Trung Quốc đã có một số động thái quyết liệt để củng cố vị thế sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
Trước một nhiệm kỳ mới đầy bất định và khó lường của ông Donald Trump, Bắc Kinh đã có một số động thái đáng chú ý với thông điệp rõ ràng gửi tới Washington rằng quốc gia này sẽ không nhẫn nhịn và không dễ bị ảnh hưởng bởi những "đòn giáng" mà chính quyền ông Trump có thể áp dụng.
Xây dựng trung tâm chỉ huy quân sự lớn nhất thế giới
Theo Financial Times đưa tin hồi cuối tháng 1, Trung Quốc đang xây dựng một khu phức hợp quân sự, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 30km về phía tây nam từ giữa năm 2024.
Giới chuyên gia ước tính khu phức hợp này lớn gấp 10 lần Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một công trường xây dựng có diện tích hơn 6km2 với các hố đào sâu được cho là những hầm trú ẩn lớn và kiên cố.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250215/images/trung-tam-quan-su-tq-1636.jpg)
Khu phức hợp được cho là nơi xây dựng Trung tâm Chỉ huy quân sự của Trung Quốc. (Ảnh: Planet Labs)
Theo The Telegraph, việc xây dựng bắt đầu vào giữa năm 2024, đồng thời phù hợp với lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 2027 và các mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Cơ sở này hiện được kỳ vọng sẽ thay thế khu phức hợp Western Hills hiện có và cung cấp khả năng bảo vệ được tăng cường đáng kể trước các loại đạn dược 'phá boongke' và các cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Mỹ.
Các nhà phân tích tình báo được cho là đã đặt biệt danh cho dự án này là “Thành phố quân sự Bắc Kinh” vì nó sẽ trở thành trung tâm chỉ huy quân sự lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành.
Hạ thuỷ tàu đổ bộ tấn công Type 076
Ngày 27/12, Trung Quốc đã hạ thủy tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới Type 076 đầu tiên mang tên Tứ Xuyên tại Thượng Hải.
Tàu Type 076, có lượng giãn nước toàn tải hơn 40.000 tấn, được xem là tàu tấn công đổ bộ đầu tiên trên thế giới được trang bị máy phóng điện từ và công nghệ chặn hiện đại. Công nghệ này cho phép các loại máy bay chiến đấu có người lái, không người lái và trực thăng cất cánh, tương tự như trên tàu sân bay. Với khả năng này, Type 076 được mệnh danh là "tiểu hàng không mẫu hạm".
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250215/images/type076-2200.jpg)
Sau khi hạ thủy, tàu sẽ trải qua một loạt cuộc thử nghiệm theo kế hoạch, bao gồm kiểm tra thiết bị, thử nghiệm neo đậu và thử nghiệm trên biển.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.
Phê duyệt xây dựng đập thuỷ điện lớn nhất thế giới
Cuối tháng 12/2024, Trung Quốc đã phê duyệt việc xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới, khởi động một dự án đầy tham vọng ở rìa phía đông của cao nguyên Tây Tạng.
Theo ước tính của Tổng công ty xây dựng điện Trung Quốc, con đập sẽ được xây dựng ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo và có thể sản xuất 300 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm. Con số này tương đương với 300 TWh, đủ để phục vụ cho 300 triệu người ở Trung Quốc.
Con số này sẽ tăng gấp ba lần công suất thiết kế 88,2 tỷ kWh của Đập Tam Hiệp, hiện là đập lớn nhất thế giới, ở miền trung Trung Quốc.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250215/images/dap-thuy-dien-0022.jpg)
Chi phí xây dựng đập, bao gồm cả chi phí kỹ thuật, cũng dự kiến sẽ vượt qua đập Tam Hiệp, có chi phí là 254,2 tỷ NDT (34,7 tỷ USD). Chi phí này bao gồm cả việc tái định cư cho 1,4 triệu người dân bị di dời và cao hơn gấp bốn lần so với ước tính ban đầu là 57 tỷ NDT.
Theo Tân Hoa Xã, dự án sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đạt mức phát thải carbon tối đa và trung hòa carbon của Trung Quốc, kích thích các ngành công nghiệp liên quan như kỹ thuật và tạo ra việc làm ở Tây Tạng.
Ra mắt tàu cao tốc nhanh nhất thế giới
Ngày 29/12/2024, nguyên mẫu của tàu siêu tốc CR450, tàu cao tốc nhanh nhất thế giới với tốc độ thử nghiệm lên tới 450 km/h (km/h) và tốc độ vận hành là 400 km/h, đã được cho ra mắt tại Bắc Kinh.
Theo truyền thông Trung Quốc, tàu CR450 nhanh hơn đáng kể so với tàu cao tốc CR400 Fuxing hiện đang hoạt động, với tốc độ 350 km/h.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250215/images/cr450-0028.jpg)
Theo Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, CR450 sẽ giảm 22% sức cản vận hành tổng thể và giảm 10% trọng lượng so với thế hệ trước.
Các đoàn tàu có hệ thống kéo nam châm vĩnh cửu làm mát bằng nước và hơn 4.000 cảm biến "để theo dõi thời gian thực các hệ thống quan trọng, bao gồm thân toa xe, máy thu điện áp cao, hệ thống điều khiển tàu và phát hiện cháy".
Với sự ra mắt của nguyên mẫu tàu cao tốc CR450, Trung Quốc đã tạo nên tiền lệ toàn cầu khi thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn cho hoạt động thương mại của tàu cao tốc chạy ở tốc độ 400 km/h.
Đồng thời, sự phát triển của CR450 đại diện cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc khám phá những khía cạnh mới và chưa được khai thác của ngành công nghiệp tàu cao tốc.
