Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn, các ngân hàng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi. Trong đó, gói tín dụng ưu đãi cho vay lâm thuỷ sản với quy mô 30.000 tỷ đồng được triển khai rất tích cực.
Hiện, các ngân hàng đang chào mời doanh nghiệp các gói vay mới, lãi suất chỉ từ 4-6%/năm, khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm và nhiều ưu đãi như cố định lãi suất 1-2 năm đầu, hoặc giảm lãi đồng loạt với tất cả khách hàng hiện hữu. Vốn giá rẻ, thanh khoản dồi dào đang là lợi thế của các ngân hàng thời điểm hiện tại.
Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho lâm, thủy sản
Bên cạnh những gói cho vay chung, ngành ngân hàng cũng có một số chính sách tín dụng đặc thù, và đã phát huy hiệu quả. Ví dụ như gói 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản trong năm 2023 đã giải ngân 100% vì đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của thị trường. Quy mô gói này đã được mở rộng lên gấp đôi, và không chỉ dừng ở 4 ngân hàng quốc doanh, mà đã có thêm nhiều ngân hàng thương mại đăng ký.
Theo ước tính của Công ty TNHH Hùng Bích Đoan Hùng (Phú Thọ) chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ, trong quý I, số lượng hàng hoá sản xuất tăng 30%, nhưng đã được doanh nghiệp bán hết. Dự kiến trong quý II và các quý tiếp theo, đơn hàng tiếp tục tăng, vì vậy doanh nghiệp cần khoảng 3-5 tỷ đồng vốn lưu động để thu mua nguyên liệu gỗ về sản xuất. Nhu cầu vốn tăng nhưng doanh nghiệp này cũng không lo lắng vì đã được ngân hàng cấp hạn mức cả năm với lãi suất ưu đãi và giải ngân ngay khi có nhu cầu.
Nhiều ngân hàng kỳ vọng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ sớm giải ngân hết.
"Lãi suất hạ xuống thì chúng tôi có thể mua được nhiều nguyên liệu và nhận được đơn hàng nhiều hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp cũng như được đảm bảo an sinh xã hội, trả nợ ngân hàng đúng kỳ, đúng hạn", ông Phạm Quang Hùng, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Bích Đoan Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Đoan Hùng, Phú Thọ cho biết. "Với ngành gỗ, chúng tôi đã có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, mặt bằng chung lãi suất thấp hơn so với lãi suất bình quân cho vay từ 1-2%. Ngân hàng cho doanh nghiệp vay từ việc mua sản phẩm đầu vào tới cho vay trung hạn để đầu tư máy móc thiết bị".
Với thế mạnh về cho vay nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã tăng gần 3 lần quy mô cho vay lâm thủy sản trong năm nay. Trong tổng gói 30.000 tỷ đồng, ngân hàng dành 8.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho lĩnh vực này.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) khi chia sẻ với báo chí cũng hồ hởi nhấn mạnh: "Năm ngoái, chúng tôi đăng ký quy mô gói này là 300 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã tiếp cận một số khách hàng tiềm năng và năm nay tự tin đăng ký gói 1.000 tỷ đồng".
Hầu hết các ngân hàng khẳng định trong quá trình triển khai, ngân hàng không gặp bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào từ khách hàng.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 3 tháng đầu năm nay ước tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, nhiều ngân hàng kỳ vọng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ sớm giải ngân hết.
Doanh nghiệp có nhiều lựa chọn
Bên cạnh gói tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thuỷ sản, các ngân hàng cũng triển khai song song nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khác. Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Thẩm định, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã chủ động các giải pháp để đưa nguồn vốn của chương trình này ra nền kinh tế. Tuy vậy, đến nay, Chi nhánh vẫn chưa giải ngân được hồ sơ nào, bởi khách hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu mà chương trình tín dụng này đặt ra”. Trong khi đó, Chi nhánh đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất trực tiếp, trong đó chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh lãi suất chỉ từ 5%/năm nên nhiều khách hàng quyết định lựa chọn các gói vay thông thường.
Một trong những nguyên nhân là do chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản ưu tiên cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi khách hàng tại Chi nhánh chủ yếu là khách hàng cá nhân. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Chi nhánh khá ưu đãi (lãi suất ngắn hạn chỉ từ 4,5% đối với tín dụng sản xuất, kinh doanh), vì thế khách hàng thích lựa chọn gói vay thông thường hơn.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hoàng (Thanh Hoá), cho biết hiện nay, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II. Năm nay, doanh nghiệp đã được ngân hàng thông báo giảm thêm lãi vay. "Có những món nhận nợ được giảm 2-2,5% so với năm ngoái, hỗ trợ được rất nhiều về chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất".
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB): "Giải pháp từ trước đến nay cũng chỉ có một, cũng không có gì đặc biệt cả, tức là chúng tôi bám sát hệ thống khách hàng của mình, lúc khó khăn cũng như thuận lợi, và những giải pháp được đưa ra một cách kịp thời thì doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của năm 2023 tháo gỡ được, và trong năm 2024 tận dụng được cơ hội để tăng trưởng".
Về phía khách hàng, các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đều cho rằng, lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện nay đã thấp hơn trước thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19, nhiều gói tín dụng ưu đãi có lãi suất bằng, thậm chí thấp hơn cả gói tín dụng cho các lĩnh vực đặc thù, nên doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn.
Ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cho hay: "Nuôi tôm thương phẩm quy mô lớn, HTX thường xuyên vay vốn ngân hàng với hạn mức hàng chục tỷ đồng. Được biết, Nhà nước đang triển khai chương trình tín dụng lâm, thủy sản, song đơn vị chưa có nhu cầu tiếp cận do lãi suất của các chương trình tín dụng thông thường hiện cũng đã khá hấp dẫn. Hơn nữa, chúng tôi cũng khó đáp ứng được một số yêu cầu mà chương trình tín dụng lâm, thủy sản đặt ra".
Huyền Anh
Link gốc