Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong năm 2024. Tổng tài sản của nhóm Big 4 ngân hàng đều đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng. BIDV là nhà băng có tổng tài sản đứng đầu hệ thống.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250210/images/ngan-hang-2-2210.jpg)
Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của 27 ngân hàng trên thị trường chứng khoán và Agribank, tổng tài sản của các nhà băng này tính đến cuối năm 2024 đạt gần 19,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 16% so cuối năm 2023.
Trong đó, tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của 4 ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối là BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank tiếp tục đứng đầu hệ thống và đều đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng và tiếp tục bỏ xa các ngân hàng tư nhân. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có 4 ngân hàng sở hữu tổng tài sản trên 2 triệu tỷ đồng.
Tổng tài sản của 4 ngân hàng này đến cuối năm 2024 ở mức hơn 9,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 43% tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng.
Đứng đầu hệ thống ngân hàng về quy mô tổng tài sản là BIDV với gần 2,761 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2023.
Không chỉ tổng tài sản mà dư nợ tín dụng, huy động vốn của BIDV đều đạt trên mốc 2 triệu tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng Việt duy nhất hiện nay làm được điều này.
Đứng sau BIDV về tổng tài sản lần lượt là VietinBank (2,385 triệu tỷ đồng) và Agribank (2,2 triệu tỷ đồng). Hai nhà băng này đã đạt mốc tài sản trên 2 triệu tỷ đồng từ năm 2023 và tiếp tục duy trì trong năm 2024.
Còn Vietcombank lần đầu tiên đạt được mốc tài sản 2 triệu tỷ đồng trong năm 2024 khi đạt hơn 2,085 triệu tỷ đồng, tăng 13,4%.
Ở nhóm nhà băng tư nhân, MB là ngân hàng duy nhất đạt quy mô tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản hợp nhất của MB ở mức 1,129 triệu tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2023.
Theo sau là Techcombank với tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 đạt 978,8 nghìn tỷ đồng, tăng 129.300 tỷ đồng (tương đương 15,2%) so với hồi đầu năm.
Tính riêng trong quý IV/2024, tổng tài sản của Techcombank tăng thêm gần 52.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tài sản như trên, nhiều khả năng Techcombank sẽ đạt quy mô tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng ngay trong quý I/2025.
Tiếp theo là VPBank với tổng tài sản hiện ở mức 923,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2023.
Ngoài những cái tên trên, Top 10 ngân hàng sở hữu tổng tài sản lớn nhất còn có sự góp mặt của ACB (864.006 tỷ đồng, tăng 20%), Sacombank (748.095 tỷ đồng, tăng 10,9%) và SHB (747.244 tỷ đồng, tăng 18,5%).
Nhiều ngân hàng khác cũng đang "chạy đua" tăng trưởng về quy mô vốn hóa như HDBank (697.281 tỷ đồng, tăng 15,8%), LPBank (508.330 tỷ đồng, tăng 32,8%), VIB (493.158 tỷ đồng, tăng 20,3%), SeABank (325.699 tỷ đồng, tăng 22,4%), MSB (320.177 tỷ đồng, tăng 20%)…
Còn ba ngân hàng có quy mô tổng tài sản nhỏ nhất là Kienlongbank (92.176 tỷ đồng), PGBank (73.211 tỷ đồng) và Saigonbank (33.260 tỷ đồng).
Nhìn chung, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong năm 2024 chủ yếu nhờ sự mở rộng của danh mục tín dụng (toàn hệ thống tăng trưởng 15,08%). Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận sự gia tăng của danh mục chứng khoán đầu tư và cho vay các tổ chức tín dụng khác. Nhờ vậy, nhiều nhà băng có sự tăng trưởng tổng tài sản trong năm qua đạt mức 2 con số.
Để mở rộng của quy mô tổng tài sản trong năm 2024, các ngân hàng đã đẩy mạnh thu hút tiền gửi khách hàng thông qua nâng lãi suất huy động và tăng cường phát hành giấy tờ có giá như trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi.