ByteDance ra mắt AI Omnihuman
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance vào đầu tháng 2 đã công bố một mô hình AI tiên tiến để tạo video, giúp công ty vượt mặt các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ.
Theo một bài báo được các nhà nghiên cứu của công ty công nghệ này công bố, mô hình OmniHuman-1 của ByteDance có khả năng tạo ra các video chân thực về con người đang nói chuyện và di chuyển tự nhiên chỉ từ một hình ảnh tĩnh.
Sau khi đào tạo mô hình trên hơn 18.700 giờ video của con người, các nhà nghiên cứu ByteDance khoe rằng công nghệ này "chưa từng có" về "độ chính xác và cá nhân hóa", với người dùng có thể tạo ra "video con người cực kỳ chân thực" vượt trội hơn đáng kể so với các phương pháp hiện có.
Dựa trên một hình ảnh tĩnh duy nhất, người dùng có thể tạo nội dung không có dấu hiệu nhận biết của thế hệ nhân tạo -- chẳng hạn như các vấn đề mô tả chuyển động tay hoặc đồng bộ hóa môi -- và có khả năng trốn tránh các công cụ phát hiện AI.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù việc phát hành mô hình này đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, nhưng nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về những tác hại có thể phát sinh từ nó, bao gồm cả việc sử dụng deepfake để tạo ra những nội dung không phù hợp.
Sự xuất hiện của "hắc mã" DeepSeek
DeepSeek - công ty khởi nghiệp tới từ Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý trong giới AI toàn cầu sau khi viết trong một bài báo gần đây rằng việc đào tạo mô hình DeepSeek-V3 chỉ cần sức mạnh tính toán trị giá dưới 6 triệu USD từ chip Nvidia H800.
Theo các kỹ sư công nghệ Mỹ, 2 mô hình DeepSeek-V3 và DeepSeek-R1, tương đương với các mô hình tiên tiến nhất của OpenAI và Meta, có hiệu suất ngang bằng nhau. Về chi phí, theo DeepSeek, mô hình DeepSeek-R1 được phát hành vào tháng 1, rẻ hơn từ 20-50 lần so với mô hình OpenAI o1, tùy thuộc vào nhiệm vụ.
Điều này làm dấy lên nghi ngờ về lý do đằng sau quyết định đầu tư hàng tỷ USD vào AI của một số công ty công nghệ Mỹ, đồng thời đánh dấu bước ngoặt về mức đầu tư cần thiết cho AI. Sự xuất hiện của các mô hình AI giá trẻ đã "thổi bay" hàng nghìn tỷ USD vốn hoá thị trường của những gã khổng lồ công nghệ "sừng sỏ" trên Phố Wall.
Sự kiện này cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc vượt qua các công ty công nghệ Mỹ trong lĩnh vực AI, đặc biệt khi DeepSeek đã vượt qua ChatGPT để đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí trên App Store của Apple tại Mỹ.
Mở cuộc điều tra chống độc quyền với Google
Ngày 4/2, chỉ vài phút sau khi mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã có hiệu lực, phía Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp đáp trả, từ áp thuế tới kiểm soát xuất khẩu một số mặt hàng.
Đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành điều tra Google vì nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền.
Nhìn chung, Google có sự hiện diện nhỏ hơn ở Trung Quốc so với nhiều thị trường khác, với công cụ tìm kiếm bị chặn giống như nhiều nền tảng phương Tây khác. Google đã rời khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2010, sau khi từ chối tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt từ chính phủ Trung Quốc và sau một loạt các cuộc tấn công mạng vào công ty.
Sau đó, Bắc Kinh đã chặn các dịch vụ của Google , bao gồm dịch vụ email Gmail, cũng như trình duyệt và công cụ tìm kiếm Chrome, khiến người dùng ở Trung Quốc đại lục không thể truy cập được.
Mặc dù các dịch vụ của Google không thể truy cập được ở Trung Quốc, công ty vẫn duy trì sự hiện diện tại quốc gia này, chủ yếu tập trung vào bán hàng và kỹ thuật cho doanh nghiệp quảng cáo của mình. Công ty cũng có nhân viên làm việc về các dịch vụ bao gồm Google Cloud và các giải pháp cho khách hàng.
Một số chuyên gia tin rằng cuộc điều tra chống độc quyền có thể sẽ tập trung vào hệ điều hành Android của Google dành cho điện thoại thông minh và được sử dụng như một con bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thêm 28 công ty Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu
Đầu tháng 1/2025, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đã công bố việc đưa 28 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, cấm xuất khẩu các mặt hàng sử dụng kép cho các công ty được liệt kê.
MOFCOM cho biết để phù hợp với luật pháp và quy định có liên quan của Trung Quốc và để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc cũng như thực hiện nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân và các nghĩa vụ quốc tế khác, họ đã quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 28 thực thể của Mỹ, bao gồm General Dynamics, Boeing Defense, Space & Security và Lockheed Martin Corporation.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250215/images/tq-my-0132.jpeg)
Sau động thái này, việc xuất khẩu các mặt hàng sử dụng kép cho 28 thực thể của Mỹ này bị cấm và mọi hoạt động xuất khẩu đang diễn ra liên quan đến các thực thể này phải bị dừng ngay lập tức.
Trong những trường hợp đặc biệt khi xuất khẩu được coi là cần thiết, các nhà xuất khẩu phải nộp đơn xin phép từ MOFCOM.
Người phát ngôn của MOFCOM cho biết động thái này nhằm mục đích bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, cũng như thực hiện nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân và các nghĩa vụ quốc tế khác.
Quỳnh Anh-Link gốc