Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang trở thành xu thế trong mọi lĩnh vực trên toàn thế giới, thì tiềm năng sản xuất năng lượng xanh thay thế nhiên liệu hóa thạch cùng với nhiều lợi thế khác đang được coi là những yếu tố mang đến cơ hội cho Việt Nam phát triển trung tâm dữ liệu...
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo sẽ là một thế mạnh giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu.
Việt Nam đang kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư phát triển các trung tâm dữ liệu dựa trên các lợi thế như dân số hiểu biết công nghệ, nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, ổn định địa chính trị…
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS. Glen Duncan, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Trung tâm dữ liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL, cho rằng tất cả các yếu tố này sẽ giúp Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh trong việc xây dựng và phát triển trung tâm dữ liệu so với các quốc gia khác trong khu vực.
DÂN SỐ TRẺ, HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TẠO “LỰC HÚT”
Theo TS. Glen Duncan, hiện nay các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm các quốc gia có khả năng sản xuất năng lượng tái tạo để đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu. Việt Nam là một trong số những quốc gia đang làm khá tốt điều này.
Theo Hồ sơ Năng lượng của Việt Nam được công bố bởi Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tỷ trọng sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng đều đặn qua các năm. Trong năm 2023, tổng công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 21,6 GW. Báo cáo của JLL cũng đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để tiếp tục phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo sẽ là một thế mạnh giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, trong năm 2023 nguồn cung năng lượng tại Việt Nam đã bộc lộ một số điểm yếu. Do hạn hán kéo dài khiến các hồ chứa cạn kiệt nên buộc phải cắt điện luân phiên tại các khu công nghiệp sản xuất quan trọng. Điều này gây gián đoạn đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp. Do đó, TS. Glen Duncan cho rằng việc đảm bảo cơ sở hạ tầng điện là điều kiện rất quan trọng nếu Việt Nam muốn phát triển các trung tâm dữ liệu mới.
Theo bà Vivian Wong, chuyên gia phân tích cấp cao của DCByte, các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam chắc chắn sẽ phải mở rộng quy mô do nhu cầu của nhân khẩu học. Việt Nam là một quốc gia rất trẻ, độ tuổi trung bình chỉ khoảng 32 tuổi, cùng với đó là dân số đông hơn 100 triệu người – xếp thứ 3 tại Đông Nam Á, vì vậy nhu cầu về các dịch vụ công nghệ thông tin của thị trường là rất lớn và điều này đòi hỏi phải xây dựng một số lượng lớn các trung tâm dữ liệu.
Trên thực tế, tổng công suất các trung tâm dữ liệu của Việt Nam hiện chỉ ở mức gần 150 MW vẫn thấp so với khu vực. Theo báo cáo của DC Byte, Việt Nam hiện đứng thứ sáu về nguồn cung trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Cụ thể, tổng công suất của các trung tâm dữ liệu tại Singapore hiện đã đạt 1 GW và dự kiến sẽ đạt khoảng 1,4 GW trong những tháng tới. Tại Malaysia, Chính phủ nước này đã có kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu công suất tới 4 GW để thực hiện mục tiêu phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI).
TS. Glen Duncan cho rằng Việt Nam hiện có dân số đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, nhưng về nguồn cung trung tâm dữ liệu lại đứng thứ sáu. Do vậy, Việt Nam sẽ cần một số lượng lớn trung tâm dữ liệu để hỗ trợ dân số và đây chính là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hạ tầng viễn thông vẫn luôn được coi là “xương sống” để phát triển các trung tâm dữ liệu. Việt Nam hiện đang có 5 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế và đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 tuyến cáp quang biển mới. Đây cũng là một trong những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường trung tâm dữ liệu. Các chuyên gia đánh giá điều này sẽ tạo thêm nhiều không gian để các đô thị Việt Nam phát triển những trung tâm dữ liệu hàng đầu khu vực.
TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH TRONG KHU VỰC
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam phát triển hạ tầng viễn thông, TS. Glen Duncan cũng như nhiều chuyên gia cho rằng khác với những quốc gia nhỏ như Singapore, Việt Nam đang phải giải quyết thách thức phủ sóng viễn thông toàn bộ cả quốc gia trải dài từ Bắc tới Nam; nhưng theo ông Dulcan, Việt Nam hiện đang làm khá tốt công việc này, nhất là tại Hà Nội hay TP.HCM.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng có một cột mốc quan trọng mở đường cho các công ty và các nhà đầu tư quốc tế, đó là những thay đổi trong Luật Viễn thông. Một trong số đó là quy định mới cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu hoàn toàn 100% các trung tâm dữ liệu trong nước. Với những điểm tích cực về thị trường như đã đề cập ở trên và quy định mới này, Việt Nam đang trở nên thực sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo từ Viettel IDC, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô 1,26 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,8%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu của Việt Nam vẫn còn một số “rào cản” như nối cáp quang biển vừa thiếu vừa không ổn định; hay quy định pháp lý thủ tục đất đai còn tương đối phức tạp...
Ngô Huyền-Link gốc