Khoản vay ngân hàng không được xác định là quan hệ liên kết nếu: Ngân hàng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn/đầu tư vào doanh nghiệp đi vay. Đồng thời, doanh nghiệp và ngân hàng không trực tiếp hoặc gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn/đầu tư của một bên khác.
Theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, các giao dịch bảo lãnh, vay vốn sẽ được cho là có quan hệ liên kết trong trường hợp: Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào, với điều kiện tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Tuy nhiên, từ ngày 27/3/2025, Nghị định 20/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực quy định khoản vay ngân hàng không được xác định là quan hệ liên kết nếu: Ngân hàng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn/đầu tư vào doanh nghiệp đi vay. Đồng thời, doanh nghiệp và ngân hàng không trực tiếp hoặc gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn/đầu tư của một bên khác.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250214/images/-5684-1739521018_1200x0.jpg)
Việc loại trừ các giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp ra khỏi phạm vi “giao dịch liên kết” sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.
Điều này đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Bởi theo Nghị định 132, chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá mức 30% EBITDA của doanh nghiệp (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao). Phần chi vượt quá tỷ lệ trên là chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nông sản cho rằng hoạt động vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (hoạt động cấp tín dụng) của ngân hàng.
Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, loại trừ các giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp ra khỏi phạm vi “giao dịch liên kết” trong trường hợp hai bên không có mối quan hệ điều hành, kiểm soát hoặc góp vốn sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển. Việc loại trừ quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí, có thêm dòng tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
“Trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất cho vay vẫn cao khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh. Song song với mức tiêu thụ giảm xuống vì kinh tế trong ngoài nước khó khăn thì tỷ lệ chi phí lãi vay của các công ty sẽ tăng mạnh và vượt mức trần 30% trên tổng lợi nhuận thuần sẽ trở nên phổ biến. Chính vì vậy, quy định mới của Nghị định 20 sẽ hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp”, một chuyên gia nhận xét.
Thanh Hoa-Link gốc