Sau khi tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền chi phối Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB), đến nay “sức khỏe” doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh. Không chỉ vậy, thông qua Sabeco, tỷ phú này còn đầu tư nguồn lực rất lớn vào CTCP Nước Giải khát Chương Dương nhưng cũng không cứu vãn nổi thương hiệu sá xị “huyền thoại” này.
Nhắc đến thương vụ khủng của tỷ phú Thái trên đất Việt không thể không kể đến vụ thâu tóm Sabeco. Tháng 12/2017, Thai Beverage (ThaiBev), công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, thông qua công ty con là Vietnam Beverage chi gần 5 tỷ USD để nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam.
Vốn hóa Sabeco "bốc hơi" nhiều tỷ USD
Sabeco là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1875 ở Việt Nam. Đây là thương hiệu nổi tiếng với kết quả kinh doanh ấn tượng và nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt. Sabeco được coi là một trong những công ty bia hàng đầu Việt Nam (nắm giữ 40% thị trường bia) và ASEAN. Đây cũng chính điều thu hút tỷ phú Thái hạ quyết tâm bỏ ra hàng tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco.
Tỷ phú Thái chi gần 5 tỷ USD để nắm quyền chi phối Sabeco.
Sau 1 năm kể từ khi kết thúc thương vụ, kết quả kinh doanh năm 2019 của Sabeco đạt đỉnh với doanh thu gần 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.370 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 - 2021, doanh thu lại sụt giảm mạnh, lần lượt xuống còn 27.961 tỷ đồng và 26.374 tỷ đồng do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và hành vi người tiêu dùng tại Việt Nam có sự thay đổi khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực, trong đó có quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Năm 2022, khi đại dịch qua đi, nhu cầu sử dụng bia rượu của người tiêu dùng tăng lên do thời gian dài không được tụ tập, giúp doanh thu của Sabeco bật tăng trở lại, lên mức gần 35.000 tỷ đồng.
Đến năm 2023, khi kinh tế trong nước bị tác động kép bởi hậu Covid-19 và kinh tế toàn cầu suy giảm, kết quả kinh doanh của Sabeco một lần nữa chuyển biến xấu. Doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm.
Không chỉ vậy, các công ty con như Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Bia Sài Gòn - Sông Lam… cũng đồng loạt giảm lãi mạnh.
Trên sàn chứng khoán, thời điểm cuối năm 2017, thị giá cổ phiếu SAB có lúc lên tới hơn 320.000 đồng/cp, tương đương mức giá điều chỉnh khoảng hơn 150.000 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức 56.100 đồng/cp như hiện tại (tính tới 5/4/2024).
Với mức giá hiện nay, Sabeco có vốn hóa gần 72.500 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Theo đó, số cổ phần của doanh nghiệp tỷ phú Thái còn lại khoảng 1,8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với số vốn bỏ ra ban đầu 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,8 tỷ USD tính theo tỷ giá USD/VND khi đó) để sở hữu được số cổ phần 53,6% tại doanh nghiệp đầu ngành bia phía Nam này.
Nỗi buồn của một “huyền thoại”
Đáng chú ý, năm 2017, sau khi tỷ phú Thái tiếp quản, Sabeco đã đầu tư nguồn lực rất lớn vào sá xị. Thời điểm đó, Sabeco vẫn là cổ đông lớn nhất của CTCP Nước Giải khát Chương Dương (Sá xị Chương Dương, mã: SCD) với tỷ lệ sở hữu hơn 60%.
Sá xị Chương Dương là một trong những thương hiệu "vang bóng một thời" của Việt Nam ra đời từ năm 1952. Đây là doanh nghiệp từng dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía Nam với sản phẩm sá xị Con cọp nổi tiếng. Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của nhiều hãng nước giải khát nước ngoài, nước ngọt Con cọp của Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần.
Giai đoạn 2009-2016 được xem là đỉnh cao của Sá xị Chương Dương khi chứng kiến doanh thu tăng cao hàng năm, chạm mức kỷ lục 417 tỷ đồng vào năm 2016. Tuy nhiên đến năm 2017, lần đầu tiên Sá xị Chương Dương báo lỗ ròng 2,2 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn lãi gần 31 tỷ.
Tại Đại hội cổ đông năm 2019, với sự hỗ trợ lớn từ nguồn lực ThaiBev và Sabeco, Sá xị Chương Dương đã vạch ra kế hoạch "tìm lại hào quang" bằng việc tái cơ cấu và phát triển thị trường nội địa. Nhờ đó, hết quý I/2019, lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 4,7 tỷ đồng,
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, do tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, Sá xị Chương Dương vừa chớm "hồi sinh" lại rơi vào cảnh khốn đốn. Cả năm 2020, công ty lãi ròng vỏn vẹn 2,5 tỷ, chỉ bằng 21% so với cùng kỳ. Lượng nước giải khát được tiêu thụ đạt 13,1 triệu lít, thấp hơn kế hoạch tới 65,5%. Kể từ năm 2021, công ty thua lỗ triền miên.
Tính đến cuối năm 2023, lỗ lũy kế của Sá xị Chương Dương lên tới 200,95 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11,73 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, công ty báo lỗ, cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết. Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã có văn bản về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SCD của Sá xị Chương Dương, kết thúc hành trình 17 năm trên sàn HoSE.
Theo HoSE, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết khi: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Thực tế, từ tháng 4/2023, do lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu SCD đã bị chuyển sang diện kiểm soát.
Trên sàn chứng khoán, thị giá SCD giao dịch quanh 13.650 đồng/cp, mức thấp nhất trong 11 năm qua. Cổ phiếu này gần như không có giao dịch, chỉ thi thoảng có phiên khớp lệnh từ vài trăm đến vài nghìn đơn vị. Giá trị vốn hóa thị trường ở mức gần 116 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, sau khi tỷ phú Thái tiếp quản, Sabeco đã đầu tư nguồn lực rất lớn vào Sá xị Chương Dương nhưng đã không thể làm kết quả kinh doanh tốt lên. Hàng chục năm trôi qua, mẫu mã những lon nước của Sá xị Chương Dương vẫn không thay đổi, máy móc đã cũ, trong khi các doanh nghiệp ngoại liên tục làm mới thương hiệu, thay đổi mẫu mã, đều đặn ra mắt những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng. Đây là một nỗi buồn của "huyền thoại" Sá xị Chương Dương: Từ món nước thời thượng đến cảnh thua lỗ triền miên và buộc phải rời sàn.
Hải Giang
Link gốc