Sự phục hồi của du lịch cũng đang giúp thị trường khách sạn ấm trở lại sau thời gian dài sụt giảm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cùng tâm lý cắt giảm chi tiêu của du khách, vẫn khiến giới chủ đau đầu với bài toán lấp đầy.
8 giờ tối thứ 7, tuần thứ hai của tháng 4, một khách sạn 3 sao tại Phú Quốc (Kiên Giang), quy mô gần 200 phòng chỉ có khoảng 30 ô cửa sổ sáng đèn. Ông Hoàng Tuấn, quản lý khách sạn, chia sẻ: “Nếu tình hình không được cải thiện, kịch bản ảm đạm có thể sẽ lại xảy ra trong cao điểm 30/4-1/5 tới”.
“Nín thở” chờ khách
Nhớ lại thời điểm này năm 2023, ông Tuấn vẫn chưa hết ám ảnh, có thời điểm khách sạn của ông có tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 5%. Đúng dịp nghỉ lễ 30/4, dù đã cắt giảm nhiều chi phí, giảm giá phòng, tăng chiết khấu cho các đơn vị dẫn tour…, nhưng lượng khách cũng chỉ đạt hơn 30%.
Năm 2024, du lịch phục hồi, tình hình dần được cải thiện, tuy nhiên công suất vẫn chưa như kỳ vọng. Đến nay, dù còn chưa đầy nửa tháng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, nhưng theo ông Tuấn, tỷ lệ đặt trước tại khách sạn của ông chỉ ở mức 45%, trong khi trước dịch thường đạt trên 80%.
“Hầu hết khách sạn, resort, khu lưu trú từ 1-4 sao ở Phú Quốc hiện có tỷ lệ đặt trước chỉ đạt 40-55%. Nỗi ám ảnh từ năm ngoái khiến chúng tôi đang nín thở chờ đợi. Càng phân khúc cao cấp lại càng lo, bởi khách đang có xu hướng nếu chi phí cao thì quay xe chọn tour quốc tế”, ông Tuấn thổ lộ.
Giới chủ khách sạn tại Phú Quốc và nhiều điểm nóng du lịch trên cả nước đang "nín thở" chờ cao điểm 30/4-1/5.
Kết quả thăm dò của VnBusiness vào trung tuần tháng 4 tại một loạt khách sạn có tên tuổi ở "đảo Ngọc" như Mường Thanh Phú Quốc, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa, Sea Sense Resort & Spa Phu Quoc, Pullman..., cho thấy tỷ lệ lấp đầy dù có cải thiện đáng kể so với năm 2023, nhưng chưa thực sự có những cú hích lớn.
Sát kỳ nghỉ lễ, có khá ít khách sạn thuộc khu vực trung tâm Phú Quốc được lấp đầy. Khách đông rơi vào hai ngày 30/4 và 1/5, những ngày còn lại trong kỳ nghỉ vẫn bán khá chậm, chỉ đạt khoảng 40-60% công suất phòng. Khách với tâm lý tham quan, vui chơi linh hoạt, thường chỉ chọn lưu trú, ít sử dụng các dịch vụ khác (ăn uống, vui chơi, spa...) tại khách sạn.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel, nhận định trong thời gian gần đây, khách du lịch có xu hướng chọn phương thức đi tự túc đến Phú Quốc. Lượng khách mua tour giảm, nhưng khách đến Phú Quốc vẫn được duy trì. Điều này cho thấy kịch bản ế ẩm của năm trước khó lặp lại.
Cũng giống như ở Phú Quốc, tâm lý “nín thở chờ đợi” cũng đang diễn ra với giới chủ khách sạn ở hầu hết các điểm nóng du lịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới. Ngay cả tại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM, các khách sạn cũng đang rất chật vật với bài toán lấp đầy.
Điều hành một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Đinh Thanh Nam chia sẻ trong 2 năm Covid-19 hoành hành, gần 2/3 bạn bè của anh làm trong lĩnh vực này phải chuyển hướng kinh doanh. Những người trụ lại đến nay đang dần ổn định nhưng vẫn còn không ít khó khăn.
Hiện tại, theo anh Nam, chỉ một số khách sạn nhỏ (30 - 50 phòng) có thể duy trì tỷ lệ lấp đầy 80-90%, số còn lại công suất thuê chỉ đạt trên dưới 50%, những ngày cuối tuần lên khoảng 60-65%. Đáng chú ý, tỷ lệ khách sử dụng dịch vụ như ăn uống, làm đẹp… ngay tại khách sạn khá hạn chế, làm ảnh hưởng tới doanh thu.
Nhiều tín hiệu lạc quan
“Không thể phủ nhận lượng khách đang tăng trở lại, nhưng nhiều khách sạn từ 3 sao trở lên hiện vẫn có công suất phòng khá thấp, thậm chí nhiều nơi thu chỉ vừa đủ bù chi phí. Khách sạn của tôi hiện có tỷ lệ lấp đầy hơn 60%. Chúng tôi đang kỳ vọng có sự đột phá trong dịp 30/4 sắp tới, từ đó mở ra những hy vọng mới trong cả năm”, anh Nam nói.
Cũng theo anh Nam, bài toán lớn nhất hiện tại của đa số khách sạn là dòng tiền để vận hành. Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, rồi lại đến khó khăn thời hậu đại dịch, nhiều chủ sở hữu khách sạn lâm cảnh “cụt vốn”, “chảy máu” nhân sự… hiện đang chật vật tái cơ cấu.
Thách thức rõ ràng vẫn còn rất nhiều, tuy nhiên, thực tế cho thấy niềm tin đang trở lại với giới chủ kinh doanh khách sạn trong bối cảnh du lịch phục hồi mạnh mẽ. Trong quý I/2024, theo Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, khách du lịch Hàn Quốc chiếm chủ đạo với 1,2 triệu khách, tăng 150% theo năm. Theo sau đó là khách Trung Quốc với 890 nghìn lượt, cao gấp 6 lần so với quý I/2023. Các thị trường đáng chú ý khác bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Úc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Mỹ… cũng có cải thiện đáng kể.
Sự phục hồi của du lịch giúp thị trường khách trở nên sôi động hơn. Cụ thể, báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy năm 2024 sẽ có hai dự án gia nhập thị trường. Từ 2024 đến 2026, dự kiến có 13 dự án với 2.896 phòng đi vào hoạt động. Trong đó, 9 dự án 5 sao sẽ chiếm 76% thị phần nguồn cung tương lai, hầu như không có dự án từ 3 sao trở xuống trong 3 năm tới.
Nhiều chuyên gia cũng đặt niềm tin vào thị trường khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng năm 2024. “Các chỉ số du lịch quốc gia tiếp tục được cải thiện, có phần vượt qua các chỉ số tham chiếu trước đại dịch Covid-19. Với việc đóng cửa nguồn cung kém chất lượng, thị trường đang ở trạng thái tốt”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam bày tỏ.
Có thể thấy, niềm tin đang dần trở lại, thị trường dần khởi sắc hơn, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, giới chủ khách sạn cần liên tục làm mới mình để thuyết phục du khách "rút hầu bao". Khi miếng bánh thị phần thu hẹp lại, nếu các chủ đầu tư không có những chiến lược tốt, sự thích nghi kịp thời có thể bị đào thải.
Nhật Minh
Link gốc