Chứng khoán châu Á biến động trái chiều vào phiên 7/3, khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá kế hoạch lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau phiên điều trần trước Hạ viện của Chủ tịch Jerome Powell.
Bảng điện tử chỉ số chứng khoán của Nhật Bản tại sàn giao dịch Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Chứng khoán châu Á loay hoay tìm hướng đi
Trong phiên điều trần hôm thứ Tư (6/3), ông Powell đã ghi nhận tiến bộ trong việc đưa lạm phát hướng tới mục tiêu 2% của Fed và cho biết chi phí đi vay có thể giảm xuống. Song ông cũng cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc.
Hiện giới đầu tư đang đặt cược Fed sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Sáu, sau khi hy vọng về một đợt giảm vào tháng Ba của họ bị dập tắt bởi báo cáo lạm phát mạnh vào tháng trước.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đồng loạt giảm ngay cả khi dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng hơn dự báo trong tháng 1 và tháng 2/2024. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,27% (tương đương 208,31 điểm) xuống 16.229,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,41% (12,53 điểm) xuống 3.027,40 điểm.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản bị đè nặng bởi đồng yen mạnh lên khi các nhà đầu tư tăng cường đặt cược vào khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ sớm chuyển dịch khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 1,23% (492,07 điểm) xuống 39.598,71 điểm
Chứng khoán Singapore, Manila và Wellington cũng giảm điểm. Tuy nhiên, chứng khoán Sydney, Mumbai, Taipei, Jakarta và Bangkok đều tăng.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa tăng nhẹ với chỉ số Kospi tăng 0,23% hay 6,13 điểm, lên 2.647,62 điểm.
Trọng tâm chú ý của thị trường hiện dồn vào báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ vào thứ Sáu (8/3 giờ địa phương), sau một loạt số liệu tích cực cho thấy thị trường lao động vẫn khỏe mạnh nhưng dường như đang suy yếu.
Tại thị trường trong nước, khép phiên 7/3, chỉ số VN - Index tăng 5,73 điểm (0,45%) lên 1.268,46 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 1,92 điểm (0,82%) lên 237,37 điểm.
Giá vàng duy trì quanh mức kỷ lục
Giá vàng châu Á duy trì quanh mức kỷ lục mới trong chiều 7/3, kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ bảy liên tiếp sau khi Chủ tịch Fed Powell cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất trong những tháng tới nếu lạm phát giảm bền vững.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.159,79 USD/ounce vào đầu phiên chiều 7/3, sau khi đạt mức đỉnh là 2.161,09 USD/ounce trước đó trong phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,4% lên 2.167,00 USD/ounce.
Trước đó, kim loại quý này đã tăng giá mạnh vào phiên 6/3 sau khi ông Powell cho hay việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra trong những tháng tới "nếu nền kinh tế phát triển như mong đợi, đi cùng với những bằng chứng khác về lạm phát giảm bền vững.
Nhận xét của ông Powell, cùng với dữ liệu được công bố cùng ngày 7/3 cho thấy điều kiện thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt đã khiến đồng USD suy yếu và làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Giới quan sát cho biết, nếu dữ liệu thị trường lao động công bố ngày 8/3 hoặc dữ liệu lạm phát của tuần tới cho thấy bất kỳ sự suy yếu nào, giá vàng có thể lên ngưỡng 2.300 USD/ounce trong ngắn hạn dựa trên các cấp độ kỹ thuật. Nhưng mức đó sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trước khi giá điều chỉnh và củng cố lại.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 24,25 USD/ounce trong khi giá bạch kim giảm 0,1% xuống 906,82 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, khép phiên 7/3, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,80 - 81,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu ít biến động sau số liệu thương mại lạc quan của Trung Quốc
Giá dầu châu Á giữ ổn định trong phiên 7/3 sau số liệu thương mại lạc quan của Trung Quốc và báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến.
Tuy nhiên, kỳ vọng về khả năng Fed sẽ tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất đã hạn chế phần nào mức tăng.
Phiên này, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 8 xu Mỹ xuống 82,88 USD/thùng vào lúc 14 giờ 36 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 7 xu Mỹ xuống 79,06 USD/thùng.
Nhà phân tích độc lập Tina Teng có trụ sở tại Auckland cho biết, dữ liệu cán cân thương mại của Trung Quốc là một dấu hiệu tích cực cho triển vọng nhu cầu của thị trường dầu mỏ.
Dữ liệu thương mại lạc quan từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho thấy thương mại toàn cầu đang khởi sắc. Đây là một tín hiệu đáng khích lệ đối với các nhà hoạch định chính sách, giữa lúc họ cố gắng vực dậy sự phục hồi kinh tế đang chững lại.
Bên cạnh đó, số liệu từ hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/3 cũng cho thấy lượng nhập khẩu dầu của nước này đã tăng 5,1% trong hai tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ một năm trước. Mức tăng trên đưa tổng lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc lên khoảng 10,74 triệu thùng mỗi ngày, chủ yếu do các nhà máy lọc dầu tăng cường mua dầu thô để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Cùng giai đoạn báo cáo trên, xuất khẩu sản phẩm dầu tinh lọc của Trung Quốc giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2023 xuống 8,82 triệu tấn, làm giảm nguồn cung cho thị trường toàn cầu.
H.Thủy (TTXVN)