Hai vấn đề là thương hiệu quốc gia của vàng SJC và đơn vị nhập khẩu vàng đều có sự thay đổi khi sửa đổi Nghị định 24 sẽ tạo sự ổn định cho thị trường vàng, còn nếu chỉ một trong hai yếu tố đó thay đổi, thị trường vàng chưa có nhiều thay đổi. Các chuyên gia dự báo từ nay đến lúc Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng sẽ tiếp tục xô đổ nhiều kỷ lục.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay và sớm trình sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định 24 và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng, Nghị định 24 sớm được sửa đổi cho phù hợp với thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi giá vàng vẫn tăng mạnh, liên tục phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Các chuyên gia dự báo từ nay đến lúc Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng sẽ tiếp tục xô đổ nhiều kỷ lục.
Cập nhật của VnBusiness, giá vàng hiện nay vẫn neo ở mức rất cao, trong khoảng 81 triệu đồng/lượng. Cùng với đó, vàng nhẫn SJC cũng đang tiến sát mốc 7 triệu đồng/chỉ.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích dự báo, nếu không sớm có chính sách can thiệp thị trường vàng kịp thời của cơ quan quản lý, giá vàng nhẫn có thể tiếp tục vượt trên 7 triệu đồng/chỉ và giá vàng miếng SJC có thể lên tới 85 triệu đồng/lượng do thị trường khan hiếm nguồn cung.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, và nhu cầu tiêu thụ của người dân. Trong nước, Việt Nam chưa cho phép được nhập khẩu vàng cũng là yếu tố khiến cho giá vàng tăng vọt. Vì vậy, khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.
Ông Shaokai Fan là Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cũng cho rằng chính sách hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định trong bối cảnh hiện nay khi giá vàng vẫn tăng mạnh, liên tục phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, không ai biết được kỷ lục cuối cùng của giá vàng là bao nhiêu.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, giá vàng sẽ tiếp tục tăng, xô đổ nhiều kỷ lục trước khi có chính sách can thiệp thị trường vàng của cơ quan quản lý nhà nước do giá vàng thế giới đang được dự báo còn dư địa tăng trước kỳ vọng về việc USD yếu đi khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Trong nước, việc NHNN có chính sách nới lỏng lãi suất sớm so với các ngân hàng trung ương toàn cầu (qua 4 lần hạ lãi suất từ tháng 4/2023), đã có sóng dịch chuyển vốn đầu tư lớn, dòng tiền dịch chuyển phân bổ vào những kênh tài sản có giá trị tăng, trong đó có vàng.
"Lãi suất ngân hàng xuống thấp, chứng khoán hay bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn. Vàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt ở thời điểm hiện tại", ông Nghĩa nói. Đồng thời lưu ý, khi cơ quan quản lý có chính sách can thiệp, tăng nguồn cung vàng miếng, giá vàng sẽ đảo chiều giảm. Hay nói cách khác, giá vàng trong nước thời gian tới sẽ chịu tác động mạnh từ việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Vì vậy, nếu muốn đầu tư vàng, nhà đầu tư và người dân không nên nóng vội.
Trao đổi với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng nếu hai vấn đề thương hiệu quốc gia của vàng SJC và đơn vị nhập khẩu vàng đều có sự thay đổi khi sửa Nghị định 24 sẽ tạo sự ổn định hơn cho thị trường vàng. Còn nếu chỉ một trong hai yếu tố đó thay đổi, thị trường vàng chưa có nhiều thay đổi. Từ nay đến lúc Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng còn biến động.
Theo ông Shaokai Fan, nhiều quốc gia quản lý thị trường vàng rất tốt bằng cách biến vàng là sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất. Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây là các nước chủ yếu nhập khẩu vàng (không sản xuất vàng) song vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vàng nội địa.
Trong lúc chờ Nghị định 24 sửa đổi có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý không thể "khoanh tay đứng nhìn" giá vàng liên tục biến động, mà cần có động thái để ổn định giá vàng.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thời điểm này, NHNN phải tăng nguồn cung bằng cách cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, hoặc NHNN nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC, từ đó giá có thể giảm xuống. Bên cạnh đó, để không mất lượng ngoại hối, cơ quan quản lý có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc nhập khẩu vàng và đáp ứng được nguồn cung.
Đưa ra những nhận định về việc sửa đổi Nghị định 24 của cơ quan quản lý, một số ý kiến cho rằng các sửa đổi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Đồng thời, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hy vọng thị trường vàng tới đây sẽ được tự do hóa hơn, bởi NHNN sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành trong thời gian qua.
Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2024 hồi đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Nghị định 24 sẽ được sửa đổi theo hướng vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường.
Ông Tú khẳng định, dù vàng SJC còn độc quyền hay có nhiều thương hiệu khác cùng tham gia vào thị trường, mục tiêu cuối cùng là thị trường vàng không ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Đây là quyền lợi của 100 triệu dân Việt Nam. Nhà nước luôn luôn tôn trọng quyền cất trữ, quyền mua bán vàng miếng của người dân. Song, toàn dân không thể đi kinh doanh vàng miếng. “Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân. Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả của các tổ chức kinh doanh vàng miếng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.