Để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nên lựa chọn mô hình 'sóng tăng trưởng', với nguyên tắc “chuẩn bị sâu rộng, tăng tốc tập trung và tối ưu hóa hiệu quả".
Trở thành nước thu nhập cao là điều không dễ
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố báo cáo về việc xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng để Việt Nam đạt được mục tiêu gia nhập nhóm quốc gia tăng trưởng cao vào năm 2045.
Theo GS.TS Trần Thị Vân Hoa, đại diện cho nhóm nghiên cứu của Trường Kinh tế và Quản lý công thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, mục tiêu tới năm 2045 trở thành nước thu nhập cao là điều không dễ.
“Để trở thành nước thu nhập cao, chúng ta phải đưa mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại là 4.180 USD (năm 2024) lên 7.500 USD vào năm 2030 và trên khoảng 13.000 - 15.000 USD vào năm 2045. Bài toán đang khó hơn khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ngày càng phức tạp, khó dự báo. Cùng với đó, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, với những thay đổi rất mạnh mẽ”, bà Hoa nói.
Kịch bản thứ nhất - Kịch bản A có logic thiết kế là “Khởi động mạnh mẽ - củng cố vững chắc và duy trì ổn định”.
Trong kịch bản này, giai đoạn I được dự kiến từ 2025 - 2029, với tốc độ tăng trưởng 11%/năm. Giai đoạn II kéo dài 8 năm, từ năm 2030 - 2037, với tốc độ tăng trưởng 9%/năm. Giai đoạn III dài 8 năm từ 2038 - 2045, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7 - 8%/năm.

“Trong kịch bản với mô hình khởi động nhanh này, chúng ta sẽ tận dụng được cái động lực ban đầu để tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, cùng với đó là áp sẽ rất lớn trong giai đoạn đầu, dễ dẫn đến kiệt sức do phải làm rất nhiều việc trong cùng một thời gian ngắn”, bà Hoa phân tích.
Kịch bản thứ hai - Kịch bản B với mô hình tăng tốc kéo dài, với logic thiết kế là “Duy trì đỉnh cao - hạ cánh mềm”. Thời gian của 3 giai đoạn trong kịch bản này đều là 7 năm, trong đó 7 năm đầu tiên phải đạt 11%/năm, 7 năm tiếp theo có tốc độ tăng trưởng GDP là 8,5 - 9%/năm, 7 năm cuối là 6,5 - 7,5%/năm.
Ưu điểm của kịch bản này, theo GS.TS Vân Hoa là thời gian chuẩn bị dài và áp lực phân bổ đều. Tuy vậy, rủi ro được xác định là khó duy trì được động lực tăng trưởng trong một thời gian rất dài, tới 7 năm.
Kịch bản thứ ba - Kịch bản C, có tên là "Mô hình sóng tăng trưởng" với nguyên tắc: “chuẩn bị sâu rộng, tăng tốc tập trung và tối ưu hóa hiệu quả”.
Trong mô hình này, giai đoạn I là 10 năm, từ 2025 - 2035, trong đó từ nay đến năm 2030 được xác định là thời gian chuẩn bị, với tốc độ tăng trưởng GDP vào khoảng 8 - 10%/năm. Những năm từ 2031 - 2035 được xác định là giai đoạn tăng tốc, với tốc độ tăng trưởng có thể đạt tới 11 - 12%/năm. 10 năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần, từ khoảng 8 -9% trong 5 năm đầu và 6,5 - 7,5% trong 5 năm cuối.
“Áp lực tăng trưởng sẽ tăng từ từ và cũng sẽ giảm từ từ theo sóng tăng trưởng. Việc có thời gian chuẩn bị kéo dài cũng là giải pháp đảm bảo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng tốc, phù hợp với chu kỳ phát triển tự nhiên. Khi đó, rủi ro về các cú sốc tăng trưởng sẽ giảm”, bà Vân Hoa làm rõ.
Đề xuất chọn mô hình "sóng tăng trưởng"
Về việc lựa chọn một mô hình phù hợp, GS.TS Trần Thị Vân Hoa đề xuất phương án chọn là kịch bản thứ 3, theo mô hình sóng tăng trưởng.
