Thị trường có sự "tàn sát" và mọi thứ đang chuyển động với sức mạnh của một cơn sóng thần.
Sở giao dịch chứng khoán New York. Anh: Getty Images
Theo phân tích của Sputnik, nền kinh tế Mỹ đã tài chính hóa quá mức để có thể chịu đựng được bất kỳ sự sụt giảm kéo dài nào của giá chứng khoán.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm hơn 12% ngày 5/8, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ sự kiện “Thứ Hai đen tối’ năm 1987. Mức giảm 4.451,28 điểm cũng là mức giảm điểm lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của chỉ số. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh với chỉ số Topix giảm 9,65%. Tại Mỹ, cuối phiên 5/8, chỉ số Dow đã giảm khoảng 1.000 điểm, Nasdaq giảm gần 4% khi sự hỗn loạn của thị trường đã biến thành một "trận tuyết lở toàn diện". Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 khu vực giảm 2,54%, hầu như tất cả các giao dịch chìm trong sắc đỏ.
CÚ SỐC CỦA GIAO DỊCH CHÊNH LỆCH GIÁ
Nguyên nhân gây ra đợt bán tháo là rõ ràng và đã được đưa tin đầy đủ trên các phương tiện truyền thông tài chính: Báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ hôm 2/8 đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ. Các giao dịch bằng AI từng "nóng" nhưng bị lạm dụng và được thổi phồng quá mức đã trở nên tồi tệ, dẫn đến một cuộc lao dốc với các cổ phiếu công nghệ.
Lý do chính dẫn đến diễn biến này là sự phá vỡ giao dịch chênh lệch giá lớn giữa đồng USD và đồng yên Nhật - nơi các nhà đầu tư đang vay với giá rẻ bằng đồng yên và đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn của Mỹ.
Đây là một kiểu kinh doanh chênh lệch giá: Vay với lãi suất thấp và cho vay (đầu tư) với lãi suất cao hơn. Nhưng khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất vào ngày 31/7 và có lẽ quan trọng hơn là báo hiệu sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa, thì vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất này đã chấm dứt. Điều này gây ảnh hưởng tới thị trường và dẫn đến nhiều lệnh ký quỹ (là một thông báo được gửi từ sàn môi giới đến nhà đầu tư nhằm kêu gọi nạp thêm tiền vào tài khoản chứng khoán để duy trì lệnh đang lỗ nếu không sẽ phải đóng tất cả các lệnh). Và vì các nhà đầu tư thường phải bán các tài sản khác để đáp ứng yêu cầu ký quỹ nên càng tạo áp lực bán ra nhiều hơn.
Việc dự đoán hướng đi của thị trường trong những ngày và tuần tới là một điều mạo hiểm. Tất nhiên, nhiều nhà đầu tư đang cố gắng nắm bắt tình huống “con dao rơi' - nghĩa là mua vào trong hoặc ngay sau một đợt bán tháo mạnh. Một số nhà phân tích đã dự đoán rằng sự hoảng loạn đã bị thổi phồng quá mức và mọi thứ sẽ sớm ổn định.
Vì vậy, thay vì mơ hồ đưa ra dự báo, hãy tìm cách suy nghĩ về những gì đang diễn ra. Và luôn luôn là điều tốt nếu lùi lại một chút và cố gắng tìm ra cái nhìn toàn cảnh giữa tình trạng hỗn loạn.
Giao dịch đã bị tạm dừng trong thời gian ngắn hôm 5/8 tại Nhật Bản và Hàn Quốc do bộ ngắt mạch được thiết kế để ngăn chặn việc bán tháo hoảng loạn được kích hoạt nhiều lần. Ảnh: CNBC
Trước hết, có một điều hiển nhiên: Đây thực sự là một ví dụ khá cổ điển về việc nới lỏng định vị hơn là một phản ứng trước một cú sốc kinh tế. Rất nhiều nhà đầu tư cổ phiếu đã lao vào quá sâu để theo đuổi bong bóng cổ phiếu công nghệ - và rất nhiều người không may mắn này đã vay mượn với lãi suất thấp bằng đồng yên Nhật để làm điều đó. Có rất nhiều lệnh ký quỹ đang được đưa ra, rất nhiều vụ thanh lý bắt buộc - và có lẽ nhiều bà vợ đang phải canh giữ an toàn ở các cửa sổ nhà cao tầng!
