• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.276,08 +5,73/+0,45%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.276,08   +5,73/+0,45%  |   HNX-INDEX   231,22   +1,70/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   98,35   +0,61/+0,63%  |   VN30   1.340,52   +2,74/+0,20%  |   HNX30   479,18   +7,29/+1,55%
15 Tháng Hai 2025 8:44:39 CH - Mở cửa
Thu ngân sách 2025: Tăng quản lý và chống thất thu thuế
Nguồn tin: Vietnam+ | 15/02/2025 10:49:19 SA

Năm 2025, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Hoạt động tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Các giải pháp này không chỉ tập trung vào việc tăng thu ngân sách mà còn hướng đến việc kiểm soát chi tiêu, thực hiện các cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công.
Theo đó, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 là 1.966.839 tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16% GDP; trong đó từ thuế, phí khoảng 12,8% GDP.
Bộ Tài chính cho rằng, mức dự toán nêu trên là mức tích cực, cao hơn năm trước, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn đan xen rủi ro, thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành phải quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ngay từ những tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua Bộ Tài chính đang thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống thuế, từ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đến việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu thuế. Việc triển khai hệ thống thuế điện tử và các phần mềm quản lý thuế đã giúp tăng cường hiệu quả thu ngân sách, giảm thiểu gian lận và thất thu thuế.
Ngoài thu từ xuất nhập khẩu, các nguồn thu trong nước như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đang có xu hướng gia tăng nhờ vào sự phục hồi của các ngành nghề trong nước, nhất là trong các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, và dịch vụ. Đặc biệt, cải cách trong thu thuế và việc triển khai các biện pháp chống thất thu sẽ giúp đảm bảo nguồn thu từ khu vực này.
Tuy nhiên, dù thực hiện nhiều chính sách cải cách về thuế song vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định thuế, hay còn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Một số ngành như du lịch, dịch vụ, sản xuất vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn, dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, một trong những khó khăn của việc thu ngân sách là vẫn còn hiện tượng trốn thuế, gian lận thuế…
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc thực hiện thu ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều thuận lợi nếu Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Việc cải cách hành chính thuế, ứng dụng công nghệ, chống thất thu thuế, và phát triển các nguồn thu từ thị trường tài chính là những yếu tố quan trọng sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước trong năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục quyết liệt trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Theo đó, làm tốt quản lý thu ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, mở rộng cơ sở thuế, khai thác, đảm bảo thu đúng đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử.
“Cùng với đó, quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, phấn đấu hoàn thành thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ để có thêm nguồn chi cải cách tiền lương, tăng chi đầu tư phát triển và các khoản chi khác”, Bộ trưởng nói.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, “khoan sức dân” bằng chính sách giãn thuế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất chính sách đã ban hành như: giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các chính sách gia hạn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền có ý nghĩa rất tích cực, hiệu quả ngay. Việc gia hạn thuế, phí rất lớn, trung bình hàng năm lên tới khoảng 100 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp thêm dòng vốn quay vòng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế thực hiện nhiều giải pháp để chống trốn thuế, tránh thuế làm thất thu ngân sách nhà nước. Ngành thuế đã thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu thuế, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước, kết nối máy khởi tạo tính tiền với cơ quan thuế, đồng bộ mã số thuế với số căn cước công dân…
Cùng với các chính sách tài khóa thông qua miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới, sáng tạo, áp dụng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đồng bộ chính sách pháp luật về tài chính… để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tiếp tục phát triển, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của đất nước.
Bộ Tài chính cũng cho biết, cùng với hỗ trợ về thuế để “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan thư sức dân” thì phải tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, giải phóng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, pháp lý… cho doanh nghiệp phát triển và là nền tảng vững bền cho phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2025 chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 so với năm 2024, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết; tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo nguồn lực cho quốc phòng an ninh, chi khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.

Link gốc