Về lý thuyết, mô hình này phù hợp với các bằng chứng thực nghiệm từ các quốc gia Đông Á. Hai là thời gian chuẩn bị kéo dài, đảm bảo cho một cuộc cải cách toàn diện cũng như tính linh hoạt trong các phương án thực hiện. Đồng thời, nguồn lực thực hiện cũng sẽ tăng dần theo khả năng…
“Đất nước đang trong giai đoạn tái cấu trúc thể chế và bộ máy quản lý nhà nước, sẽ khó tăng tốc ngay lập tức. Tương tự, các nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là nền tảng cho các kế hoạch tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tới. Hơn thế, việc đề xuất tách giai đoạn 2025 - 2035 thành 2 phân kỳ 5 năm một để có sự linh hoạt trong thực thi. Nếu 5 năm đầu chưa đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng thì sẽ tăng tốc ở 5 năm tiếp sau, tránh sự mất cân đối cũng như cú sốc tăng trưởng”, GS.TS Trần Thị Vân Hoa phân tích.
Trong kịch bản lựa chọn, nhóm nghiên cứu đã tính toán, tăng trưởng GDP có thể đạt được mức cao nhất trong giai đoạn 2031 - 2035, với khoảng 11 - 12%/năm.
Với động lực tăng trưởng là khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng đã được đầu tư, từ vận hành đến tối ưu logistics. Sự bùng nổ công nghiệp công nghệ cao cũng được dự báo sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng, khi các khu vực doanh nghiệp đều tăng tốc, tỷ lệ nội địa hóa có thể lên tới 40-50%. Đặc biệt, kinh tế số sẽ đóng góp 20-25%/GDP khi chiến lược chuyển đổi số toàn diện đã phát huy kết quả. Cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển…
Tuy nhiên, bà Hoa cũng nhấn mạnh, giai đoạn chiến bị chiến lược trong 5 năm, từ nay tới năm 2030 có ý nghĩa rất lớn cho bước tăng tốc. Mục tiêu tăng trưởng của 5 năm này sẽ là 8 - 10%, với động lực hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân và thu hút dòng vốn FDI chất lượng.
Quan trọng là những cải cách về thể chế, quản trị, pháp lý trong giai đoạn này tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo chuyển từ tăng trưởng dựa trên vốn sang dựa trên năng suất, chuyển mạnh mẽ và chuyển hoàn toàn sang phát triển dựa trên kinh tế tri thức, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi đó, nền kinh tế sẽ bước lên những bậc cao hơn, có giá trị gia tăng tốt hơn trong chuỗi giá trị và phát triển bền vững hơn. Vị thế của đất nước năm 2045 sẽ là thu nhập cao, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á…
“Hiện tại, chúng ta đã có điều kiện thành công then chốt, đó là quyết tâm chính trị và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cao của đất nước. Các đột phá chiến lược, về thể chế, hạ tầng, nhân lực, cũng đang được thúc đẩy với tư duy đột phá. Bước tiếp theo cần thực hiện là các giải pháp thực thi chi tiết, cụ thể trên cơ sở xác định các trọng tâm phát triển.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ 3 năm một lần để xem xét toàn diện và xác định các điểm nghẽn phát sinh, từ đó có cảnh báo sớm. Nếu tốc độ tăng trưởng thực tiễn thấp hơn mục tiêu 2%, các phương án dự phòng cần được kích hoạt. Ngược lại, nếu có cơ hội bứt phá mạnh hơn cũng có thể điều chỉnh để tận dụng thời cơ.
Theo GS.TS Trần Thị Vân Hoa, một nền kinh tế chưa từng đạt được tăng trưởng 2 con số, vẫn đang dựa vào các động lực tăng trưởng chính là vốn, lao động, thì việc xác định các kịch bản để có nhìn rõ con đường phải đi, thách thức phải đối diện và cả cơ hội phía trước là vô cùng cần thiết.
Kỳ Thư-Link gốc