Theo các chiến lược gia về chứng khoán, giá cổ phiếu của Nhật Bản có thể sẽ đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2025 nhờ cải cách quản trị doanh nghiệp và thu nhập mạnh mẽ.
Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo một cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg thực hiện, chứng khoán Nhật Bản đã có một năm đầy biến động khi Nikkei 225 và Topix vượt qua các “đỉnh cao” đã tồn tại hơn ba thập kỷ. Trong năm 2025, các chỉ số này dự kiến sẽ tăng trung bình lần lượt là 7,8% và 8,6% so với mức đóng cửa của năm ngoái.
Bất chấp áp lực từ khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất và sự bất ổn từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ khả quan hơn khi Nhật Bản chuyển đổi từ nền kinh tế giảm phát sang nền kinh tế tăng trưởng.
Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư Invesco Asset Management Japan, ông Tomo Kinoshita cho biết: “Năm 2025 sẽ là năm mà sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu Nhật Bản lên cao. Cổ phiếu Nhật Bản có thể vượt trội hơn cổ phiếu ở các khu vực châu Á khác nhờ nhu cầu trong nước lên cao”.
Những thay đổi quan trọng như việc tháo gỡ các giao dịch sở hữu chéo giữa các công ty Nhật Bản và xu hướng bảo vệ lợi ích của cổ đông sẽ tạo động lực cho thị trường chứng khoán Nhật Bản đi lên. Tuy nhiên, đồng yen có thể vẫn chịu áp lực từ khoảng cách lãi suất lớn giữa Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác, qua đó thúc đẩy cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng giá.
Biến động thị trường cũng có nguy cơ gia tăng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào mùa Hè, sau khi liên minh cầm quyền mất đa số ghế lần đầu tiên kể từ năm 2009 trong cuộc bầu cử ở Hạ viện vào tháng 10/2024.
Dưới đây là một số vấn đề chính mà các nhà phân tích cổ phiếu tập trung vào Nhật Bản trong năm 2025.
*Quản trị doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích cổ đông
Hoạt động của các nhà đầu tư đang gia tăng với trọng tâm là cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và nâng cao lợi nhuận cho cổ đông. Nhiều khả năng điều này sẽ thúc đẩy hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A).
Chiến lược gia Rieko Otsuka tại MCP Asset Management Japan cho biết, động thái của các nhà đầu tư có thể là “một trong những yếu tố giúp củng cố đà tăng trưởng của cổ phiếu Nhật Bản”. Cổ đông đang ngày càng nhận thức rõ hơn về nhu cầu sử dụng vốn hiệu quả và cải thiện hiệu suất của các công ty vốn đang hoạt động kém hiệu quả.
Hiệp hội Bảo hiểm Tổng hợp Nhật Bản (GIAJ) năm ngoái đã thúc giục các công ty thành viên cắt giảm sở hữu chéo và không mua cổ phần mới. Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã đẩy mạnh việc thanh lý các cổ phần như vậy, làm dấy lên hy vọng về lợi nhuận cổ đông được cải thiện thông qua việc mua lại cổ phiếu và trả cổ tức. Những diễn biến này giúp lĩnh vực nêu trên có hoạt động hiệu quả nhất năm 2024 trong chỉ số Topix với lợi nhuận 60,3% - vượt trội hơn hẳn so với mức 17,7% của chỉ số tổng hợp.
* Chính sách lãi suất của BoJ
Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
BoJ vẫn là trường hợp ngoại lệ trong thế giới mà hầu hết các ngân hàng trung ương đều đang nới lỏng chính sách tiền tệ. Các nhà kinh tế dự báo BoJ sẽ có ít nhất một lần tăng lãi suất vào năm 2025.
Các công ty tài chính có thể tiếp tục duy trì hiệu suất vượt trội của năm nay, khi lãi suất cao hơn thúc đẩy thu nhập từ hoạt động cho vay và lợi nhuận từ việc bán chéo cổ phần.
Nhưng khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản với Mỹ có thể vẫn còn lớn, khi các nhà giao dịch đã giảm đặt cược vào khả năng đồng yen tăng giá vì BoJ có thể kéo dài thời gian cho lần tăng lãi suất tiếp theo. Trái phiếu Chính phủ Nhật Bản cũng được dự đoán sẽ chịu áp lực từ khả năng BoJ triển khai chính sách thắt chặt định lượng.
* Những rủi ro từ nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donal Trump
Bảng điện tử niêm yết các chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính sách thương mại của Mỹ sẽ là lực cản lớn đối với các công ty Nhật Bản khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo phân tích từ ngân hàng Morgan Stanley, triển vọng của ngành bán dẫn và ô tô vẫn chưa chắc chắn do các chính sách của ông Trump. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản có thể cho thấy khả năng phục hồi khi hơn một nửa doanh thu tại Bắc Mỹ của họ đến từ hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ.
Giám đốc chiến lược toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Nikko Asset Management, bà Naomi Fink đánh giá giữa lúc yếu tố chi phối thị trường chủ yếu là những đồn đoán, giới đầu tư đã tỏ ra tương đối bi quan về tác động từ thuế quan. Đối với Nhật Bản, bà cho rằng một lượng tiền mặt đáng kể đang đang nằm ngoài thị trường - trong tay các công ty và hộ gia đình. Do đó, những đợt giảm giá tạm thời có thể sẽ là cơ hội tốt để mua vào chứng khoán.
Link gốc