VAI TRÒ CỦA FED
Giả sử chuyện này không kết thúc nhanh chóng, thì điều thực sự quan trọng cần xem xét là nhận thức của thị trường về các bước tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và thực tế những bước đó sẽ diễn ra như thế nào. Điều này không hẳn là do Fed có toàn năng, mà bởi vì đây là nơi mà sự hỗn loạn nhất thời giao thoa với một số đặc điểm mang tính cấu trúc của nền kinh tế My.
Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 7 trong khi ám chỉ mạnh mẽ về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Nhiều nhà phân tích tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã chờ đợi quá lâu để hạ lãi suất trở lại sau hàng loạt đợt tăng lãi suất sau đại dịch nhằm hạ nhiệt lạm phát. Kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất sắp tới đã tăng mạnh ngay cả trước các sự kiện gần đây.
Liệu báo cáo việc làm lạc quan hôm 2/8 có thực sự là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với nền kinh tế Mỹ? Chắc chắn nó đã chuyển hướng nhưng khó có thể giải thích được biến động mạnh mẽ như vậy. Điều thực sự đằng sau diễn biến này - chưa kể đến những lời kêu gọi cắt giảm lãi suất khẩn cấp - là niềm tin rằng Fed cần phải can thiệp và giải cứu thị trường.
Người ta tin rằng bất cứ khi nào nền kinh tế hoặc thị trường đi xuống, Fed sẽ lao vào và cắt giảm lãi suất hoặc in tiền để thúc đẩy. Tất nhiên, một chính sách chính thức như vậy sẽ bị từ chối, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng có một mức sàn bên dưới các thị trường. . Đây là nguồn gốc quan trọng tạo nên niềm tin có vẻ như vô căn cứ và không bao giờ lay chuyển vào thị trường chứng khoán Mỹ, vốn đã chiếm ưu thế mạnh mẽ kể từ cuối những năm 1990.
Trên thực tế, Fed đã nhiều lần thể hiện rằng họ sẵn sàng can thiệp bằng nhiều cách khác nhau - trực tiếp hoặc không rõ ràng - bất cứ khi nào sự ổn định của thị trường tài chính bị đe dọa.
Mặc dù Fed khó có thể thực sự tiến xa tới mức triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để cắt giảm lãi suất - làm như vậy sẽ thể hiện sự hoảng loạn một cách công khai - nhưng rất có thể họ sẽ tích cực đàm phán để cứu thị trường thoát khỏi vực thẳm bằng mọi cách, ngoại trừ hứa hẹn cắt giảm lãi suất mạnh cho nền kinh tế trong phần còn lại của năm. Và nếu mọi thứ thực sự vượt quá tầm kiểm soát của thị trường, một sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Fed gần như được đảm bảo.
Vậy điều gì thực sự là nền tảng cho cam kết vô hình này đối với thị trường. Câu trả lời là Fed chỉ đơn giản đang phản ứng trước sự biến dạng cơ cấu sâu sắc của nền kinh tế, thường không được đánh giá đầy đủ. Nền kinh tế Mỹ được tài chính hóa và sử dụng đòn bẩy quá cao, và rất nhiều người Mỹ (đặc biệt là tầng lớp thượng lưu) quá phụ thuộc vào lãi suất của các tài sản tài chính để tạo nên sự giàu có của họ đến mức sự sụt giảm kéo dài trên thị trường sẽ là thảm họa. Nếu một phần lớn GDP được kết nối bằng cách này hay cách khác với giá tài sản thì những biến động trên thị trường sẽ có tầm quan trọng vượt xa vận may của những người chơi ở Phố Wall.
Do đó, sự bất ổn của thị trường là điều mà Fed - và nhà điều hành ở Washington và New York - lo ngại nhất. Họ sẽ chấp nhận các rủi ro để giữ cho thị trường hoạt động tốt. Nếu cái giá của việc này là lạm phát hoặc thậm chí là những biến dạng tiêu cực hơn trong nền kinh tế, thì cũng phải chấp nhận.
Về mặt danh nghĩa, thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng vô thời hạn, với những “cú nấc” thinh thoảng thường được giải quyết nhờ tính thanh khoản cao hơn. Câu hỏi chỉ là với giá bao nhiêu?
Điều quan trọng cần theo dõi trong những tuần và tháng tới là Fed xem xét những gì đang diễn ra trên thị trường nghiêm túc đến mức nào và thị trường bắt họ phải hành động đến mức nào.
Sẽ không có tuyên bố nào từ Tòa nhà Eccles (trụ sở Fed) nói rằng thị trường cần được giải cứu, nhưng hành động luôn có ý nghĩa hơn lời nói. Và cách Fed hành động sẽ tiết lộ những ưu tiên thực sự của họ nằm ở đâu.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Link gốc