Các chuyên gia đã đề xuất nhiều nhóm ngành triển vọng cho nửa cuối năm 2024, tuy nhiên nhóm ngành được nhắc đến nhiều trong giai đoạn trước đó là chứng khoán lại không được đề cập.
Tiền chờ cơ hội chảy vào thị trường
Tại Talkshow với chủ đề "Sóng chứng khoán trở lại, cơ hội cổ phiếu ngành nào?”, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định cũng như dự báo về thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Nhìn lại thị trường thời gian 1 tháng trước ở giai đoạn đầu tháng 4, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho biết các nhà đầu tư khá lo ngại về 1 số vấn đề như áp lực tỷ giá, lãi suất “nhấp nhổm” tăng trở lại, xung đột ở khu vực vùng vịnh,… Khi những sự kiện tiêu cực này xảy ra, tâm lý bi quan của nhà đầu tư đã kéo theo tình trạng bán tháo, dẫn đến thị trường giảm điểm.
Tuy nhiên, sau 1 thời gian điều chỉnh, khi các vấn đề này bớt căng thẳng, tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện và bớt bi quan hơn. Cùng với những yếu tố tích cực như số liệu tăng trưởng GDP, tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 12%,… thị trường đã phục hồi tích cực qua đà tăng liên tiếp, thu hút dòng tiền tham gia.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Khối phân tích cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank, nếu nhìn vào các kênh đầu tư khác thì kênh chứng khoán đang có lợi thế nhất định khi mà kênh phổ biến là tiền gửi ngân hàng hiện đang ở mức lãi suất thấp.
Theo đó, ông Lâm cho rằng khá nhiều tiền bên ngoài thị trường đang chờ cơ hội khi những yếu tố tích cực xuất hiện, đồng thời đạt được mức chiết khấu phù hợp để chảy vào thị trường, chặn đứng đà giảm của thị trường và đạt được sự hồi phục tốt.
“Nếu trước đó, nhà đầu tư đang phải thận trọng với thị trường thì diễn biến tuần vừa qua đã giúp cho trạng thái ngắn hạn được cải thiện hơn. Chúng tôi dự báo vùng hỗ trợ cho ngắn hạn của thị trường là 1.240 – 1.250 điểm. Nếu đợt điều chỉnh tới diễn ra, thị trường sẽ vẫn giữ được vùng nền này”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Theo ông, thị trường vẫn có sức ép điều chỉnh trở lại trong mức gần 1.300 điểm. Thị trường đã chững lại trong 3-4 phiên trở lại đây, áp lực chốt lời đã xuất hiện trong 1 số phiên giao dịch vì thị trường tăng tương đối mạnh từ vùng đáy đi lên. Ông Lâm đánh giá diễn biến này là bình thường, chỉ là quá trình chuyển đổi giữa các nhà đầu tư ngắn hạn.
Dự báo về thị trường trong dài hạn, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC) cho biết công ty đánh giá thị trường dựa trên 3 yếu tố. Một là dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Theo đó, thanh khoản tại kênh đầu tư chứng đang có điểm cộng khi được dòng tiền ưu tiên chảy vào.
Hai là định giá. P/B của thị trường hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, trong khi P/E lại không quá nóng để quan ngại về rủi ro. Ba là các sự kiện bất ngờ, thiên nga đen. Tuy nhiên các sự kiện này lại không thể dự đoán trước.
Nhìn chung, đại diện TCSC cho rằng thị trường hiện tại đang ở mức “đầu tư được”.
Nhóm ngành có triển vọng tốt trong nửa cuối năm 2024
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, trong trung và dài hạn, 4 nhóm ngành hấp dẫn hơn cả và có triển vọng tốt trong nửa cuối năm 2024 là ngân hàng, bán lẻ, công nghệ và thép.
Ông Đinh Đức Minh bổ sung thêm nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp trước làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác bao gồm Việt Nam. Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngoài ra, ông Minh cũng lưu ý thêm các nhóm ngành liên quan tới xuất khẩu. Nếu nhìn vào năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam có diễn biến kém thì năm 2024 đã có bước tiến tích cực hơn rất nhiều.
“Năm 2023, người mua hàng do đã tích trữ nhiều hàng hoá từ năm 2022, nên hàng tồn kho khá cao và phải giảm mua hàng. Năm nay, sau khi lượng hàng tồn kho đó được giải phóng, đơn hàng sản xuất đã tăng trở lại, số liệu khá tích cực cho hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam”, ông Minh cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, thay vì lựa chọn những nhóm ngành phù hợp, vị chuyên gia này chia thành 3 xu hướng đầu tư. Xu hướng thứ nhất thiên về các cổ phiếu vốn hoá lớn như ngành ngân hàng. Theo đó, đây là ngành duy nhất tăng trưởng tốt dù kinh tế khó khăn trong thời gian vừa qua.
Hơn nữa, định giá các cổ phiếu ngân hàng cũng khá hấp dẫn vì giá cổ phiếu chưa chạy theo kịp kết quả kinh doanh. Ngân hàng cũng được cho là nhóm dẫn dắt thị trường với những cổ phiếu vốn hoá lớn.
Thứ 2 là xu hướng hồi phục kinh tế. Sau khi kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn của năm 2022, phục hồi của năm 2023 thì những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu đang bắt đầu của phục hồi. Doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cũng tương tự.
Xu hướng 3 là dành cho các nhà đầu tư ngại rủi ro, mong muốn dịch chuyển tiền từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán. Những nhóm ngành như điện, nước, tiêu dùng thiết yếu với mức cổ tức rất cao được khuyến nghị cho xu hướng đầu tư này.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán thiếu vắng trong khuyến nghị của chuyên gia
Trong phần khuyến nghị của các chuyên gia tại toạ đàm, một nhóm ngành được nhắc đến nhiều trong giai đoạn trước đó lại không được các chuyên gia đề cập tới là ngành chứng khoán. Theo ông Đinh Đức Minh, yếu tố tích còn lại và đáng chú ý nhất của nhóm ngành này là nâng hạng thị trường chứng khoán. Các yếu tố tích cực khác như kết quả kinh doanh của năm 2023 và quý I/2024 đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, làm mức giá hiện tại của cổ phiếu ngành chứng khoán đang “hơi đắt”.
Nếu việc nâng hạng thị trường diễn ra, ông Minh dự báo giá cổ phiếu ngành chứng khoán có thể được định giá đắt hơn nữa. Theo ông, ngành chứng khoán có tính chu kỳ, rủi ro cao, do đó nhà đầu tư nên cẩn trọng khi mua cổ phiếu ngành này.
Hải Đường-Link gốc