Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã có 14 lần tăng mức lương cơ sở. Tuy vậy, có 2 lần việc tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008 và năm 2011. Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nhìn lại bài học về kiểm soát lạm phát trong quá khứ để đảm bảo lạm phát không tăng theo lương từ 1/7 tới.
Theo đề xuất của Chính phủ, từ ngày 1/7 tới đây, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6%. Đồng thời, Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội…
2 lần tăng lương khiến lạm phát tăng vọt
Tại Nghị trường Quốc hội, những lo ngại về tăng giá theo tăng lương đã được đặt ra. Đại biểu Tạ Văn Hạ - Quảng Nam, cảnh báo trước khi tăng lương, giá đã tăng trước một đoạn. Tăng lương, giá tiếp tục tăng cho nên cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.
Nhiều lo ngại về việc giá sẽ tăng theo lương từ 1/7.
Nhìn từ thực tế, đại biểu Hạ ngạc nhiên vì có những mặt hàng tiêu dùng tăng lên rất nhiều lần, thậm chí gấp đôi. Chính vì vậy, song song với đó cũng cần phải quan tâm, “Đồng lương tăng được một chút, cuối cùng tất cả mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh hơn”, ông Hạ nói.
Theo đó, đại biểu đề xuất khống chế ở việc lợi dụng tăng lương để tăng giá và độc quyền… còn tăng do các điều kiện sản xuất tăng, đầu vào sản xuất tăng cũng phải chấp nhận.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân - TP Hồ Chí Minh, thống kê trong vòng 20 năm qua Việt Nam đã 14 lần tăng mức lương cơ sở, trong đó có 2 lần việc tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008 khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011 khi tăng lương cơ sở lên 13,7%, lạm phát đã tăng từ 9,2% lên 18,6%.
Tuy nhiên 2 năm 2008, 2011, theo đại biểu Ngân, việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới, do giá dầu thế giới tăng cộng với tỷ giá trong nước tăng. “Vì lẽ đó trong thời gian tới chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế bớt việc ảnh hưởng của tăng lương cơ sở đến tình hình lạm phát”, ông nhấn mạnh.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực và sau khi tăng lương, giá tiếp tục có lần điều chỉnh tăng một lần nữa.
Tình trạng giá tăng theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu.
Đề xuất tăng giá điện cách xa ngày 1/7
Trước thực tế trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã đưa ra 4 giải pháp giúp kiểm soát giá khi tăng lương. Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỷ giá.
Đồng thời, Chính phủ phải điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải giãn ra không cùng một lúc và cách xa ngày 1/7/2024.
Chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. Và cuối cùng nhưng quan trọng nhất được đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.
Về lo ngại tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, chỉ số CPI, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã có đánh giá vào trong báo cáo, khả năng CPI tăng khoảng 07,7%, trong khi đó GDP tăng trưởng có thể đóng góp thêm 0,21%. Điều này chủ yếu là tâm lý, còn nhu cầu do tăng lương Phó Thủ tướng nhìn nhận cũng có nhưng không cao, đồng thời cung cầu hàng hóa cũng đáp ứng được, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu.
“Ngay từ khi chuẩn bị Chính phủ đã có chỉ đạo, đặc biệt Ban Chỉ đạo điều hành giá và vừa rồi Thủ tướng đã có công điện về kiểm soát giá cả”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu, đề xuất với Chính phủ để hình thành những giải pháp thực sự khả thi để làm sao những nội dung, những giải pháp kiểm soát giá cả được thực hiện triệt để.
Nhật Linh-Link gốc