Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy vậy, nhiều người dùng thế giới vẫn ít biết tới thương hiệu gạo Việt Nam.
Ngành lúa gạo vẫn đang trong quãng thời gian khởi sắc về thị trường, giá cả. Năm nay, Bộ NN&PTNT dự kiến sản lượng lúa đạt 43 triệu tấn, sau khi dành cho tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực thì lượng dành cho xuất khẩu với mục tiêu từ 7,5 – 8 triệu tấn.
Kém nhận diện hơn gạo Thái
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy vậy, một trong những thách thức được nhiều tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài nêu lên là thương hiệu gạo Việt Nam còn yếu.
Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành, cho biết vừa qua có đi khảo sát các hệ thống siêu thị lớn tại quốc gia này. Tất cả gạo của Thái Lan và Nhật Bản khi đóng gói đều in dòng chữ rất to và đẹp về thương hiệu của họ; trong khi bao bì gạo của Việt Nam tìm mãi không thấy xuất xứ ở đâu.
“Tại sao gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines rất nhiều nhưng dường như nhà nhập khẩu của quốc gia này lại không tự tin làm nhãn mác gạo Việt to và đẹp như Nhật Bản hay Thái Lan”, ông Thành nói.
Tương tự, bà Phan Thị Nga, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, cho biết gạo Việt Nam được nhập khẩu và phân phối chủ yếu tại các siêu thị Á Châu do người gốc Việt làm chủ, một số ít vào các siêu thị của Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, chưa tiếp cận được các siêu thị lớn của Hà Lan.
Giá gạo Việt Nam bán lẻ tại các siêu thị Á Châu cao hơn gạo nhập từ Thái Lan, Campuchia, dao động từ 3,85 - 4,00 EUR/kg trong khi giá gạo thơm của Thái Lan từ 3,65-3,85 EUR/kg, gạo Campuchia có giá rẻ nhất, dao động từ 3,5 - 3,65 EUR/kg.
Bà Nga thông tin: “Hiện nay, gạo Việt Nam chưa tiếp cận được các siêu thị lớn của Hà Lan hay ngay cả những siêu thị Á Châu cũng với lượng ít, nguyên nhân là gạo Thái Lan, Ấn Độ đã tiếp cận thị trường từ rất sớm, được chứng minh về chất lượng ổn định trong một thời gian dài nên đã có chỗ đứng khá vững tại thị trường”.
Đáng lo ngại, gạo Việt Nam - được chính người tiêu dùng Việt tại Hà Lan phản ánh là có chất lượng không ổn định, giá lại cao hơn gạo Thái, Campuchia nên rất nhiều trường hợp sau khi dùng một hai lần, họ quay lại dùng gạo Thái Lan với chất lượng ổn định, giá tốt hơn.
Trong khi đó, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng phản ánh gạo Việt Nam thời gian gần đây được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên một số nhà nhập khẩu chưa hài lòng về hàm lượng tấm (vẫn còn khoảng 5%) trong khi các quốc gia khác như Thái Lan có chất lượng xay xát tốt hơn, tỷ lệ tấm gần như 0%.
Bên cạnh gạo trắng dài (jasmine), hiện nay, gạo tròn giống Nhật trồng ở Việt Nam đang được Canada tăng nhập khẩu khá mạnh, là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch gạo sang thị trường trong năm 2023. Tuy nhiên, cũng giống như gạo trắng jasmine, gạo tròn sushi đều được đóng gói dưới bao bì và thương hiệu của các tập đoàn nước ngoài.
Thương hiệu Vietnam Rice vẫn vướng cơ chế
Theo bà Quỳnh, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá chứ không phải sự trung thành với thương hiệu.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), thông tin thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã nộp hồ sơ để đăng ký quốc tế nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” vào hơn 100 quốc gia theo Hệ thống Madrid, hồ sơ đã được chuyển tới Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).
Kết quả đã có 21 quốc gia công nhận Nhãn hiệu Gạo Việt Nam dưới hình thức Nhãn hiệu thông thường và Nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, từ năm 2018, công bố nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã gặp một số khó khăn dẫn đến việc chậm triển khai.
Một trong những vướng mắc được nêu lên là Bộ NN&PTNT đang là chủ sở hữu nhãn hiệu Gạo Việt Nam. Trong thời gian từ năm 2019 đến 2021, đã có một số ý kiến về việc chuyển thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu/quyền quản lý sử dụng từ Bộ NN&PTNT cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Tuy nhiên, căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ, việc chuyển nhượng quyền sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice sang cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam quản lý, sử dụng cần phải tiến hành sửa đổi Điều lệ hoạt động của Hiệp hội, theo đó cần bổ sung chức năng kiểm soát, chứng nhận sản phẩm trong Điều lệ hoạt động của Hiệp hội.
Do đó, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu Nhãn hiệu Gạo Việt Nam, cần trình Chính phủ một văn bản về quy phạm pháp luật đối với việc sử dụng và quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice…
Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ phương án để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice như đề xuất phương án giao một đơn vị sự nghiệp để quản lý sử dụng nhãn hiệu Gạo.
Để thực hiện được đề xuất trên, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định hoặc một Quyết định cấp Chính phủ về Quy chế sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt Nam.
Ông Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình nhiều năm, khi người tiêu dùng có niềm tin rồi thì người ta mới mua. Chúng ta nói nhiều về gạo ST25 nhưng thực tế đây mới là nhãn hiệu, chứ chưa phải là thương hiệu. Làm sao để thương hiệu ăn sâu vào niềm tin người tiêu dùng thì khi đó mới thành công.
Ông Phạm Thế Cường
Tham tán thương vụ Việt Nam tại Indonesia
Thái Lan và Việt Nam luôn là nguồn cung chủ đạo tại thị trường Indonesia. Tuy nhiên, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Thái Lan ở phân khúc gạo chất lượng cao trong bối cảnh nhu cầu gạo nhập khẩu của Indonesia sụt giảm; nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái Lan đã có thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng. Để gạo xuất khẩu Việt Nam duy trì xuất khẩu bền vững, gia tăng củng cố hơn nữa vị thế gạo của Việt Nam trong bối cảnh Indonesia chưa có nhiều giống lúa chất lượng, thì Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, thương hiệu.
GS. TS. Võ Tòng Xuân
Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ
Dù gạo Việt hiện đã được thừa nhận ở phẩm chất, ở giá trị thương hiệu, song để giữ gìn và tôn vinh hạt gạo trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị cao, bản sắc đặc biệt là việc phải làm sớm, coi giữ gìn thương hiệu này như một tài sản quý. Câu chuyện hạt gạo Việt được tôn vinh về phẩm chất hy vọng là bước khởi đầu cho nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài, định vị thương hiệu trên trường quốc tế. Muốn giá trị cao, chỉ sự cần cù, chịu thương chịu khó thôi chưa đủ, phải nâng quy trình canh tác lên bước gọi là nghệ thuật, là câu chuyện, là khoa học… để bán sản phẩm không chỉ giá trị dinh dưỡng mà phải bán câu chuyện, bán thương hiệu.