• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 2:56:22 SA - Mở cửa
Cổ phiếu ngành chăn nuôi lợn vào ‘sóng’
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 23/05/2024 9:01:09 SA

Nguồn cung khan hiếm khiến "sốt nóng" giá lợn hơi diễn ra trên diện rộng. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi lợn cũng tranh thủ bứt tốc, nhiều mã lên đỉnh. Với dự đoán giá lợn sẽ tiếp tục neo cao, giới phân tích nhận định cổ phiếu nhóm ngành này sẽ còn cơ hội hưởng lợi.

Theo quan sát, ngay từ giữa tháng 4, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp chăn nuôi lợn bắt đầu vào sóng tăng giá, trong đó có những phiên, nhiều mã cổ phiếu nhóm này gây chú ý với biên độ tăng giá lớn. 

Cổ phiếu tranh thủ bứt phá khi giá lợn leo thang

Điển hình, phiên 17/5, cổ phiếu BAF (Nông nghiệp BaF) và HAG (Hoàng Anh Gia Lai) tăng hết biên độ trong tình trạng "cháy hàng", trong khi DBC (Dabaco) cũng có thời điểm chạm trần. Tính chung 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu HAG đã tăng 24%, trong khi BAFDBC tăng khoảng 20%.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn không ngừng bứt phá khi giá lợn hơi tăng nhanh. 

Hiện tại, thị giá cổ phiếu DBC đã vươn lên mức cao nhất 25 tháng và chỉ còn cách đỉnh lịch sử 12%. Đây cũng là mã cổ phiếu được khối ngoại ưu ái mua ròng liên tiếp với khối lượng lớn trong 2 phiên gần đây.

Tương tự, sau chuỗi bứt tốc, cổ phiếu BAF đang ở mức đỉnh 21 tháng, còn HAG đã trở lại vùng đỉnh 5 năm. Không chỉ giá, thanh khoản các mã này đều cải thiện rõ rệt và thường xuyên lọt top giao dịch nhiều trên sàn chứng khoán.

Phiên 21/5, cổ phiếu MML (Masan MEATLife) cũng gây chú ý khi "tăng bốc" gần 13% để cán mốc 36.000 đồng/cp. Đà tăng tốc này đưa MML lên đỉnh cao nhất trong 17 tháng qua, tuy vẫn còn cách rất xa so với mức đỉnh lịch sử thiết lập cuối năm 2021. Chỉ sau hơn một tuần, thị giá cổ phiếu ngành thịt này đã tăng 38%, vốn hóa thị trường cũng tương ứng tăng thêm 3.200 tỷ đồng lên vượt mức 11.700 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên sàn chứng khoán tranh thủ bứt phá trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khiến "sức nóng" giá lợn hơi vẫn diễn ra trên diện rộng. Giá lợn hơi tiếp tục leo thang lên mức trung bình 65.500 đồng/kg trong ngày 21/5, tương đương mức đỉnh đầu tháng 7/2023. Thậm chí, giá lợn hơi tại Hà Nội và Thái Bình còn tăng đến 1.000 đồng lên 68.000 đồng, mức cao nhất cả nước và cao nhất 2 năm qua. Một số tỉnh tại miền Trung và miền Nam cũng tiếp đà tăng theo xu hướng chung của thị trường.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra những yếu tố thúc đẩy giá lợn leo thang thời gian qua là nguồn cung ở phía Bắc đã giảm xuống mức thấp, tồn kho lợn cỡ to gần như không còn. Tại thị trường miền Trung và Nam, giá lợn cũng có xu hướng tăng tích cực do nguồn cung nội vùng thấp, khiến cho mặt bằng giá lợn ở 3 vùng gần như bằng nhau. Điều này dẫn tới lưu chuyển lợn từ miền Trung/Nam ra Bắc trở nên yếu ớt, không đủ để bù đắp sự thiếu hụt về nguồn cung ở khu vực này. Trong khi đó, lợn Thái vẫn chưa được nhập về như dự đoán, do các cửa khẩu tại miền Trung đang siết chặt nhập khẩu trước thông tin dịch nhiệt thán trên gia súc xuất hiện ở Thái Lan. Tương tự, lợn từ Campuchia cũng ngưng nhập do đang là thời điểm nghỉ Tết cổ truyền ở nước này.

