Người tiêu dùng Việt tiếp tục cắt giảm mua sắm trong năm nay đang là mối lo hiện hữu khi nhìn vào kết quả khảo sát mới nhất. Đằng sau mối lo này là sức cạnh tranh đầy khốc liệt trên “sân nhà” đang cần các doanh nghiệp nội địa đủ sức để chống đỡ, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, thích ứng linh hoạt phương thức bán hàng mới bằng các công nghệ mới hiệu quả hơn.
Kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2024 được công bố tại Tp.HCM vào ngày 7/3 rất đáng lưu tâm khi cho thấy có trên 40% người tiêu dùng trong nước tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm.
Sức cạnh tranh đầy khốc liệt
Trong khi đó, chỉ khoảng gần 1/3 số người tiêu dùng được khảo sát (30%) cho biết mức chi tiêu mua sắm năm 2024 sẽ tăng hơn chút ít so với năm 2023, và 30% người tiêu dùng cho biết không thay đổi mức mua sắm so với năm 2023.
Người tiêu dùng tiếp tục mua sắm ít ỏi đang là thách thức lớn cho các DN trong giai đoạn khó khăn này.
Từ kết quả khảo sát này, có thể thấy thời gian trước mắt, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp (DN) Việt trước bài toán thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường. Nhất là khi thu nhập của người dân giảm, đặc biệt với người lao động khu vực các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài vẫn còn đang gặp khó khăn. Một khi thu nhập của họ sụt giảm thì việc tiếp tục cắt giảm mua sắm là khó tránh khỏi.
Không những vậy, như lưu ý của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, trong khi sức mua thấp, DN bán hàng kém, thì các tổng kho lớn đã được xây dọc biên giới phía Bắc và hàng tiêu dùng Trung Quốc đã tăng lượng bán xuyên biên giới. Lợi thế của họ là chất lượng ổn, giá rẻ, vận chuyển nhanh, mẫu mã đa dạng sẽ tạo nên sức cạnh tranh đầy khốc liệt trong giai đoạn khó khăn này.
“Theo tôi, hơn lúc nào hết các DN bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh. Thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng cũng là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn tỷ dân”, bà Hạnh bộc bạch.
Ngoài ra, đứng ở góc độ DN thủy sản vốn quen với việc xuất khẩu, khi bàn về thị trường “sân nhà” trong bối cảnh hiện nay, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho biết có giai đoạn công ty của ông đã nghiên cứu thị trường nội địa và hệ thống phân phối, tiêu thụ.
Theo ông Lực, công ty đã cử người qua Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm hỏi thủ tục đăng ký sản phẩm, rồi cử người tìm mối làm quen hệ thống phân phối để gửi hàng tiêu thụ, cũng như cử người nghiên cứu khẩu vị vùng, miền để chế biến phù hợp…Kết luận là phải thành lập DN mới, chuyên chế biến hàng nội địa mới có thể đủ sức cạnh tranh với các DN cung ứng thủy sản nội địa đang có.
Theo ông Lực, thị trường nhà, trăm triệu dân là không nhỏ, lại gần. Và hàng ngàn DN chuyên chế biến thủy sản cung ứng nội địa đã quan tâm, chăm lo khá tươm tất. Và bản thân ông cũng hay vào siêu thị dòm ngó hàng thủy sản bày bán để cập nhật thông tin, tìm hiểu thêm về mẫu mã.
Về việc phát triển thị trường nội địa trong các tháng tới sau khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong hai tháng đầu của năm 2024 có mức tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), một số giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra là kích cầu nội địa, phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số, cũng như chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi và kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại.
Thích ứng linh hoạt phương thức bán hàng mới
Trước bối cảnh hoạt động bán lẻ hàng hóa vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi người tiêu dùng tiếp tục cắt giảm hầu bao thì việc tìm động lực cho lĩnh vực này khởi sắc hơn là rất quan trọng.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô phát hành vào thượng tuần tháng 3/2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng động lực của bán lẻ tiêu dùng năm 2024 bao gồm 4 yếu tố. Thứ nhất là lãi suất giảm và kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Thứ hai là gia hạn giảm thuế GTGT xuống 8% đến giữa năm 2024. Thứ ba là tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và mức lương tối thiểu tăng. Thứ tư là các chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch và sự phục hồi liên tục của ngành du lịch.
Như với việc phục hồi của ngành du lịch, trong 2 tháng đầu của năm 2024, mảng du lịch lữ hành đã tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo Mirae Asset, đây là động lực chính cho đà hồi phục ổn định của doanh số bán lẻ.
Cũng nên nhắc thêm về kết quả khảo sát năm 2024 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đó là các kênh bán lẻ truyền thống (GT) hiện vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên/cửa hàng tạp phẩm/đại lý trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán.
Theo đó, các kênh GT thích ứng cách linh hoạt các phương thức bán hàng mới, ngày càng chuyên nghiệp như cho phép đặt hàng qua Zalo, thanh toán (không dùng tiền mặt) qua ví điện tử hay chuyển khoản qua ngân hàng.
Và theo khảo sát, đến nay mua sắm trực tuyến (online) không chỉ được duy trì mà tiếp tục gia tăng. Hầu hết các sản phẩm đều mua bán online, trong đó các sản phẩm may thêu, mỹ phẩm, điện tử chiếm tới 30% khách mua.
Mặt khác, thời gian gần đây các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng với các hình thức livestream (phát trực tiếp) bán hàng, tiêu biểu như TikTok Shop, được xem là hình thức buy-entertainment (mua sắm kết hợp giải trí) trên nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng này sẽ tiếp tục “nở rộ” trong thời gian tới với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng livestream.
Chung quy lại, đằng sau mối lo người tiêu dùng Việt sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm là cần những giải pháp có tính hữu hiệu từ phía DN cho tới khâu quản lý, chính sách để hỗ trợ sức mua một cách căn cơ, cũng như cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới hiệu quả hơn khi mà người tiêu dùng hiện nay sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày một nhiều.