Cục Thống kê vừa công bố danh sách 15 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ có khả năng chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng mà Washington đang xem xét. Đồng thời, cơ quan này đưa ra một số khuyến nghị để các doanh nghiệp kịp thời thích ứng với tình hình mới, tránh bị động trong các đợt điều chỉnh thuế có thể diễn ra sau thời gian tạm hoãn 90 ngày.
Thuế chưa phải là mới – nhưng đang tăng áp lực
Theo phân tích của Cục Thống kê, phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vốn đã phải chịu thuế suất nhập khẩu ở mức trung bình khoảng 12%, không phải là 0% như nhiều người lầm tưởng. Cá biệt, một số mặt hàng hiện chịu thuế tới 27%. Việc Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ là lý do khiến thuế suất cao hơn so với các đối tác khác của Mỹ.
Việc Tổng thống Trump công bố mức thuế 46% (hiện đang được tạm hoãn 90 ngày) không áp đồng loạt mà áp theo từng dòng thuế, từng mặt hàng cụ thể. Trong tuyên bố gần nhất, ông Trump cho biết điện thoại và máy tính tạm thời sẽ không nằm trong diện bị áp thuế. Đây là hai trong số những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất từ Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam phần nào giảm bớt áp lực trong ngắn hạn.

15 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2024.
Theo Cục Thống kê, có 15 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ trong thời gian tới. Trong đó, nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao gồm máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng khác cũng nằm trong diện bị tác động gồm giày dép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm chất dẻo; thủy sản; nhóm hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; đồ chơi và dụng cụ thể thao; các sản phẩm từ sắt thép; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; cùng với hạt điều.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của 15 nhóm hàng này từ Việt Nam sang Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua, từ khoảng 77 tỷ USD năm 2020 lên tới 119,5 tỷ USD trong năm 2024. Cụ thể, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 77,1 tỷ USD; đến 2021 là 96,3 tỷ USD; năm 2022 tăng lên 109,4 tỷ USD; năm 2023 giảm nhẹ còn 97 tỷ USD nhưng bật tăng mạnh trở lại vào năm 2024 với con số kỷ lục 119,5 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ khoảng 15,1 tỷ USD. Cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Việt Nam được cho là một trong những lý do khiến chính quyền Mỹ đưa ra các động thái siết thuế thời gian gần đây.
Ba nhóm hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất hiện nay là máy vi tính và linh kiện (23,2 tỷ USD), máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (22,1 tỷ USD) và hàng dệt may (16,2 tỷ USD). Tổng giá trị của ba nhóm hàng này chiếm hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, nên đây cũng sẽ là các nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu Mỹ tăng thuế.
Ngoài ra, điện thoại và linh kiện (9,8 tỷ USD), gỗ và sản phẩm từ gỗ (9,1 tỷ USD), giày dép (8,3 tỷ USD) và nông sản (khoảng 2,3 tỷ USD) cũng nằm trong nhóm có giá trị lớn và dễ bị tổn thương trước các thay đổi về chính sách thương mại từ phía Mỹ.
Ứng phó ra sao?
Cục Thống kê khuyến nghị doanh nghiệp không nên hoang mang, mà cần chủ động làm việc lại với các đối tác, nhãn hàng để điều chỉnh hợp đồng và cấu trúc giá theo thuế mới.
Trong ngắn hạn, mức thuế 10% (tạm hoãn 90 ngày) chưa gây tác động lớn do đa số hợp đồng đã được ký trước đó. Cục Thống kê nhận định, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu đã đàm phán giá từ trước nên việc điều chỉnh theo thuế mới sẽ do các thương hiệu, nhà phân phối tính toán lại trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ là bên chịu tác động trực tiếp nếu giá hàng nhập khẩu tăng.
Tuy nhiên, trong trung hạn, các doanh nghiệp cần theo dõi chặt diễn biến đàm phán giữa hai chính phủ để chủ động đưa ra kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Một biểu thuế chi tiết hơn có thể sẽ được Mỹ công bố sau giai đoạn tạm hoãn, trong đó đề cập cụ thể đến các nhóm hàng như ô tô, dệt may, điện thoại, da giày và linh kiện.

Xu hướng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn 2020–2024.
Cục Thống kê khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì đàm phán, hợp tác linh hoạt với các nhãn hàng, nhà nhập khẩu để duy trì thị phần tại Mỹ, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các đối tác có FTA như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc để giảm rủi ro phụ thuộc.
Bên cạnh việc bảo vệ hàng xuất khẩu, Việt Nam cũng đang có động thái cải thiện cán cân thương mại bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ. Chính phủ đã bổ sung danh mục các mặt hàng có thuế suất ưu đãi nhập khẩu như ô tô, cherry, táo, nho khô – phần lớn có xuất xứ từ Mỹ. Đồng thời, việc nhập khẩu thêm các mặt hàng công nghệ cao như trực thăng, máy bay, năng lượng, thiết bị điện cũng được đẩy mạnh.
Trong bối cảnh này, các cơ chế hợp tác song phương hiện có như Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA), Hiệp định khung TIFA cần được phát huy tối đa để hỗ trợ đàm phán, tạo điều kiện cho cả hai bên duy trì mối quan hệ thương mại ổn định, cùng có lợi.
Cục Thống kê nhấn mạnh, dù có nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi nhu cầu đối với hàng hóa Việt vẫn ở mức cao. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần linh hoạt, theo dõi sát tình hình và chuẩn bị kịch bản ứng phó, thay vì bị động trước những thay đổi chính sách từ các thị trường lớn.
Trung Việt-Link gốc