Trong bối cảnh kinh tế phục hồi và cạnh tranh tín dụng gay gắt, các chuyên gia dự báo lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức hấp dẫn trong năm nay. Tuy nhiên, áp lực từ lãi suất huy động có thể tác động khiến lãi suất cho vay tăng nhẹ cuối năm nay.
Lãi suất tiết kiệm đã tăng trung bình 0,71% trong năm 2024, và tiếp tục có sự điều chỉnh tăng nhẹ ngay đầu năm 2025. Câu hỏi đặt ra là mức tăng này có đủ để tác động đến lãi suất cho vay trong năm 2025?
Ngân hàng đảm bảo nguồn vốn bằng chính sách lãi suất hợp lý
Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Nếu tăng trưởng GDP kỳ vọng đạt 10%, tín dụng cần tăng đến 18-20%, đồng nghĩa với dòng vốn từ ngân hàng "bơm thêm" vào nền kinh tế có thể lên tới 3,1 triệu tỷ đồng.
Để đủ nguồn lực phục vụ nền kinh tế, các ngân hàng thu hút vốn bằng chính sách lãi suất hợp lý, như phát hành trái phiếu, vay vốn từ các tổ chức quốc tế, huy động tiền gửi từ dân cư.
Theo các báo cáo từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặc dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở hầu hết các ngân hàng vẫn duy trì dưới 6%/năm, song mức tăng nhẹ của lãi suất huy động trong nửa cuối năm đã có tác động lan tỏa đến lãi suất cho vay.
Thực tế, theo NHNN, năm ngoái, lãi suất huy động tăng 0,71%, nhưng lãi suất cho vay giảm 0,59% so với đầu năm.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250210/images/-1555-1738922678_1200x0.jpg)
Các chuyên gia dự báo lãi suất cho vay tăng khoảng 0,5-0,7% trong năm nay so với mức giảm gần 1% của năm trước.
Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm tăng trung bình khoảng 0,5% so với giữa năm, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn Covid-19.
Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân năm ngoái đã giảm 0,96% so với cuối năm 2023.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân có mức lãi suất cho vay trên báo cáo tài chính giảm mạnh hơn so với nhóm quốc doanh. Đặc biệt, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ chịu áp lực hạ lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng và các khoản thoái lãi có xu hướng gia tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ của ngân hàng là đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế thông qua việc huy động vốn với lãi suất hợp lý để thu hút tiền gửi từ dân cư.
Dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng nhẹ
Các chuyên gia dự báo với xu hướng lãi suất huy động liên tục tăng như hiện nay sẽ có độ trễ để phản ánh vào lãi suất cho vay trong năm nay.
Nhận xét về lãi suất đầu ra, các chuyên gia cũng cho rằng mục tiêu của Chính phủ và NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay để duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, nhưng vấn đề này rất khó đối với các ngân hàng.
Trong báo cáo mới nhất của VCBS và Chứng khoán MB (MBS), các chuyên gia dự báo lãi suất cho vay tăng khoảng 0,5-0,7% trong năm nay so với mức giảm gần 1% của năm trước, nhằm bù đắp áp lực từ việc huy động vốn, trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Dự báo năm 2025, lãnh đạo của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) mới đây nhận định lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang hoặc tăng nhẹ, trong bối cảnh sức mạnh đồng USD chưa giảm, qua đó tạo áp lực lên tỷ giá. Do đó, lãi suất cho vay sẽ khó giảm, nhưng nằm trong xu hướng đi ngang, trước áp lực cạnh tranh để đẩy mạnh tín dụng. Vì vậy, biên lợi nhuận của ngân hàng vẫn chịu áp lực và nhiều khả năng đi ngang.
Phó tổng giám đốc Techcombank, ông Phùng Quang Hưng có cùng quan điểm khi cho rằng USD sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2025 trước bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn mạnh so với các nền kinh tế khác, nhu cầu hạ lãi suất của nước này cũng chậm hơn so với các dự báo cách đây nửa năm. Ông Hưng dự báo tỷ giá tăng khoảng 2,5-3% năm nay. Trên cơ sở này, mặt bằng lãi suất sẽ tăng nhẹ 0,2-0,25%.
Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2025 cho thấy, các đơn vị có thể điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động và cho vay từ 0,2 - 0,3 điểm phần trăm.
Các chuyên gia ngành ngân hàng nhận định, động thái điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay là phản ứng tự nhiên của thị trường tài chính khi đối mặt với nhiều áp lực nội tại và ngoại sinh đến từ lãi suất huy động và tỷ giá đồng USD. Đồng thời, năm nay, các ngân hàng cạnh tranh tín dụng ngày càng gay gắt, các nhà băng phải đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Với nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, có xu hướng áp dụng mức lãi suất cao hơn để thu hút nguồn vốn gửi tiết kiệm. Sự điều chỉnh này được coi là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn vốn kinh doanh cho cả năm, đặc biệt khi nợ xấu ngành ngân hàng vẫn ở mức đáng lo ngại.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN cùng chỉ đạo của Chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của người dân.
Đối với người vay vốn, các chuyên gia khuyến nghị nên cân nhắc lựa chọn các ngân hàng có chính sách ưu đãi hoặc chương trình khuyến mại về lãi suất, đặc biệt là các gói vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tối ưu chi phí tài chính trong năm 2025.
Huyền Anh
Link gốc