Mirae Asset vừa đưa ra danh mục khuyến nghị trong tháng 9 trong đó tiếp tục có 4 cổ phiếu ngân hàng được đánh giá tiềm năng tăng trưởng tốt, nhóm còn lại gồm bất động sản, vật liệu xây dựng, viễn thông...
Ảnh minh họa.
Mirae Asset vừa đưa ra danh mục khuyến nghị trong tháng 9 trong đó tiếp tục có 4 cổ phiếu ngân hàng được đánh giá tiềm năng tăng trưởng tốt, nhóm còn lại gồm bất động sản, vật liệu xây dựng, viễn thông trong đó một cổ phiếu bất động sản tiềm năng tăng giá cao nhất lên tới 25%.
CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN NHIỀU NGÂN HÀNG VẪN ỔN ĐỊNH
Với VCB: Mirae Asset đánh giá chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn tương đối ổn định trong quý 2. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ 2 điểm cơ bản so với Q1, xuống còn 1,2% trong khi tỷ lệ nợ xấu gộp giảm nhiều hơn 22 điểm cơ bản xuống mức 1,56%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ghi nhận cải thiện nhẹ tăng 12,3 điểm phần trăm so với quý 1 lên mức 212,1%. Mặc dù đa phần các chỉ số chất lượng tài sản có sự suy giảm tương đối trong 6T2024, so với mặt bằng chung, các chỉ số này vẫn tỏ ra vượt trội với triển vọng ổn định.
Mặc dù đã điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng của VCB cho năm 2024, triển vọng của VCB vẫn tương đối lạc quan. Với triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024, các hoạt động thương mại quốc tế dự kiến sẽ phục hồi dần, hỗ trợ thu nhập ngoài lãi của VCB gia tăng tốt hơn.
Với TCB: Các chỉ số về chất lượng tài sản lại giảm nhẹ trong kỳ với tỷ lệ nợ xấu tăng 10 điểm cơ bản theo quý lên 1,23% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 5 điểm phần trăm xuống 101,1%. Một điểm tích cực là tỷ lệ nợ nhóm 2 đã giảm từ 1,1% cuối quý 1 xuống 0,8% hết Q2/2024, giảm phần nào áp lực nợ xấu gia tăng trong kỳ tới.
Tuy cơ cấu tín dụng của TCB vẫn tiềm ẩn rủi ro tập trung, ngân hàng cũng đang cố gắng giảm thiểu mức độ tập trung. Tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm trong Q2/2024 xuống còn 6,5% trong khi dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản giảm 1,5 điểm phần trăm theo quý xuống 64,5%. Ngoài ra, cơ cấu các khoản cho vay kinh doanh bất động sản cũng giảm 70 điểm phần trăm theo quý xuống 34%.
Bên cạnh đó, các chỉ số thanh khoản vẫn đang được duy trì ở mức cao cho thấy khả năng chống chịu mạnh mẽ của ngân hàng trong điều kiện kém khả quan.
Với VPB: Chất lượng tài sản nội bảng tuy có sự suy giảm theo quý nhưng nhìn tổng thể có phần cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5,08%, tăng 24 điểm cơ bản so với quý 1 nhưng giảm 144 điểm cơ bản so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu chốt quý tại 48,1%, giảm 5,4% so với quý 1 nhưng cải thiện 5,1% điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu mở rộng giảm 23 điểm cơ bản so với quý 1 và 181 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống còn 12,9%.
Điểm tích cực được ghi nhận trong quý 2 của VPB có thể kể đến như tỷ trọng trái phiếu dưới chuẩn giảm mạnh xuống 17,8% từ 27,4% Q1/2024 (giảm 53.8% giá trị), hơn nữa, VPB cũng hoàn tất xử lý TPĐB VAMC.
Với MBB: Nợ xấu giảm tích cực, tại Q2/2024, tỷ lệ nợ xấu tập đoàn đạt mức 1,64% riêng ngân hàng mẹ đạt 1,43%. Chi phí tín dụng đạt 1,2%, tỷ lệ dự phòng nợ xấu đạt 102%. CAR đạt 11.1%.
Tại hội nghị ngày 5/8, Chủ tịch HĐQT MBB, ông Lưu Trung Thái, cho biết dư nợ của Trung Nam Group đã giảm 2.000 tỷ đồng trong năm nay, các dự án điện mặt trời do MBB tài trợ đều vận hành tốt, không bị xếp vào nhóm nợ xấu. Dư nợ của Nova Group cũng đã giảm 1.500 tỷ đồng kể từ 2023. MB cho vay tại 3 dự án của Nova Group, bao gồm Novaland Phan Thiết, Aqua City Đồng Nai, và Nova Hồ Tràm ở Vũng Tàu. Các dự án này đang trong giai đoạn mở bán và được theo dõi sát sao bởi MB.
