• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 12:02:54 SA - Mở cửa
Thành phố Thái Bình và khát vọng phát triển tuổi 20
Nguồn tin: vietnamplus | 29/06/2024 11:50:42 SA

Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 được công nhận đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; đến năm 2030 trong nhóm các đô thị phát triển khá, năm 2045 trong nhóm các đô thị dẫn đầu Đồng bằng sông Hồng.

Thành phố Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. (Ảnh: Thế Duyệt/ TTXVN)

70 năm sau Ngày giải phóng thị xã (30/6/1954-30/6/2024) và 20 năm xây dựng và phát triển (30/6/2004-30/6/2024), từ đô thị loại 4 nhỏ bé với diện tích chưa đầy 100ha, đến nay thành phố Thái Bình - thành phố trẻ của tỉnh đã vươn mình lớn mạnh, mở rộng diện tích lên gần 7.000 ha với quy mô dân số hơn 280.000 người.
 
Thành phố Thái Bình sau 20 năm xây dựng với nhiều khát vọng đổi mới đã và đang nỗ lực không ngừng để “thay da, đổi thịt,” xứng đáng là trung tâm hành chính-chính trị-kinh tế-văn hóa của tỉnh.
 
Vượt lên khó khăn
 
Thành phố Thái Bình xưa là vùng cửa biển rộng lớn Kỳ Bố Hải Khẩu, một vùng đất có truyền thống văn hóa, bề dày lịch sử, yêu nước và cách mạng. Năm 1890, tỉnh được thành lập và thị xã Thái Bình trở thành tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, thị xã Thái Bình là cái nôi cách mạng với nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi.
 
Ngày 30/6/1954 đánh dấu mốc son trong lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Thái Bình khi trên mảnh đất này không còn bóng thực dân Pháp. Cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang đã làm tròn nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ an toàn đến khi bàn giao cho tỉnh.
 
Sau ngày hòa bình lập lại, năm 1954, nền kinh tế miền Bắc nói chung và kinh tế Thái Bình nói riêng trong tình trạng nghèo nàn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Sản xuất tự cứu mình là chính,” Thị ủy đã phát động phong trào sản xuất, tương trợ rộng khắp trong toàn thị xã, trong đó có 1.000 người đóng góp 155,8 vạn đồng giúp đỡ những bà con nghèo lấy tiền làm vốn kinh doanh, sản xuất.
 
Sau 3 năm gian khổ, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thái Bình đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (giai đoạn 1955- 1957).
 
Thắng lợi này đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng của Đảng bộ và nhân dân thị xã trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ trong đau thương, đổ nát sau chiến tranh, nền kinh tế thị xã từng bước được phục hồi và có bước phát triển.
 
Trải qua những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân thị xã duy trì phát triển sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người,” trên 14.000 người con thị xã đã lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhiều người đã dũng cảm hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
 
Chứng kiến những đổi thay của thị xã (nay là thành phố Thái Bình), ông Phạm Quang Thuyên (phường Lê Hồng Phong) chia sẻ, với ông và những người dân sinh sống tại thị xã Thái Bình những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ký ức về một thời bao cấp, những dãy cửa hàng bách hóa là không thể nào quên.
 
Thị xã năm ấy, giờ đây đã thực sự “thay da, đổi thịt” với diện mạo hoàn toàn khác, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đây là niềm vui và tự hào của những người con Thái Bình nói chung và thị xã Thái Bình nói riêng.
 
Tầm vóc thành phố trẻ
 
Xác định thị xã Thái Bình là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngày 25/12/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội thị xã Thái Bình giai đoạn 2001-2010 và xây dựng thị xã trở thành thành phố, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Đây là dấu mốc quan trọng, tạo động lực cho sự đi lên của thị xã khi lần đầu tiên tư duy chiến lược đưa thị xã trở thành thành phố được cấp ủy tỉnh Thái Bình đề cập, mở ra hướng phát triển mới.
 
 
 
Thành phố Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. (Ảnh: Thế Duyệt/ TTXVN)
 
Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, ngày 30/6/2004, thị xã Thái Bình chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đánh dấu mốc son mới trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Thái Bình trong giai đoạn mới, năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kiến Xương, Vũ Thư và Đông Hưng để mở rộng thành phố Thái Bình.
 
