• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.274,93 +2,95/+0,23%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 10:24:59 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.274,93   +2,95/+0,23%  |   HNX-INDEX   231,16   -0,36/-0,16%  |   UPCOM-INDEX   92,33   -0,12/-0,13%  |   VN30   1.343,37   +4,32/+0,32%  |   HNX30   503,09   -0,95/-0,19%
09 Tháng Mười 2024 10:32:25 SA - Mở cửa
VN-Index và mốc 'ám ảnh' 1.200 điểm, mới vượt đã lại thủng và nằm lại rất lâu?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 07/08/2024 8:59:37 SA

Sau 24 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mang một diện mạo mới, một sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh, với tổng vốn hóa lên đến 6,9 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm số của VN-Index lại là "nỗi buồn" của nhà đầu tư khi vẫn “ám ảnh” bởi mốc 1.200 điểm.

Cùng xu hướng đi xuống với chứng khoán khu vực, VN-Index đã trải qua một phiên lao dốc mạnh (phiên 5/8), đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 4/2024. Đà giảm này đã đẩy chỉ số xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng.

Lần thứ 10 “xuyên thủng” 1.200 điểm

Đây là lần thứ 10, VN-Index rơi xuống dưới 1.200 điểm kể từ lần đầu tiên vượt mốc điểm này vào đầu tháng 4/2018.

Trong quá khứ, khoảng thời gian VN-Index ở trên 1.200 điểm thường rất ngắn ngủi. Lần chỉ số giữ được mức trên 1.200 lâu nhất là giai đoạn từ tháng 4/2021 đến giữa tháng 5/2022. Còn lại đa phần tính theo tuần.

Ngược lại, VN-Index lại thường nằm khá lâu dưới mốc 1.200 điểm. Khoảng thời gian thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Lâu nhất chính là giai đoạn kể từ lần đầu chính thức vượt 1.200 vào đầu tháng 4/2018 đến đầu tháng 4/2021, tức là mất 3 năm, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mới lại thấy mốc điểm này.

Điểm số của VN-Index là "nỗi buồn" của nhà đầu tư khi vẫn “ám ảnh” bởi mốc 1.200 điểm.

Trở lại hiện tại, việc VN-Index giảm mạnh tới mức "phá vỡ" ngưỡng 1.200 điểm khiến giới đầu tư không khỏi “sốc”, bởi lẽ kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn, và nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng vượt bậc.

Đây là một kết quả đáng thất vọng khi trước đó rất nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi VN-Index vượt 1.300 điểm, thậm chí có những dự báo còn táo bạo hơn. Nhiều công ty chứng khoán cho rằng chỉ số có thể đạt đến vùng 1.400-1.500 điểm vào cuối năm. Lạc quan hơn, quỹ ngoại Pyn Elite Fund còn dự báo con số có thể lên đến 1.700 điểm.

Nhìn chung, thực tế những năm qua, mốc 1.200 điểm luôn là nỗi “ám ảnh” với nhà đầu tư khi VN-Index vẫn đảo qua đảo lại mốc này. Trong khi đó, sau 24 năm, TTCK đã mang một diện mạo mới, một sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh như cung - cầu chứng khoán, tổ chức hoạt động, vốn hoá, thanh khoản thị trường…

Từ 2 cổ phiếu niêm yết đầu tiên vào năm 2000, đến nay, thị trường có hơn 700 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên HoSE và HNX, cùng hơn 800 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM lên đến 6,9 triệu tỷ đồng (khoảng 270 tỷ USD), tương đương 67% GDP năm 2023. Trong đó, có đến hàng chục doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD…

Nếu so về quy mô giao dịch, giá trị giao dịch, số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn, trong nhiều năm qua đã có những sự bứt phá, nhưng riêng điểm số của VN-Index lại là "nỗi buồn" của nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, với độ lớn đạt được, chứng khoán Việt Nam "giống như người mặc chiếc áo đã chật".

Vì đâu nên nỗi?

Một trong những điểm yếu của TTCK Việt Nam chính là nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ quá lớn, trong khi nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ thấp, khiến thị trường dễ bất ổn, tăng mạnh - giảm sâu, thiếu tính ổn định như các thị trường khác, bởi lẽ nhà đầu tư cá nhân có xu hướng đầu cơ hơn là đầu tư.

Bên cạnh đó, động lực quan trọng thúc đẩy TTCK tăng trưởng bền vững là chất lượng hàng hoá lại gần như “dậm chân tại chỗ”. Việc thiếu vắng "hàng" mới trên sàn, thậm chí không có quá nhiều lựa chọn chất lượng khiến dòng tiền dài hạn chưa mặn mà với thị trường.

Mặt khác, hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn diễn ra ảm đạm và danh sách chờ cũng không có nhiều cái tên thực sự "bom tấn". Đội "dự bị" niêm yết hùng hậu nhất lại là những "gã khổng lồ" đang giao dịch trên UPCoM như ACV, VGI, BSR, MVN,... Dù vậy, nhóm này lại có ít nhiều vướng mắc trong khâu chuyển sàn mà không dễ giải quyết trong "một sớm, một chiều".

Cơ cấu TTCK Việt Nam đang có sự thay đổi nhất định theo hướng đa dạng hơn về mặt ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, "bộ khung" - tài chính và bất động sản, nhìn chung vẫn áp đảo và thực trạng này sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Hai nhóm ngành này được đánh giá vẫn còn những nút thắt chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn liên quan đến thị trường bất động sản.

Trong khi đó, các nhóm ngành "hot" như công nghệ, viễn thông, bán lẻ, y tế, năng lượng,… vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn.

Sự mất cân bằng này khiến TTCK thiếu động lực đi lên dài hạn. Đồng thời, đây cũng là một trong những rào cản lớn đối với dòng vốn dài hạn đổ vào TTCK Việt Nam ngay cả khi được chính thức nâng hạng. Về mặt lý thuyết, TTCK Việt Nam có thể đón dòng vốn ngoại lên đến hàng chục tỷ USD nếu được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ tiêu chí để lọt danh mục của các quỹ ngoại quy mô lớn chuyên đầu tư vào nhóm thị trường mới nổi là không nhiều. Ngược lại, các quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cận biên khi đó sẽ bán ra lượng lớn cổ phiếu Việt Nam, tạo ra áp lực không hề nhỏ.

Thiếu các yếu tố hấp dẫn dòng vốn dài hạn, TTCK Việt Nam những năm qua gần như chỉ phù hợp với trường phái đầu cơ theo xu hướng chính sách tiền tệ. Hàng hoá chất lượng để đầu tư vốn đã ít lại không được bổ sung thêm khiến lựa chọn ngày càng hạn chế. Điều này là nguyên nhân lý giải tại sao dòng vốn ngoại vẫn mãi trồi sụt trên sàn chứng khoán.

"Nhìn chung, sản phẩm trên TTCK Việt Nam tốt nhưng chưa nhiều. Chất lượng hàng hoá chưa tương xứng với sự phát triển và tiềm năng kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết cần cải thiện nội lực, nếu nội lực chưa tương xứng thì VN-Index rất khó lên 1.500 hay 1.800 điểm theo kỳ vọng", PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM chỉ rõ.

Hải Giang-Link gốc