Thực tế, việc giá lợn hơi vẫn tăng nóng từng ngày giúp nhiều công ty trong ngành tận hưởng niềm vui từ sự phục hồi. Chẳng hạn, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần quý I tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.253 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ nặng tới 321 tỷ đồng.

Tương tự, giá lợn tăng cao giúp Nông nghiệp BaF đạt doanh thu thuần 1.292 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế 118,6 tỷ đồng, gấp 30,4 lần; trong đó, lãi sau thuế của công ty mẹ gần 120 tỷ đồng, gấp 37,5 lần.

Cổ phiếu còn tiếp tục hưởng lợi

Với dự đoán giá lợn sẽ tiếp tục neo cao, giới phân tích nhận định cổ phiếu chăn nuôi lợn sẽ có cơ hội hưởng lợi trong ngắn hạn. Giá lợn bình quân cả nước đang có xu hướng tiến tới mốc 70.000 đồng/kg.

Theo VCBS, giá lợn hơi có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng khi nguồn cung lợn đã giảm và tình trạng lợn nhập lậu đã được kiểm soát. Nhu cầu tái đàn của người dân là khá thấp trong bối cảnh dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và quy định hạn chế các hộ dân nhỏ lẻ thực hiện chăn nuôi trong khu dân cư. Vì vậy, giá lợn hơi được dự kiến sẽ duy trì ở mặt bằng khá cao trong thời gian tới.

Ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính Nông nghiệp BaF cũng cho rằng đợt dịch tả lợn châu Phi (ASF) thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung con giống, mức độ ảnh hưởng có thể lên đến 1 triệu con lợn trên cả nước. Trong khi đó, cả doanh nghiệp chăn nuôi lẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn và cần chờ đến ít nhất tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường. Theo đó, giá lợn hơi hiện đang tăng tốt và nếu đà tăng được duy trì thì sẽ lên khoảng 70.000 đồng/kg vào cuối quý II này.

Mặt khác, việc các "đại gia" chăn nuôi không hề giấu giếm tham vọng tăng cường hoạt động đầu tư, mở rộng hệ sinh thái cũng là một yếu tố tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu này.

Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai đang huy động nguồn lực để bổ sung vào mảng lợn và bắt đầu tăng đàn với các cơ sở vật chất có sẵn cũng như nguồn tài trợ vốn từ LPBank.

Còn Nông nghiệp BaF dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại (4 ở Tây Ninh, 1 ở Phú Yên, 1 ở Bình Phước và 1 ở Gia Lai). Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, bao gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Theo đó, tổng đàn lợn tính đến cuối năm 2024 của Nông nghiệp BAF dự kiến tăng gấp đôi năm 2023 lên 75.000 lợn nái và 800.000 lợn thịt.

Phía Dabaco cũng nhắm tới mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 đạt 730 tỷ đồng, tăng gấp 29 lần so với năm ngoái. Với quy mô trên 50.000 con lợn nái hiện tại, doanh nghiệp này kỳ vọng đạt được 60.000 lợn nái trong năm 2024, giai đoạn 2025-2026 xây dựng được trang trại nuôi 58.000 – 60.000 lợn nái.

Mặt khác, cả ba doanh nghiệp kể trên đều đã hoặc đang có kế hoạch tăng vốn qua phát hành. Trong đó, Dabaco dự kiến chào bán tổng cộng 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ và chào bán ESOP để huy động vốn cho nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành, trang trại chăn nuôi lợn và trả nợ ngân hàng. Còn Nông nghiệp BaF đang thực hiện kế hoạch phát hành 68,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm mục tiêu huy động hơn 684 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai thì đã hoàn tất chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược, qua đó thu về 1.300 tỷ đồng.

Hải Giang-Link gốc