảm
Tại thời điểm cuối tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại là 3,38%/năm và 6,84%/năm, giảm lần lượt khoảng 0,15 điểm phần trăm và 0,25 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Về mặt chủ trương, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ít nhất trong nửa đầu năm, NHNN tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay. Chủ trương điều hành rõ ràng khiến các kỳ vọng tăng lãi suất đều dự báo rơi vào nửa cuối năm 2024. Từ nay đến khi đó, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí và giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất cho vay còn có thể giảm thêm từ 0,7-1%/năm.
Theo các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động đang rất thấp, là cơ sở để các ngân hàng tính toán thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, với mức lãi suất cho vay hấp dẫn người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, với lợi thế về quy mô và mức lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trên thị trường, dưới 5%, các ngân hàng quốc doanh đang tung ra những gói cho vay với lãi suất cực kỳ hấp dẫn.
Điển hình như Vietinbank đã thông báo giảm lãi suất lần 2 chương trình "Vay ưu đãi - Khởi sắc tương lai" với mức lãi suất cho vay thấp nhất từ 5,2%/năm đối với ngắn hạn và 5,8%/năm cho vay trung dài hạn. So với thời điểm công bố cuối tháng 1, lãi suất cho vay đã giảm tới 0,5%/năm.
Trong khi đó, Vietcombank cho vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay trong 6 tháng đầu chỉ từ 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) và 6,3%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng không nằm ngoài cuộc đua giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh thu hút khách hàng.
Tại SHB, mức lãi suất cho vay 5,79% được mời chào trong gói ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp cũng có mức lãi suất tương tự và tùy vào từng nhu cầu vay, cho cả các khoản ngắn hạn và trung dài hạn. Theo đại diện SHB, đây là chương trình ưu đãi trong gói 10.000 tỷ của ngân hàng, lãi suất đã giảm tới 0,6%/năm so với trước đây.
Bên cạnh các chương trình ưu đãi của riêng mình, các nhà băng còn tích cực tham gia gói hỗ trợ cho vay chuyên biệt theo ngành, theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Chẳng hạn với gói 15.000 tỷ đồng cho vay lâm, thuỷ sản đến nay đã giải ngân 100%, nhưng NHNN cho biết các ngân hàng vẫn sẵn sàng tăng hạn mức lên 30.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia kỳ vọng với khả năng cải thiện biên lãi ròng (NIM) của các tổ chức tín dụng trong năm nay khi bán lẻ tăng, áp lực lãi dự thu giảm và tăng tiết kiệm chi phí, mặt bằng lãi suất cho vay còn có thể giảm thêm từ 0,7-1%/năm.
Mục tiêu mở rộng cho vay
Lãi suất giảm, cùng với nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang phục hồi, xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm, các chuyên gia dự báo nhu cầu vốn sẽ tăng từ quý II/2024.
Cụ thể, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (Vietcap) bày tỏ lạc quan về triển vọng tích cực của tăng trưởng tín dụng với tốc độ cao hơn trong năm 2024, nhờ môi trường lãi suất thấp hơn, kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi và các biện pháp của Chính phủ nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, sự phục hồi của kinh tế thế giới ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, giảm lãi suất cho vay cũng là yếu tố giúp tín dụng tăng trưởng. Khi lãi suất cho vay được kéo xuống cùng với nhu cầu vốn phục vụ cho xuất khẩu, nhu cầu vốn cho luân chuyển hàng hóa, vật tư khi các thị trường đã bắt đầu hồi phục thì tín dụng năm nay có khả năng tăng tốc từ quý III và đạt mục tiêu tăng trưởng từ 14 - 15%.
Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2024. Bên cạnh một số ngân hàng giữ mức tăng trưởng tín dụng bằng với chỉ tiêu được giao, vẫn có nhà băng đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn năm ngoái.
Cụ thể, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 12%, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái, dư nợ đạt mức 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6%.
Với một ngân hàng có quy mô lớn như Vietcombank, 1% tăng trưởng tín dụng cũng đồng nghĩa với việc đưa ra thị trường hơn 12.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô tăng trưởng tín dụng cả năm của một ngân hàng quy mô nhỏ và vừa.
MB cũng mong muốn mở rộng tín dụng hơn nữa so với mức được NHNN giao trong năm 2024 là 16%. Nếu hoàn thành chỉ tiêu phân bổ này, MB sẽ có quy mô dư nợ tín dụng vào khoảng 360.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Một số ngân hàng khác cũng đã tiết lộ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay: ACB đặt mục tiêu 14%, nếu hoàn thành mục tiêu này, dư nợ của ngân hàng sẽ lên mức 555.866 tỷ đồng; Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng…
Huyền Anh