• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.241,99 -0,14/-0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:45:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.241,99   -0,14/-0,01%  |   HNX-INDEX   223,03   -0,67/-0,30%  |   UPCOM-INDEX   91,65   -0,41/-0,44%  |   VN30   1.300,72   +1,50/+0,12%  |   HNX30   474,08   -1,72/-0,36%
27 Tháng Mười Một 2024 2:48:12 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp muốn dứt điểm những vướng mắc kéo dài
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 23/04/2024 8:12:51 SA
Từ câu chuyện 10 năm mặt hàng phân bón không được áp thuế Giá trị gia tăng đang chờ tháo gỡ thông qua luật mới, cho đến khúc mắc của ngành thủy sản về thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C), hay tính nhiêu khê trong quy định mới về cấp phép lao động cho người nước ngoài, tất cả đều gây khó cho doanh nghiệp khi lãng phí thời gian, chi phí. Và điều mà họ cần là những bất cập này phải được giải quyết một cách dứt điểm.  
 
Liên quan đến chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với lĩnh vực phân bón, qua trao đổi với VnBusiness, Ts. Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết theo thông tin mà ông mới nhận được thì vào tháng 5/2024 sắp tới Chính phủ sẽ chính thức trình lên Quốc hội về dự án luật thuế GTGT (sửa đổi). Đáng chú ý là trong dự án luật sửa đổi lần này, trong số các mặt hàng chuyển từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT thì có mặt hàng phân bón.
 
Ai gánh chịu thiệt thòi?
 
“Chúng tôi đang hy vọng trong tháng 5/2024 Quốc hội sẽ thông qua luật thuế GTGT (sửa đổi), để qua đó mặt hàng phân bón từ chỗ là mặt hàng không chịu thuế GTGT chuyển sang mặt hàng chịu thuế GTGT là 5%. Điều này sẽ giúp cho ngành phân bón cạnh tranh bình đẳng hơn trong sản xuất và nhập khẩu. Nhất là các doanh nghiệp (DN) sản xuất sẽ thu lại được phần 5% GTGT của nguyên liệu đầu vào, từ đó giúp tiết kiệm và giảm giá thành sản phẩm, như vậy sẽ giúp biến chuyển về giá phân bón”, ông Hà bộc bạch.
 
 
Ngành thủy hải sản gặp khó trước thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá kéo dài, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
 
Trên thực tế, với 10 năm không được áp thuế GTGT, không chỉ DN phân bón mà kể cả nông dân đã gánh chịu thiệt thòi khi giá thành phân bón tăng và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Và theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của DN phân bón theo Luật thuế 71 (quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế) từ năm 2015 đến nay đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh vấn đề nêu trên, vị phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam lưu ý có một số ý kiến phàn nàn về khâu thủ tục rườm rà đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành phân bón, điều này rất cần được kéo giảm.
 
Cần thấy rõ một trong những vướng mắc kéo dài của ngành phân bón nằm ở chính sách thuế, dù cho lâu nay được phản ánh là bất cập, cần được sửa đổi. Như với Luật thuế 71 tính từ 1/1/2025 đến nay đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hiệu quả đầu tư của các dự án phân bón đã được thực hiện của các DN trong nước, đặc biệt là các dự án sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị mà cụ thể là toàn bộ thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị, xây lắp…không được khấu trừ, buộc phải ghi nhận tăng tổng mức đầu tư. 
 
Bên cạnh đó là chi phí hàng năm cho nguyên vật liệu, vận chuyển, bốc xếp, bảo hiểm…cũng tăng thêm đáng kể. Đó là lý do mà các DN phân bón cũng phải chịu sức ép tăng giá bán đầu ra cho người tiêu dùng cuối là nông dân.
 
Không chỉ với ngành phân bón, ở một số lĩnh vực khác vẫn còn đối mặt với việc kéo dài những vướng mắc nhưng khâu thủ tục và quản lý vẫn chưa có giải pháp để khắc phục dứt điểm, khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn.
 
Điển hình như ở ngành thủy sản. Trong tháng 4/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã tiếp tục có công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ (Cơ quan Thường trực Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính), Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính, Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị giải pháp tháo gỡ của DN thủy sản.
 
Trong văn bản này, Vasep có nêu ra nhiều vướng mắc liên quan thuỷ sản khai thác xuất khẩu và quy định IUU. Trong đó, một trong những điều làm cho các DN thủy sản gặp khó chính là thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá kéo dài, ảnh hưởng tới sản xuất của DN. Có nhiều trường hợp, kéo dài hàng tháng, thậm chí 2-3 tháng, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của DN.
 
Chính vì vậy, Vasep kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận Nguyên liệu S/C tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay.
 
Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng...tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.
 
Tránh gây lãng phí thời gian và chi phí
 
Cần nhắc lại, hiện trạng bất cập này đã được Vasep báo cáo, kiến nghị với Bộ NN&PTNT tại văn bản báo cáo số 01/BC-VASEP vào ngày 9/1/2024. Rồi vào tháng 3/2024 Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) có nhận được công văn của Vasep và công văn của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng IV kiến nghị liên quan đến một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện cấp giấy S/C. 
 
Sau đó, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ cho các sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển và tổ chức quản lý cảng cá, các đơn vị liên quan để đảm bảo việc cấp giấy S/C đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của DN.
 
Vậy nhưng, mọi vướng mắc kéo dài này có vẻ như chưa được giải quyết dứt điểm. Chính vì thế mà trong tháng 4/2024 phía Vasep lại tiếp tục có công văn gửi đến Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan như đã nêu trên.
 
Hoặc như vấn đề thực hiện cấp phép cho lao động người nước ngoài vốn từng được phản ánh là tốn kém nhiều thời gian. Thế nhưng quy định mới lại tiếp tục cho thấy bất cập, cụ thể là Nghị định 70/2023/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP) của Chính phủ. Có nhiều DN đang gặp vướng mắc về việc này nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
 
Tại buổi đối thoại gần đây giữa DN với chính quyền Tp.HCM, một số DN phản ánh nếu trước đây làm thủ tục liên quan giấy phép lao động cho người nước ngoài ở Tp.HCM và có gặp khúc mắc thì có thể liên hệ ngay để được hướng dẫn. Còn theo quy định mới, các DN lo ngại sẽ phải bay ra Hà Nội và đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để làm thủ tục. 
 
Trong khi đó, nếu các DN nộp hồ sơ qua đường bưu điện lại lo mất nhiều thời gian. Không chỉ vậy, còn một số vấn đề phát sinh bất cập như: Yêu cầu nhiều loại giấy tờ hơn khi muốn chứng minh vị trí công việc là nhà quản lý, giám đốc điều hành, rồi phải đăng thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài trên website của Cục Việc làm hoặc của Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương. 
 
Như phản ánh của DN, điều này mang tính hình thức gây lãng phí thời gian và chi phí cho cả DN và cơ quan quản lý lao động. Một số DN có vốn đầu tư nước ngoài còn tính toán quy trình cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài có thể mất vài tháng, với nhiều thủ tục giấy tờ rườm rà.
 
Xét cho cùng, từ câu chuyện 10 năm mặt hàng phân bón không được áp thuế GTGT, cho đến khúc mắc của ngành thủy sản về thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C), hay những bất cập về quy định mới trong cấp phép lao động cho người nước ngoài, tất cả đều gây khó cho DN với những vướng mắc kéo dài. Và điều mà họ cần là các bất cập này phải được giải quyết một cách dứt điểm.  
 
Thế Vinh