Giới phân tích nhận định, việc các ngân hàng thương mại, đặc biệt là khu vực ngân hàng thương mại quốc doanh, tăng mạnh về tổng tài sản sẽ giúp các ngân hàng phát huy vai trò trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, theo đúng định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250210/images/ngan-hang-3-2210.jpg)
Xu hướng chất lượng tài sản ngân hàng năm 2025
Theo các chuyên gia, năm 2025, ngành ngân hàng Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục và ổn định sau những biến động của năm 2024. Điều kiện kinh doanh mạnh mẽ sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng trong năm 2025.
Báo cáo của Công ty Cổ phần Dịch vụ Nhà đầu tư và Xếp hạng tín nhiệm Việt Nam (VIS Rating) cho hay, năng lực tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện nhẹ, dẫn đầu bởi các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng thương mại lớn. Môi trường kinh doanh dần được củng cố nhờ vào việc thúc đẩy đầu tư công, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và các chính sách pháp lý hỗ trợ từ Chính phủ.
Một điểm sáng trong triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 là sự cải thiện về chất lượng tài sản.
Theo VIS Rating, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm nhờ vào việc kiểm soát tốt hơn danh mục cho vay và khả năng xử lý nợ hiệu quả hơn từ các ngân hàng lớn.
Dữ liệu từ VIS Rating cho biết, tỷ lệ hình thành nợ có vấn đề sẽ giảm xuống mức 2,2% vào năm 2025, từ mức 2,3% trong năm 2024, nhờ vào khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện khi thu nhập kinh doanh và thị trường lao động ổn định hơn. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 15-16%, hỗ trợ bởi nhu cầu vay dài hạn trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản.
Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2025 được dự báo sẽ cải thiện nhẹ, với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) tăng từ 1,55% lên 1,60%. Sự tăng trưởng này đến từ: Biên lãi ròng (NIM) mở rộng, giúp ngân hàng cải thiện thu nhập từ hoạt động cho vay. NIM sẽ tăng từ 5-10 điểm cơ bản, lên 3,5% trong năm 2025, nhờ vào chi phí vốn được kiểm soát tốt hơn.
Doanh thu ngoài lãi tăng nhẹ, nhờ vào kinh doanh trái phiếu, thu hồi nợ và bán bảo hiểm. Tổng doanh thu từ các nguồn này có thể tăng 5-7% so với năm trước.
VIS Rating nhận định, nguồn vốn và thanh khoản của ngành ngân hàng dự kiến vẫn ổn định nhờ vào việc đẩy mạnh huy động vốn dài hạn. Nhưng một số ngân hàng quy mô nhỏ vẫn có thể đối mặt với áp lực thanh khoản cao hơn do phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn. Việc các ngân hàng lớn có nền tảng số mạnh mẽ sẽ giúp họ thu hút được dòng tiền gửi chi phí thấp, từ đó có lợi thế hơn trong việc duy trì thanh khoản ổn định.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam năm 2025 có nhiều yếu tố tích cực nhờ vào nền kinh tế phục hồi, chính sách hỗ trợ và chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả từ các ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, đặc biệt là rủi ro từ bất động sản và áp lực thanh khoản ở một số ngân hàng quy mô nhỏ.
Một số ngân hàng nhỏ và vừa có tỷ lệ khoản vay cao dành cho các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn. Điều này có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản của họ, trong khi các ngân hàng lớn lại có lợi thế hơn khi tập trung vào cho vay doanh nghiệp sản xuất và thương mại.
Vì vậy để duy trì tăng trưởng ổn định, các ngân hàng cần tập trung vào quản lý rủi ro, mở rộng danh mục đầu tư an toàn và tối ưu hóa chi phí huy động vốn. Nhà đầu tư và các tổ chức tài chính cần theo dõi chặt chẽ những biến động trong môi trường kinh doanh, cũng như các chính sách của Ngân hàng Nhà nước để có chiến lược thích ứng phù hợp trong giai đoạn tới.
Minh Anh-Link gốc