Danh sách khuyến nghị tháng 9 của Mirae Asset.
MỘT CỔ PHIẾU BẤT ĐỘNG SẢN ĐƯỢC KHUYẾN NGHỊ TĂNG GIÁ 25%
Ở nhóm phi tài chính, với GAS, Mirae Asset điều chỉnh doanh thu năm 2024 tăng 7,4% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 2,7% so với dự phóng trước đó dựa trên giả định Sản lượng bán LPG tăng thêm 16% nhờ hoạt động kinh doanh quốc tế tiến triển tích cực; Điều chỉnh giảm sản lượng khí khô tiêu thụ xuống còn 6,4 tỷ m3 từ mức 7 tỷ m3 giữa bối cảnh sản lượng khí về bờ trong 7T2024 tiếp tục suy giảm 17% so với cùng kỳ cũng như tình trạng EVN giảm huy động điện khí; Gia tăng sự đóng góp LNG lên 0.34 tỷ m3 từ 0.14 tỷ m3 trong dự báo trước đó.
Với bất động sản, VHM là cổ phiếu được khuyến nghị tiềm năng tăng giá cao nhất lên tới 25%. Vào ngày 7/08/2024, VHM đã công bố kế hoạch mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% vốn điều lệ/lượng cổ phiếu đang lưu hành. Công ty nhấn mạnh rằng động thái này nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp. Dự kiến, quá trình mua lại cổ phiếu quỹ sẽ bắt đầu vào giữa T9/2024.
Dựa trên khoảng giao dịch của cổ phiếu trong 30 ngày qua, ước tính VHM sẽ cần chi từ 12,7 đến 14,8 nghìn tỷ đồng cho đợt mua lại này. Tại báo cáo giữa năm 2024, VHM hiện đang nắm giữ 17,2 nghìn tỷ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn.
Trong cuộc trao đổi gần đây với khối Quan hệ Nhà đầu tư (IR), công ty khẳng định rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán sỉ tại dự án Vũ Yên trong năm và các giao dịch bán lô lớn dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm 2024 (giá trị ước tính 40 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, VHM dự kiến sẽ có thêm nguồn thu từ việc mở bán mới dự án Cổ Loa trong nửa cuối năm.
Với KDH: Dự phóng doanh thu hợp nhất đạt 3.822 tỷ đồng tăng 83% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.322 tỷ đồng tăng 82,7% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu và thu nhập (90%–95%) sẽ đến từ việc bàn giao Privia. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã bán hết 100% lượng pre-sales của Privia. Kỳ vọng KDH sẽ bàn giao ít nhất 90% tổng số căn hộ của Privia trong Q4/2024.
Mirae Asset cũng dự đoán IDC sẽ ghi nhận được sự đột biến trong năm 2024 với kết quả mảng Khu công nghiệp đạt mức cao nhờ việc bàn giao lượng hợp đồng đã ký vào năm ngoái tổng cộng hơn 170ha (trong đó chỉ có 76ha được ghi nhận trong năm tài chính 2023).
Với HPG, bước vào nửa cuối năm 2024, Mirae Asset đã điều chỉnh hạ triển vọng đối với HPG do doanh nghiệp đang đối mặt với một số thách thức tăng trưởng trong bối cảnh kinh doanh hiện tại.
Yếu tố về giá không còn là động lực cho tăng trưởng. Tỷ lệ tồn kho cao tại các đại lý, nhu cầu yếu trong mùa mưa, và sự gia tăng cạnh tranh từ xuất khẩu tiếp tục gây áp lực lên giá bán. Trong ngắn hạn, các yếu tố này khó có khả năng cải thiện, khiến các doanh nghiệp thép nội địa gặp khó khăn trong việc duy trì chính sách giá.
Với CTR, dự phóng mảng xây dựng dự phóng tăng trưởng khoảng 25% trong giai đoạn 2024–2028 được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư hạ tầng 5G. Doanh thu từ mảng vận hành khai thác dự kiến tăng khoảng 17% mỗi năm nhờ vào hợp đồng hiện tại và ký kết hợp đồng mới liên quan đến vận hành khai thác hệ thống trạm BTS ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Mức tăng trưởng của mảng giải pháp IT ước đạt 4.0% hàng năm trong giai đoạn 2024–2028.
Tuệ Lâm-Link gốc