Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây nhằm mục đích "khuất phục" đối thủ của Mỹ, nhưng thay vào đó lại dẫn đến một "nền kinh tế ngầm" toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi văn kiện tại lễ ký tuyên bố chung ở Bắc Kinh, ngày 16/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây nhằm kiềm chế các đối thủ của Mỹ, tận dụng sức mạnh của đồng USD để buộc những nước này phải "khuất phục" mà không phải đổ máu bằng lực lượng quân sự. Nhưng điều này đã vô tình tạo ra một "nền kinh tế ngầm" toàn cầu gắn kết các đối thủ chính của phương Tây, với đối thủ chính của Mỹ là Trung Quốc ở trung tâm, theo tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây.
Những hạn chế tài chính và thương mại chưa từng có đối với Nga, Iran, Venezuela, Triều Tiên, Trung Quốc và các nước khác đã siết chặt những nền kinh tế đó bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận hàng hóa và thị trường phương Tây.
Tuy nhiên, theo các quan chức phương Tây và dữ liệu hải quan, Bắc Kinh ngày càng thành công trong việc ngăn chặn những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu này bằng cách củng cố quan hệ thương mại với những quốc gia bị trừng phạt khác. Khối các quốc gia bị Mỹ đồng minh phương Tây trừng phạt hiện có quy mô kinh tế đủ lớn để phòng vệ trước cuộc chiến kinh tế và tài chính của Washington, giao dịch mọi thứ từ máy bay không người lái và tên lửa đến vàng và dầu.
Dana Stroul, cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và hiện là thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington D.C, cho biết: “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn của Mỹ và có khả năng định hình lại trật tự toàn cầu hiện nay”.
Nhu cầu thương mại của khối các nước bị Mỹ trừng phạt luôn được điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, một mặt, Trung Quốc mua dầu từ ba cường quốc trong OPEC – Nga, Iran và Venezuela – với mức giá chiết khấu cao. Đó là một cơ hội bất ngờ đối với quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nước đã mua hơn 11 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm ngoái để duy trì hoạt động kinh tế. Ngược lại, các quốc gia bán dầu sẽ có doanh thu mà họ cần để mua hàng hóa bị trừng phạt.
Kimberly Donovan thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, nói: “Doanh thu từ dầu mỏ từ Trung Quốc đang hỗ trợ nền kinh tế Iran và Nga, đồng thời đang làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây”. Chuyên gia Donovan, người gọi nhóm này là “trục lách lệnh trừng phạt”, giải thích rằng việc các nước sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và các hệ thống thanh toán không do phương Tây kiểm soát trong giao dịch thương mại cũng đã hạn chế quyền tiếp cận của phương Tây vào dữ liệu tài chính và làm suy yếu khả năng thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ.
Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc và Nga, Bắc Kinh đã thay thế việc Moskva mất khả năng tiếp cận thị trường phương Tây đối với hàng hóa có công dụng kép. Ví dụ, một công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, Poly Technologies, đã gửi gần hai chục chuyến hàng từ tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái cho một công ty nhà nước Nga bị Mỹ trừng phạt chuyên sản xuất máy bay trực thăng quân sự và dân sự - Nhà máy Hàng không Ulan-Ude, theo tạp chí đánh giá dữ liệu hải quan của Nga.
Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, bảo vệ chính sách của Bắc Kinh, nói rằng nước này không cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ ai liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Ông nói: “Trung Quốc thực hiện trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Các hoạt động thương mại liên quan theo luật pháp quốc tế là hợp pháp và chính đáng, do đó cần được tôn trọng và bảo vệ”.
Trong khi đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng mang lại cho Iran một cơ hội kinh tế và chiến lược, WSJ lưu ý. Các cựu quan chức an ninh Mỹ cho biết, việc bán máy bay không người lái cho Moskva và thành lập một cơ sở sản xuất ở Nga tạo ra thu nhập cho Iran, củng cố nhận thức quốc tế về sức mạnh quân sự của Tehran.
Theo các quan chức và dữ liệu hải quan Mỹ, Iran cũng đang cung cấp vũ khí, hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở hạ tầng năng lượng và các hàng hóa bị trừng phạt khác của Venezuela. Đổi lại, Caracas đã cung cấp cho Iran số vàng từ lượng tiền gửi khổng lồ ở Orinoco. Theo các quan chức phương Tây, đây một mặt hàng khó theo dõi trên toàn thế giới và tính linh hoạt của nó cho phép các quốc gia bị trừng phạt tránh xa hệ thống ngân hàng phương Tây.
Iran và Venezuela từ lâu đã có mối quan hệ ngoại giao gần gũi, nhưng các lệnh trừng phạt kinh tế của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đối với hai nước càng khuyến khích hai nước tăng cường quan hệ. Bị tác động bởi chiến dịch “Gây áp lực tối đa” của Mỹ, Iran đã tìm cách bán các sản phẩm dầu mỏ của mình, trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela đã khiến quốc gia này trở thành khách hàng nhiệt tình nhất.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Link gốc