Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam phát biểu tại kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận)
Thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết tính đến đầu tháng 7/2024, việc giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh đạt trên 37% kế hoạch; giải ngân đạt trên 61% vốn đầu tư phát triển, khoảng 20% vốn sự nghiệp, trong đó Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 13%.
Kết quả này góp phần rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững; tác động tích cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, điều chỉnh các dự án không đảm bảo điều kiện để bổ sung cho các dự án khác trong cùng chương trình.
Bên cạnh đó, tỉnh bố trí vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện một số hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho các đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm cơ sở điều chỉnh, phân bổ kinh phí sự nghiệp của Chương trình sát hợp với nhu cầu thực tế của địa phương…, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, các Chương trình mục tiêu Quốc gia mặc dù đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Hội đồng Nhân dân tỉnh quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương; nguồn lực chủ yếu là vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ lại rất cao.
Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc giải ngân vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh lần thứ 19 mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành và thông qua nghị quyết để tháo gỡ cho giải ngân các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các tờ trình nghị quyết. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận)
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chú trọng khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc; qua đó nỗ lực phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn vào cuối năm 2024.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trên 556 tỷ đồng; trong đó Chương trình giảm nghèo bền vững hơn 196 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 359 tỷ đồng.
Nông dân thôn Thái An thuộc xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) thu hoạch tỏi tươi. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn các chương trình được các địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành.
Công tác kiểm tra, giám sát, lắng nghe kiến nghị của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc được Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời tiếp thu tháo gỡ, có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình./.