• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.244,82 -5,50/-0,44%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.244,82   -5,50/-0,44%  |   HNX-INDEX   226,69   -0,17/-0,07%  |   UPCOM-INDEX   92,39   -0,01/-0,01%  |   VN30   1.301,95   -8,51/-0,65%  |   HNX30   486,55   -1,02/-0,21%
13 Tháng Mười Một 2024 5:58:58 SA - Mở cửa
Đừng để doanh nghiệp dệt may gặp khó vì thiếu hụt nguồn cung nội địa
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 25/04/2024 9:02:36 SA
Ngành dệt may Việt Nam đang có sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, nhất là hạ tầng cho khâu dệt nhuộm và sản xuất vải cùng các nguyên phụ liệu khác vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, phải xem việc chuyển dịch đầu tư vào phần cung thiếu hụt ở ngành hàng xuất khẩu chủ lực này là một nhu cầu bức thiết, đừng để các doanh nghiệp gặp khó vì nguồn cung trong nước đang “tự lấy đá ghè chân mình”.
 
Mới đây, khi bàn về cơ hội chuyển dịch đầu tư vào phần cung thiếu hụt ngành dệt may Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), có lưu ý ngành dệt may hiện đang có sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất. Hai khâu ở đầu và cuối chuỗi là sợi và may có quy mô phát triển rất lớn, trong khi dệt và nhuộm vẫn là nút thắt trong nhiều năm qua của dệt may.
 
Nút thắt ở khâu dệt nhuộm
 
Đáng chú ý, theo bà Mai, hạ tầng cho khâu dệt nhuộm và sản xuất vải còn hạn chế, chưa có quy hoạch không gian phát triển và xử lý nước thải tập trung. Một số địa phương từ chối đối với các dự án dệt nhuộm, cho rằng ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm, dù nhà đầu tư khẳng định sẽ sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không tác động xấu đến môi trường.

 
Các DN dệt may còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước nên nguồn cung nguyên liệu đầu vào vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
 
Trong khi đó, như băn khoăn của vị phó tổng thư ký Vitas, để được hưởng ưu đãi thuế quan từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” hoặc “từ vải trở đi”. 
 
“Để giải quyết vấn đề nguồn cung nguyên liệu hạn chế, chúng ta cần tận dụng lợi ích của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thu hút đầu tư nước ngoài vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu”, bà Mai nói.
 
Nhân chia sẻ của vị lãnh đạo Vitas, cũng nên bàn thêm về các dự án dệt nhuộm. Như hồi tháng 3/2024 Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam (nhà đầu tư Đài Loan) đã khởi công xây dựng dự án nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông – Aurora IP (của Công ty Cát Tường Group) ở tỉnh Nam Định. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6 triệu USD với công suất trung bình 16,5 triệu m/năm.
 
Về dự án này, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cát Tường Group, thừa nhận có gặp các vấn đề vướng mắc trong giải quyết thủ tục pháp lý tại địa phương trong quá trình đầu tư. Và ông đã cảm ơn nhà đầu tư về sự kiên nhẫn và tinh thần nghiêm túc, chỉn chu trong việc triển khai thủ tục pháp lý.
 
Bản thân Công ty TNHH Jehong Textile cũng cam kết xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, rồi cam kết bồi thường và khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp có sự cố, rủi ro về môi trường.
 
Hoặc như hồi tháng 2/2024, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án YI DA DENIM MILL (VN) CO.,LTD để sản xuất các sản phẩm sản xuất vải có nhuộm, vải không nhuộm (với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD) tại KCN Dệt may Rạng Đông. Đây là dự án trực thuộc Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư. 
 
Có thể thấy sau thời gian thưa vắng dòng vốn FDI vào mảng dệt nhuộm thì việc có một số dự án như nêu trên là rất đáng khích lệ. Giới chuyên gia cho rằng nếu giải quyết được nút thắt trong khâu nhuộm sẽ giúp gia tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan của các FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay CPTPP.
 
Không thể “tự lấy đá ghè chân mình”
 
Rất tiếc là các DN khối nội chưa đủ sức để làm được chuyện này, thay vào đó chính các DN FDI đang tìm cách tận dụng “khoảng trống” dệt nhuộm ở Việt Nam. Tuy vậy, một mối lo khác là liệu có xảy ra tình trạng các DN FDI thao túng thị trường nguyên phụ liệu trong nước hay không ?
 
Điều đáng lưu tâm, vì yếu tố môi trường nên tư duy ở nhiều địa phương trong thời gian qua gần như hạn chế chấp thuận, không mặn mà cấp phép các dự án vào dệt nhuộm dù cho nhiều DN sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Cho nên việc tìm địa điểm lý tưởng cho các DN dệt nhuộm không phải là điều dễ dàng. Điều này càng làm hạn chế nguồn cung dệt nhuộm trong nước.
 
Không chỉ với vấn đề về dệt nhuộm, nếu soi chiếu lại sẽ thấy việc chuyển dịch đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt vẫn chưa như mong đợi. Điều đáng tiếc là các DN nội địa trong ngành dệt may còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước nên nguồn cung nguyên liệu đầu vào vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất. 
 
Như chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM (Agtek), có đến 90% nguồn nguyên phụ liệu dệt may của các DN ở Tp.HCM đang phụ thuộc vào nhập khẩu (chủ yếu là từ Trung Quốc), trong khi chỉ có 10% là nguồn cung tại chỗ. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt đầu tư vào lĩnh vực này và còn tùy thuộc theo yêu cầu của các khách hàng khi đưa ra yêu cầu về một số loại chất liệu trong quá trình sản xuất kèm theo mức giá thích hợp.
 
Nhìn chung, để chuyển dịch đầu tư vào mảng nguyên phụ liệu dệt may đang cần sự nỗ lực nhiều hơn từ các DN nội địa thay vì để cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tìm cách lấp “khoảng trống”.
 
Và để hướng đến mục tiêu mà Chính phủ đã phê duyệt trong “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” thì cần một trong những giải pháp mang tính chất quyết định - đó là tăng cường đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành. Phải xem việc đầu tư vào phần cung thiếu hụt ngành dệt may là một nhu cầu bức thiết chứ không thể “tự lấy đá ghè chân mình”. 
 
Điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ chính sách, nguồn vốn cho DN nội địa tham gia đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ dệt may. Hơn nữa, ở những khu vực, địa phương có mật độ cao các DN dệt may cũng nên xây dựng một số khu công nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may với công nghệ mới đảm bảo yêu cầu môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn “xanh hóa” ngành dệt may.
 
Chắc chắn sẽ có thách thức khi triển khai các thông lệ bền vững trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng với tính bền vững của môi trường, với sản xuất xanh, hay vượt qua các rào cản đầu tư ban đầu. Những khó khăn này không dễ khắc phục ngay, nhưng hy vọng rằng với nỗ lực của Chính phủ và việc thay đổi tư duy ở một số địa phương thì hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có thêm các khu công nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may được hình thành trong thời gian tới.                                    
 
  Thế Vinh