Ngày 12/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận thành phố Thái Bình là đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh Thái Bình, với diện tích hơn 6.770ha, 19 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 9 xã, dân số khoảng 200.000 người.
 
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Thái Bình Hoàng Văn Thành nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tập trung giải quyết được nhiều điểm nghẽn, nút thắt giao thông tồn tại từ nhiều năm như các đường Chu Văn An kéo dài, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng; hoàn thành đưa vào sử dụng Công viên Kỳ Bá, hồ Ty Rượu...
 
Đây không chỉ tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan mà còn tạo thuận lợi kết nối thành phố Thái Bình với các vùng kinh tế trong và ngoài tỉnh, làm tiền đề phát triển đô thị hiện đại trong tương lai.
 
Những năm qua, kinh tế của thành phố tăng trưởng với tốc độ khá cao, góp phần khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế của tỉnh Thái Bình. Năm 2023, kinh tế thành phố phát triển toàn diện, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 51.066 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/năm.
 
Hiện, thành phố có 3 khu công nghiệp tập trung, trên 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định; tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đều đạt và vượt chỉ tiêu; môi trường đầu tư kinh doanh có chuyển biến đột phá với hai năm liên tiếp (năm 2022 và 2023) thành phố dẫn đầu về thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp huyện.
 
Theo Bí thư Thành ủy Thái Bình, giai đoạn hiện nay, tỉnh và thành phố đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phục vụ phát triển đô thị ven sông Trà Lý, các dự án tạo quỹ đất tái định cư, quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án xây dựng; đồng thời nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông kết nối từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, phà Sa Cao, cầu Tịnh Xuyên.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình Nguyễn Anh Tuấn cho biết một trong những dấu ấn của 20 năm xây dựng và phát triển thành phố là việc mở rộng không gian đô thị, sáp nhập 5 xã của các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng và thành lập 2 phường mới theo Nghị định của Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, công tác phát triển đô thị được tập trung triển khai. Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần nâng cao năng lực giao thông trên địa bàn.
 
Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, các khu đô thị, công viên được đầu tư hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Sự hiện diện của các khu đô thị mới không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn.
 
Việc chỉnh trang, làm đẹp đô thị cũng được quan tâm bằng việc đầu tư khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng..., góp phần làm cho bức tranh đô thị Thái Bình ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh, hiện đại.
 
Hướng đến đô thị loại 1 vào năm 2025
 
Trong mục tiêu phát triển, thành phố Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; đến năm 2030 trong nhóm các đô thị phát triển khá, đến năm 2045 trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế-xã hội quan trọng của khu vực.
 
Công viên Kỳ Bá là một trong những điểm nhấn kiến trúc của thành phố Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
 
Để hiện thực hóa các mục tiêu với khát vọng đưa thành phố trẻ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ngày 8/3/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch 50/KH-UBND triển khai Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Dự kiến nhu cầu về nguồn lực để thực hiện quy hoạch này khoảng 199.767 tỷ đồng. Tỉnh xác định định hướng phát triển không gian của thành phố theo 2 cực với việc lấy sông Trà Lý làm trục cảnh quan trung tâm, tạo động lực phát triển lan tỏa ra các khu vực xung quanh để từng bước mở rộng không gian đô thị.
 
Trong đó cực phát triển số 1 nằm ở phía Nam sông Trà Lý (khu vực lõi đô thị gồm 9 phường nội thành) chú trọng phát triển khu vực ven sông; định hướng cải tạo chỉnh trang dân cư; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp đầu tư xây dựng các tiện ích đô thị, công trình hạ tầng xã hội (bổ sung công viên, vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí,…) nhằm phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân.
 
Cực phát triển số 2 nằm ở phía Bắc sông Trà Lý (trung tâm là phường Hoàng Diệu) được định hướng quy hoạch là khu trung tâm hành chính, thể thao, văn hóa cấp tỉnh, quảng trường Thái Bình, các công viên cây xanh, hồ nước, kết hợp nhà ở có mật độ thấp, nhằm khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên.
 
Trong định hướng phát triển mở rộng không gian đô thị, thành phố Thái Bình sẽ di dời các cụm công nghiệp, nhà máy xử lý rác thải, bến bãi vật liệu xây dựng công trình, nhà ở tại bãi sông, cải tạo bãi sông... để triển khai dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý, tạo không gian đô thị mở, khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế cảnh quan ven sông, tạo động lực phát triển./.